Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 15 tháng giêng vừa qua, tại trụ sở Đài Á Châu Tự Do chúng tôi, đã vinh hạnh đón tiếp bà Rebiya Kadeer, một nhà tranh đấu nhân quyền, một phụ nữ rất đặc biệt, đại diện cho dân tộc Uygur, một xứ xở đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Là một nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ trong suốt 30 năm qua, bà từng được tiếp kiến tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, được nhiều giải thưởng quốc tế về nhân quyền, và được đề nghị tặng giải Noel Hoà Bình. Nhân dịp bà đến thăm Đài Á Châu Tự Do, Phương Anh đã có cơ hội trò chuyện với bà và kỳ này, xin được giới thiệu đến quí vị cùng các bạn đôi nét về người phụ nữ rất đặc biệt này.
Thưa quí vị thính giả, Uygur là một vùng đất rất nhỏ bé, nằm ở phiá Tây Bắc Trung Hoa, thuộc về miền Trung Á, cách Bắc Kinh 1500 dặm. Thực ra, người Uygur là dân thiểu số của vùng Eastern Turkistan, và thuộc về sự cai trị của Trung Quốc.
Là một dân tộc thiểu số, họ chịu rất nhiều thiệt thòi, bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Nhiều người đã tìm cách trốn thoát ra nước ngoài để tìm tự do, hay bị buộc phải sống lưu vong vì dám đấu tranh đòi công lý. Trên toàn thế giới hiện nay, tổng cộng dân số người Uygur chỉ có khoảng 7 triệu 600 ngàn người.
Chứng kiến sự hà khắc của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối xử với đồng bào của mình, bà Rekbiya Kadeer, người từng là đại biểu quốc hội Trung Quốc, đã mạnh dạn đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng dân quyền và nhân quyền với người Uyghur. Khi còn là triệu phú, bà từng giúp đỡ cho hàng ngàn gia đình bị đói khổ, và đặc biệt, tranh đấu cho quyền lợi căn bản của phụ nữ và trẻ em.
Xuất than gia đình giầu có
Xuất thân trong gia đình giầu có, bà từng là chủ của công ty với vốn kinh doanh hàng triệu đô la tại East Turkistan. Tuy là triệu phú, nhưng bà lại rất bình dân và luôn quan tâm đến đời sống của dân nghèo. Bà đã từng bỏ tiền giúp đỡ cho hàng trăm gia đình nghèo, xây dựng các trường học cho trẻ em.
Sự đau khổ của những người dân trên đất nước tôi đã khiến tôi quyết định tranh đấu, và tôi thấy rằng không có thời gian chờ đợi nữa, không có thời gian để chờ đợi người nào đó đến lãnh đạo chúng tôi. Chúng tôi không còn thời gian chờ đợi nữa. Hôm nay, tôi đại diện cho những người không có tiếng nói, đại diện cho những người đang bị nhà nước Bắc Kinh cấm đoán.
Năm 1992, bà được chọn làm đại biểu quốc hội Trung Quốc, đại diện cho dân tộc Uygur, và năm 1995, bà là thành viên của Liên Hiệp Phụ Nữ Toàn Thế Giới. Với vị trí của mình, bà đã cương quyết và đòi hỏi quyền lợi cho dân Uygur, nhất là phụ nữ và trẻ em. Năm 1997, bà thành lập chương trình “Thousand Mothers Movement” xin tạm dịch “ Các Bà Mẹ Hành Động” để tạo điều kiện và tập cho các phụ nữ có cơ hội biết kinh doanh, bà tổ chức các khoá học miễn phí, giúp cho họ có công ăn việc làm để nuôi gia đình.
Vào tháng 3 năm 1997, ngay tại khóa họp đại biểu quốc hội Trung Quốc, bà đã thẳng thắn phê bình và chỉ trích những chính sách của Bắc Kinh với dân Uygur, đòi hỏi nhà cầm quyền phải để cho người dân Uygur được hưởng quyền tự do dân chủ. Sau sự kiện này, bà bị nhà cầm quyền Trung Quốc cho là chống lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tước quyền làm đại biểu và bị quản thúc tại gia.
Vào năm 1999, bất chấp những đe dọa và ngăn cấm của Đảng CS và nhà nước, bà đến gặp đoàn quốc hội Hoa Kỳ. Bà bị bắt iam và bị gán vào tội danh “đánh cắp tài liệu bí mật quốc gia”. Năm 2000, bà được tổ chức Human Right Watch trao giải thưởng cao qúi nhất. Năm 2004, bà được tổ chức Norway’s Rafto Foundation vinh danh bà và đầu năm 2006, trong khi bà còn đang ở trong tù, bà được giải thưởng cao quí dành cho những người đấu tranh cho nhân quyền Rafto và được đề nghị trao giải Noel Hoà Bình.
Sau 6 năm tù đầy, dưới áp lực quốc tế, cuối cùng, nhà nước Bắc Kinh phải thả tự do cho bà, nhưng trục xuất bà ra khỏi đất nước. Bà đến sinh sống tại bang Virginia, Hoa Kỳ và tiếp tục đấu tranh cho dân tộc Uygur. Bà có 11 người con, nhưng một nửa vẫn còn kẹt tại Uygur và vì sự tranh đấu, hoạt động cho tự do dân chủ, các con của bà hiện vẫn đang bị nhà nước Trung Quốc giam giữ. Riêng chồng bà thì may mắn hơn, đã đào thoát được đến Hoa Kỳ vào năm 1996.
Quyết tâm tranh đấu cho người dân Uygur
Thưa quí vị và các bạn, ở tuổi 60, với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt xinh đẹp và giọng nói rất cương quyết, biểu lộ niềm tự tin, bà đã tâm sự với Phương Anh vì sao bà lại bỏ hết của cải, từ chối mọi cao sa quyền quí để quyết tâm tranh đấu cho người dân Uygur, nhất là các phụ nữ và trẻ em. Bà nói:
Sự đau khổ của những người dân trên đất nước tôi đã khiến tôi quyết định tranh đấu, và tôi thấy rằng không có thời gian chờ đợi nữa, không có thời gian để chờ đợi người nào đó đến lãnh đạo chúng tôi. Chúng tôi không còn thời gian chờ đợi nữa. Hôm nay, tôi đại diện cho những người không có tiếng nói, đại diện cho những người đang bị nhà nước Bắc Kinh cấm đoán.
Tôi cũng là một người mẹ, tôi bảo vệ những đưá con của tôi như thế nào thì cũng bảo vệ dân chúng của tôi như thế. Như các bạn đã biết, hiện nay, vẫn còn rất ít những phụ nữ lãnh đạo trong thế giới Hồi Giáo. Nhưng, người dân rất tin tưởng nơi tôi, họ đặt niềm tin nơi tôi. Chính vì thế, tôi đã dành hết cuộc đời còn lại để tranh đấu cho họ.
Đặc biệt, đây chính là lúc tôi phải mạnh dạn đứng lên vì tôi nhận thấy rằng chung quanh tôi, ít có người hy sinh tham gia vào công cuộc đấu tranh đòi dân chủ và chính tôi phải lên tiếng. Đây là điều mà người nào cũng có thể làm. Một điều khác thúc đẩy tôi nữa là sự hy vọng, sự can đảm. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai tranh đấu cho dân tộc của họ cũng đều phải có sự hy vọng và tin tưởng vào chính bản thân mình, nhất là tin tưởng vào điều mà họ đang đấu tranh.
Tôi tin rằng những ai đã được hưởng tự do thì phải đại diện cho những người đang thiếu tự do. Họ nên làm bất cứ điều gì trong khả năng cuả mình để tranh đấu cho người thiếu tụ do. Thí dụ như tại Thế Vận Hội Olympic, chính phủ các nước cũng nên nhắc đến vấn đề tự do,nhân quyền, liên tục thúc đẩy vấn đề này…Chúng ta cứ tiếp tục tranh đấu không ngừng nghỉ thì chắc chắn, các vấn đề sẽ được giải quyết rốt ráo.
Bà cũng cho biết rằng, trước đây, khi còn là một triệu phú trên thương trường quốc tế, bà luôn mong rằng mình sẽ là mẹ của các trẻ em nghèo, những phụ nữ thiếu may mắn. Chính vì bà quan tâm tới họ, thấu hiểu nỗi khó khăn mà họ đang phải chịu đựng, cùng những chính sách hà khắc của Bắc Kinh, nên người dân Uygur đã tin tưởng nơi bà. Nhưng, lúc bấy giờ, bà chưa bao giờ nghĩ rằng bà sẽ trở thành lãnh đạo của họ. Bà nói tiếp:
Mặc dù tôi không phải là người lãnh đạo trước đây nhưng suốt 30 năm qua, tôi vừa là một phụ nữ Uyghur, vừa là một người lãnh đạo của đất nước tôi. Khi tôi là một phụ nữ giàu có, thời gian đó, tôi đã giúp cho đồng bào tôi về vật chất cũng như tinh thần. Họ thực sự coi tôi là người mẹ của họ. Sau khi tôi bị gian cầm trong nhà tù của Trung Quốc thì tôi thực sự trở thành người lãnh đạo. Thời gian tôi ở tù là lúc đồng bào tôi thực sự coi tôi là người lãnh đạo của họ.
Niềm tin vững mạnh
Với bà, hiện nay, điều quan trọng hơn cả là tuy sống ở một xứ sở tự do, nhưng bà không thể nào quên được người dân của bà còn đang bị kềm kẹp bởi nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em. Bà cho biết rằng:
Phụ nữ và trẻ em là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Nếu chúng ta giải quyết được các vấn đề về phụ nữ và trẻ em thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề khác. Tất cả những ai hoạt động trong lãnh vực nhân quyền đều nên hiểu về vai trò của phụ nữ và trẻ em.
Nếu chúng ta tìm cách giải quyết được vấn đề của phụ nữ và trẻ em, thì các vấn đề khác của quốc gia cũng sẽ được giải quyết. Hiện nay, trong lãnh vực dân quyền và nhân quyền, phụ nữ là nhóm người đang chịu đựng đau khổ nhiều hơn cả.
Bà luôn tin tưởng và hy vọng rằng một ngày nào đó người dân Uygur sẽ có tự do, dân chủ, được đối xử một cách công bình. Với niềm tin vững mạnh, bà cho rằng:
Tôi tin rằng những ai đã được hưởng tự do thì phải đại diện cho những người đang thiếu tự do. Họ nên làm bất cứ điều gì trong khả năng cuả mình để tranh đấu cho người thiếu tụ do. Thí dụ như tại Thế Vận Hội Olympic, chính phủ các nước cũng nên nhắc đến vấn đề tự do,nhân quyền, liên tục thúc đẩy vấn đề này…Chúng ta cứ tiếp tục tranh đấu không ngừng nghỉ thì chắc chắn, các vấn đề sẽ được giải quyết rốt ráo.
Quí vị và các bạn vừa nghe những chi tiết về bà Rebiya Kadeer, một phụ nữ người Uygur, là nhà đấu tranh nhân quyền và lãnh tụ của dân tộc Uygur. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ sau.