Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Cùng trong tuần trước hai sự kiện chính trị tuy khác mục đích nhưng cùng một phương thức được công bố tại Đông Nam Á. Đó là việc Thái Lan dự định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp, và Đài Loan muốn hành động tương tự về việc gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Trước sự lưu tâm của một số người dân Việt về hành xử của hai chính quyền láng giềng, Nhã Trân có bài về vấn đề trưng cầu dân ý, xin trình bày cùng quí thính giả.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan hôm 20 tháng 6 loan báo dân chúng sẽ được hỏi ý kiến về việc ban hành bản tân hiến pháp, nhằm thay thế bản dùng dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 8 năm nay, 2 tháng trước cuộc bầu cử quốc hội.
Tinh thần dân chủ
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thái cho biết bản dự thảo hiến pháp mới sẽ được hoàn bị nội tuần này, sẵn sàng cho cuộc hội ý quần chúng vào tháng sau. Chính quyền quân sự Thái cho rằng việc lấy ý kiến của dân sẽ giúp tái lập nền dân chủ trong nước.
Trong khi đó, không hẹn mà gặp, Đài Loan cũng công bố sẽ tham khảo ý dân về ý định gia nhập Liên Hiệp Quốc với quốc danh là Đài Loan, thay vì dưới tên Trung Hoa Dân Quốc. Theo phát ngôn viên của Tổng thống Trần Thủy Biển, hàng triệu chữ ký đã được thu thập, khởi sự giai đoạn chuẩn bị cho cuộc trưng cầu.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh thổ phồn thịnh này thể hiện tinh thần dân chủ. Mới vài năm trước Đài Loan đã thu thập ý dân về việc sửa đổi, canh cải hiến pháp.
Ở châu Á không phải chỉ có chính quyền Thái Lan và chính quyền Đài Loan biết tôn trọng ý dân, nhận thức được vai trò quyết định của đa số. Lãnh đạo nhiều quốc gia khác trong vùng như Nhật Bản, Iraq, Singapore ít năm trước từng để công chúng lên tiếng quyết định những vấn đề trọng đại, những sự kiện quan trọng có ảnh hưởng lớn đến dân, đến nước.
Nhìn rộng ra ngoài, giới cầm quyền các quốc gia tiến bộ đã thu thập ý kiến công dân bằng những cuộc trưng cầu dân ý từ rất lâu. Từ Châu Âu, Châu Mỹ đến Châu Úc hàng chục nước đã theo cách hành xử này kể từ nhiều thập kỷ qua.
Ý nghĩa và mục đích
Trưng cầu dân ý là gì và có mục đích ra sao? Xin mượn lời Giáo sư Luật học Nguyễn Văn Canh, Tiến sĩ Công pháp Quốc tế, hiện đang ngụ tại bang California:
“Các quốc gia dân chủ có tổ chức trưng cầu dân ý, hay nói khác đi là để lấy ý kiến chung của toàn dân, về một vấn đề hệ trọng của quốc gia. Dù rằng đã có hiến pháp, lập pháp và cơ quan hành pháp nhưng khi có một việc hệ trọng vượt quá quyền hạn của quốc hội, của chính phủ thì chính quyền không dám quyết định mà phải thỉnh cầu dân chúng phát biểu ý kiến để quyết định.
Các quốc gia dân chủ có tổ chức trưng cầu dân ý, hay nói khác đi là để lấy ý kiến chung của toàn dân, về một vấn đề hệ trọng của quốc gia. Dù rằng đã có hiến pháp, lập pháp và cơ quan hành pháp nhưng khi có một việc hệ trọng vượt quá quyền hạn của quốc hội, của chính phủ thì chính quyền không dám quyết định mà phải thỉnh cầu dân chúng phát biểu ý kiến để quyết định.
Ở các quốc gia tôn trọng luật pháp, hay nói khác đi là những quốc gia dân chủ, khi thấy một ý kiến nêu ra mà quần chúng tham gia đông đảo, đòi hỏi phải được quyền quyết định thì chính quyền luôn luôn lưu tâm và tìm cách để giải quyết, đáp ứng nguyện vọng đó”.
Nhìn lại quê nhà, nước Việt Nam đã từng hơn một lần cho quần chúng được sử dụng quyền công dân, nói lên ý kiến qua trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu ý dân mà người Việt không mấy ai không biết tới, là Hội nghị Diên Hồng. Đó là lần hỏi ý dân đầu tiên trong lịch sử nước nhà, diễn ra từ cuối thế kỷ thứ 13, thể hiện tinh thần tiến bộ, dân chủ và đúng đắn của triều đình lãnh đạo nước Việt.
Trong vài năm gần đây dân chúng không ngừng phản ánh về những vấn đề gây khó khăn cho đời sống họ. Từ luật pháp đến giáo dục, xã hội đến y tế, bên cạnh những điều luật hợp lý không thiếu những điều bất cập, bất minh, theo quần chúng. Rất nhiều lời kêu gọi, yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý được người dân cả trong lẫn ngoài nước nêu lên qua báo chí, truyền thông, mạng Internet.
Nguyện vọng ấy chưa được giải quyết, và nạn nhân của những bất công tiếp tục bất mãn. Từ chuyện chương trình giải phóng mặt bằng, đến những chuyện bị xem là vi phạm an ninh quốc gia, nguy hiểm cho chế độ, vô số bức xúc được báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đăng tải liên tục. Công luận cho thấy có những mong mỏi thay đổi, cải thiện đối với đời sống của dân và tương lai đất nước. Vì thế, không ít người Việt, cả trong nước lẫn hải ngoại, cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý về luật pháp, hiến pháp cho Việt Nam nên được thực hiện.
Ý kiến của người dân
Những người được hỏi đã nói thế nào? "Việt Nam nên trưng cầu ý dân vì trước giờ người dân không có tiếng nói. Trưng cầu ý dân là tốt"
phát biểu của một cư dân dân Saigon, và: "Tôi nghĩ rằng trưng cầu dân ý là tốt, vì ý dân quan trọng. Người ta nói "ý dân là ý trời" mà"…theo suy nghĩ của một kiều bào tại Paris.
Và để kết thúc, xin trưng dẫn quan điểm của một người trong giới chuyên môn về pháp lý, là Luật sư Phạm Hồng Hải, chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, từng dự phần soạn thảo Luật trưng cầu ý dân:
"Ở Việt Nam ngày xưa từng có hội nghị Diên Hồng. Đấy, nhà Vua cũng còn xin ý kiến của các bô lão trong cái việc quyết định của mình. Đó là truyền thống chứ đâu phải không... Bằng cái việc nhà nước chủ trương ban hành cái Luật Trưng cầu Ý dân, đấy là bước phát triển của nền dân chủ".
Ý kiến của một nhà luật học đã kết thúc trình bày về vấn đề trư8ng cầu dân ý cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại, Nhã Trân kính chào quý thính giả.