Quá trình quan tâm của thế giới về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong 30 năm qua


2005.12.09

Đằng Phong, phóng viên đài RFA

Gần đây những sự đe dọa mà cụ Hoàng Minh Chính phải gặp phải khi trở về Việt Nam đã khiến cho thế giới một lần nữa chú trọng đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng trong 30 năm qua, sự quan tâm này đã có lúc lên lúc xuống.

TranXuanNinh150.jpg
Bác sĩ Trần Xuân Ninh

Nhân dịp ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Đằng Phong đã trao đổi với bác sĩ Trần Xuân Ninh, một người thường theo dõi và phân tích các vấn đề liên quan đến Việt Nam, và cũng là một người lâu nay đã tích cực tham gia các sinh hoạt đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam để tìm hiểu về mức độ quan tâm của thế giới về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong ba thập niên qua.

Đằng Phong: Việc nhân quyền tại Việt nam không được tôn trọng đúng mức là một vấn đề được chú trọng nhiều trong những thời gian gần đây, nhất là sau khi Việt Nam bị lưu giữ trong danh sách các quốc cần đặc biệt quan tâm, tức CPC, bởi bộ ngoại giao Mỹ.

Bác sĩ là một người hoạt động và đươc biết là trước đây cũng đã có mặt cùng với ca sĩ phản chiến Joan Baez họp báo về vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Xin bác sĩ tóm tắt sơ qua về quá trình quan tâm của thế giới về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

BS Trần Xuân Ninh: Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được nói đến đầu tiên bởi những bài báo trên tờ Le Monde của Pháp, The Observer của Anh và The Washington Post của Mỹ. Những báo này nói về các trại tù cải tạo, giam giữ không xét xử những quân nhân viên chức VNCH, những tu sĩ Phật giáo, Thiên chúa giáo, những văn nghệ sĩ, trong những tình trạng hết sức tồi tệ.

Phóng viên Paringaud của báo Le Monde là người đã viết nhiều bài về vấn đề này. Nhưng mà vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt nam được chú trọng là nhờ những nỗ lực của hai người là ca sĩ phản chiến - một là bà Joan Baez và hai là bà Ginetta Sagan.

Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được nói đến đầu tiên bởi những bài báo trên tờ Le Monde của Pháp, The Observer của Anh và The Washington Post của Mỹ. Những báo này nói về các trại tù cải tạo, giam giữ không xét xử những quân nhân viên chức VNCH, những tu sĩ Phật giáo, Thiên chúa giáo, những văn nghệ sĩ, trong những tình trạng hết sức tồi tệ.

Năm 1979, ca sĩ Joan Baez dã tổ chức một buổi họp báo tại Hollywơod với tư cách chủ tịch hội Humanities International Human Rights Committee và tôi được mời tham dự ở tư cách một người tù nhân lương tâm của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, và nhân chứng.

Để công bố lá thư ngỏ gửi nhà câm quyền CHXHCNVN nêu lên tình trạng vi phạm nhân quyền, đặc biệt là tình trạng ở trong các trại cải tạo và yêu cầu Hà Nội cho một phái đoàn độc lập của Amnesty International, tức tổ chức Ân Xá Quốc Tế đi quan sát các trại tù cải tạo.

Yêu cầu này bị bỏ lơ và mãi lâu lắm về sau mới có một phái đoàn của Ân Xá Quốc Tế được đi thăm một số các trại cải tạo. Về phía cá nhân tôi thì cũng đã nhiều lần trình bầy trong các buổi thuyết trình hay thảo luận trước các sinh viên các đại học Berkeley, Stanford, Seattle, và đại học tại London do hội Ân Xá Quốc Tế tổ chức vào những năm đầu thập niên 80.

Đằng Phong: Như vậy thì có vẻ vấn đề nhân quyền tại Việt Nam chỉ được nói đến nhiều trong thời gian những thuyền nhân vượt biển thôi, có đúng không bác sĩ?

BS Trần Xuân Ninh: Phần nào là đúng như thế. Tuy nhiên, theo tôi thì sự kiện thuyền nhân vượt biển trên các thuyền mong manh, chịu đựng chết chóc và trải qua thảm trạng hải tặc đã làm thế giới xúc động và đặt câu hỏi tại sao lại có những người liều mạng ra đi như vậy. Từ đó thì vấn đề nhân quyền được để ý.

Ngoài ra thì những câu chuyện thuyền nhân kể lại về đời sống Việt Nam dưới chế độ toàn trị Cộng Sản, thi hành chính sách tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc theo lời ông Hồ chí Minh, cũng là những bằng cớ kinh khủng về vân đề chà đạp nhân quyền tại Việt Nam.

Đằng Phong: Nhưng mà nghe mãi về những khổ nạn đó thì trước sau cũng phải nhàm thôi. Có phải chăng vì đó mà sự chú ý đến nhân quyền tại Việt Nam cũng giảm đi?

BS Trần Xuân Ninh: Ông nói như thế thì cũng không sai đâu. Người ta sau một thời gian thì quay sang chú ý đền những chuyện khác mới lạ, như thuyền nhân Cuba hay là những cuôc tị nạn khác từ các miền đất bất ổn khác trên khắp thế giới.

Cuối thập niên 80 thì chuyện nhân quyền tại Việt Nam chỉ được các tổ chức nhân quyền đề cập tới nhân dịp những nhân vật tôn giáo hay chính trị bị bắt hay xử tội. Thí dụ như trường hợp hai thượng toạ Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị xử tử hình hay là trường hợp bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt giam thì tổ chức Ấn Xá Quốc Tế chỉ can thiệp sau khi cộng đồng Việt Nam hải ngoại lên tiếng và vận động.

Đằng Phong: Nếu như vậy thì có thể nói rằng là trong giai đoạn đầu khi hình thành cộng đồng Việt Nam tại Hải Ngoại với những thuyền nhân, thì các câu chuyện bi thảm về vượt biên vượt biển, về trại tập trung cải tạo đã làm cho thế giới chú ý đến sự chà đạp nhân quyền của nhà nước CHXHCNVN. Nhưng sau đó thì vấn đề nhân quyền thu lại vào những trường hợp những người bị bắt bớ xử tội. Có đúng không bác sĩ?

Ngoài ra thì những câu chuyện thuyền nhân kể lại về đời sống Việt Nam dưới chế độ toàn trị Cộng Sản, thi hành chính sách tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc theo lời ông Hồ chí Minh, cũng là những bằng cớ kinh khủng về vân đề chà đạp nhân quyền tại Việt Nam.

BS Trần Xuân Ninh: Đúng thế. Sang đến đầu thập niên 90, vào năm 1991 thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam chuyển sang một tính chất khác. Bởi vì vào năm 1991 thì có một cuộc tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ liền dưới trời mưa lạnh New York cuối thu, ở trước trụ sở Liên Hiệp Quốc nhân dịp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp. Và cuộc tuyệt thực này đã đưa vấn đề vi phạm nhân quyền Việt Nam sang một giai đoạn mới.

Bởi vì cuộc tuyệt thực này là gồm có mấy trăm người trong đó có 28 người tuyệt thực , đủ thành phần trí thức, công nhân, tu sĩ, sinh viên, thanh niên, và các đại diện các tổ chức và cộng đồng, từ khắp Bắc Mỹ, nghĩa là từ hết các vùng Canada và Hoa Kỳ. Những đại diện đoàn tuyệt thực này đã đưa cho đại diện Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề nhân quyền một danh sách trên 1000 tù nhân chính trị các loại bị bắt giam tại Việt Nam để yêu cầu Hà Nội thả ra.

Có thể nói sau cuộc tuyệt thực này, thì vấn đề nhân quyền tại Việt Nam không còn chỉ giới hạn trong sư quan tâm của các hội nhân quyền quốc tế nữa, mà cộng đồng người Việt Nam Hải Ngoại đã tích cực chú ý đến vấn đề này. Đây là một chứng cớ cho thấy sự ổn định và phát triển nhanh chóng của cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại, không những là về mặt đời sống, kinh tế, mà cả về mặt chính trị.

Có thể nói với tinh thần này mà những cuộc vận động từ cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại trong những năm về sau này đã giúp cho những người ly khai hay là những người bất đồng chính kiến, hay là những người mà chúng ta gọi là nhà dân chủ, sau này từ hàng ngũ Cộng Sản ở trong nước, đã được dư luận thế giới quan tâm.

Đằng Phong: Các vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ cũng như tình trạng Việt Nam nằm trong danh sách CPC có khiến bác sĩ nghĩ rằng người ta đề cập đến vi phạm nhân quyền chỉ vì lý do chính trị không?

BS Trần Xuân Ninh: Trong trường hợp những người như Joan Baez, Ginetta Sagan và nữ tu sĩ Laola Hironaka đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam vào đầu thập niên 80 thì tôi tin rằng là những người này không phải là những người làm chính trị. Khác với Jane Fonda là người ủng hộ Cộng Sản Việt Nam nhiều năm cho tới mãi sau này mới nhận lỗi.

Joan Baez cũng là một ca sĩ phản chiến, nhưng mà Joan Baez và Ginetta Sagan chỉ là những người quan tâm đến những khổ nạn mà người Việt Nam phải chịu trong chiến tranh và sau chiến tranh dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam và vì thế cho nên Joan Baez và Ginetta Sagan mới đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền của Hà Nội.

Đằng Phong: Có lẽ hai trường hợp của các bà Joan Baez và Ginetta Sagan thì không vì lý do chính trị, nhưng khi các nhà chính trị đề cập đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam thì có khác chứ.

BS Trần Xuân Ninh: Đúng rồi. Dĩ nhiên là khi những nhà chính trị đụng đến chuyện gì thì cũng là vì lý do chính trị. Thí dụ như đi thăm trường trẻ con tàn tật, thăm nhà thờ, thăm chùa, vân vân. Nhưng mặc dầu những nhà chính trị nói hay không nói tới nhân qưyền vì lý do chính trị, thì không phải vì thế mà tình trạng vi phạm nhân quyền không có tại Việt Nam.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng là vấn đề chà đạp nhân quyền tại Việt Nam nó không phải chỉ là chuyện làm khó dễ hay là bắt bớ hay là trấn áp những người có can đảm phát biểu khác ý với nhà nước, mà vi phạm nhân quyền tại Việt Nam nằm ngay trong chính sách xã hội kinh tế của nhà nước.

Khi mà nhà nước dung dưỡng các chuyện đưa phụ nữ trẻ em hành nghề bán dâm, khi mà họ khuyến khích những hoạt động tôn giáo hình thức nhưng mà lại trấn áp các sinh hoạt áp dụng tinh lý của tôn giáo vào trong đời sống thường ngày để con người có phẩm giá, như trong trường hợp của các vị lãnh đạo giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, như các vị Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, hay là trong trường hợp những người dân thường bị ức hiếp đủ điều mà chờ trực hàng năm ngoài đường tại Hà Nội mà không được cứu xét thì đấy cũng là những trường hợp nhân quyền và cái sự chà đạp nhân quyền này mới là điều mà chúng ta phải chú ý, chứ chúng ta không chỉ nên quan tâm đến trường hợp chà đạp quyền tự do phát biểu của những người có can đảm nói khác với nhà nước.

Đằng Phong: Cảm ơn bác sĩ đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này ngày hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.