Tình hình sinh hoạt tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam vẫn chưa thật sự được Nhà nước chấp nhận, mặc dù Hà Nội luôn giải thích rằng, không hề có đàn áp tôn giáo, đặc biệt là vào thời điểm Việt Nam đang ở ngưỡng cửa của WTO.

Mục sư Nguyễn Công Chính, Chủ tịch Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Các Dân Tộc Việt Nam từ Tây Nguyên đã cho Đài Á Châu Tự Do chúng tôi biết thêm chi tiết về những hành động tiếp tục gây khó khăn cho các tôn giáo, qua câu chuyện sau đây với phóng viên Đỗ Hiếu.

Mục sư Chính xác nhận tình hình sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam nói chung và ở khu vực Tây Nguyên nói riêng vẫn còn gặp vô số khó khăn.

Cụ thể là trong tuần rồi trên 30 người gồm chấp sự và tín hữu các hội thánh Tin Lành miền Cao Nguyên bị mời lên cơ quan công an làm việc.

Theo lời họ thuật lại thì ông an buộc họ làm tờ tự kiểm hứa không được nhóm họp sinh họat thờ phượng. Công an cũng yêu cầu họ không được liên hệ với các vị lãnh đạo tinh thần, trong đó có Mục sư Chính.

Mục Sư Nguyễn Công Chính kể tiếp là ông không được phép đến thăm và sinh hoạt với các tín hữu vào ban ngày, mà phải thường xuyên di chuyển lúc đêm tối.

Ngoài ra, công an cũng được tăng cường thêm đến các bản làng để canh phòng. Sự việc này khiến dân chúng lo sợ vì không biết lúc nào đến phiên mình bị bắt dẫn đi. Có người bị bắt giam từ nhiều năm mà vẫn chưa thấy về.

Mục sư Chính nhấn mạnh rằng, qua 24 năm phục vụ giáo hội Tin Lành ở Tây Nguyên, ông biết rõ người Thượng chỉ một lòng đặt niềm tin nơi Chúa, ước mong có cuộc sống thoải mái, chứ họ không hề nghĩ tới chuyện tham gia lực lượng Dega để chống đối nhà nước.

Mục sư chính khẳng định là nghị định 156 buộc mọi cuộc tập họp trên 5 người phải xin phép trước, đang gặp phản ứng mãnh mẽ từ mọi tôn giáo, ông nói chỉ những giáo hội được gọi là quốc doanh mới ủng hộ quan điểm của Hà Nội mà thôi.