Bồi thường oan sai: con đường nhọc nhằn

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Theo nghị quyết số 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Việt Nam, những người bị tòa án giam giữ oan uổng có thể xin bồi thường thiệt hại về thời gian ngồi tù. Cho tới nay, rất nhiều người nộp đơn xin bồi thường nhưng số người được bồi thường chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Bị kết án tù oan uổng là chuyện thường tình xảy ra cho người dân trong hệ thống pháp lụât hiện nay tại Việt Nam.

Nguời dân bị tù oan uổng có quyền xin được bồi thường về những thiệt hại mình phải chịu trong thời gian bị giam giữ theo như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những chỉ thị thi hành sau đó.

Tuy nhiên thực tế như thế nào? Các nạn nhân có được bồi thường thỏa đáng hay không và điều cần yếu là bao lâu mới được bồi thường kể từ ngày nộp đơn.

Khi đề cập đến việc có nhiều người phải mất hàng chục năm, đệ đạt hàng chục lá đơn mới được cứu xét và bồi thường về nổi oan trái của mình, một luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đó là tại vì người dân không rành thủ tụng khiếu nại, đệ đơn không đúng chỗ. "Cần phải theo đúng thủ tục khiếu tố, tốt hơn hết là nhờ Luật sư lo cho mình."

Trong khi đó một nạn nhân nêu lên những nỗi khó khăn, cực nhọc của mình từ khi đệ đơn cho đến khi được đền bồi. "Phải mất nhiều năm, đi nhiều cửa mới được bồi thường."

Để giải quyết vấn đề này, ông Ngô Quang Liễn, Viện trưởng Viện Khoa Học Kiểm sát đề nghị nhà nước thành lập một quỹ bồi thường và một cơ quan độc lập với tòa án, viện kiểm sát và công an ninh đứng ra xét xử các vụ kiện đòi bồi thường oan sai.