Từ chức là một vấn đề thuộc về văn hóa hơn là chuyện pháp lý


2006.04.07

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Sau vụ bê bối tại PMU18, hôm 3 tháng 4 vừa qua, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đào Đình Bình đệ đơn từ chức trong lúc Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đang họp để cứu xét đề nghị bãi chức ông Bình do Thủ tướng Phan Văn Khải đệ trình hồi đầu tháng.

NguyenSiDung150.jpg
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc hội. Photo courtesy TuoiTre Online.

Trước đó dư luận cho rằng ông Đào Đình Bình nên từ chức. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc hội, trả lời trong cuộc phỏng vấn của VnExpress cho rằng “Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý.”

Theo nhận định của báo chí trong nước, ông Đào Đình Bình là Bộ Trưởng thứ hai đệ đơn từ chức sau Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lê Huy Ngọ. Việc từ chức của ông Ngọ được Quốc hội Việt Nam khóa 11 kỳ họp thứ năm bỏ phiếu chấp thuận ngày một tháng 6 năm 2004.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc hội cho rằng từ thời xưa Việt Nam đã có văn hóa từ chức như các cụ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm..

Tuy nhiên hiện nay văn hóa từ chức đã mai một do cơ chế chức tước vẫn mang lại nhiều cơ hội vinh thân phì gia hơn. Vã lại nhiều người chỉ có khả năng họat động về chính trị. Khi từ chức mà không có chuyên môn giỏi thì lấy gì để sống.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu lên một nguyên nhân nữa là dù rằng vì lương tri, một người đệ đơn từ chức, nhưng dư luận xã hội thời nay không đánh giá người đó là có liêm sĩ mà coi như là anh ta có vấn đề gì đó.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Cựu Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lê Huy Ngọ, trong cuộc trao đổi với báo chí vào tháng 5 năm 2004 sau khi nộp đơn từ chức đã nói: “Nên coi từ nhiệm là chuyện bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”

Một giáo chức tại thành phố Hồ Chí Minh rất hoan nghênh những lời tuyên bố của ông Nguyễn sĩ Dũng lẫn ông Lê Huy Ngọ: “Tuyên bố như vậy thì đương nhiên là niềm hy vọng và niềm vui cho mọi người.”

Một cán bộ quân đội về hưu cũng phát biểu: “Những chuyện đó trước kia không có, việc ông Lê Huy Ngọ từ chức cũng là chuyện chí hữu. Đáng lẽ ông Bình phải từ chức cách đây mấy tháng từ khi xảy ra tai nạn xe lửa có người chết. Hay sau khi ông Bùi Tiến Dũng bị bắt là phải từ chức ngay thì phải hơn.”

Một giảng viên Đại học cũng đồng ý về nhận xét của ông Nguyễn Sĩ Dũng: “Ở nước ngòai người ta từ chức về thì còn có công ty mà sống. Mấy ông này sống bằng lương bằng lậu khi về làm sao mà sống. Không có chức làm sao có tiền.”

Biện pháp được đề nghị để tránh trường hợp PMU 18 tại Bộ Giao Thông Vận Tải tái diễn ở nhiều bộ khác nữa là: “Phải xây dựngmột con ngườ cho được hòan chỉnh, ý thức trách nhiệm, phải làm hết nhiệt tâm nhiệt tình đối với đất nước, đối với nhân dân. Nhưng việc này cần phải có thời gian.”

Và cần phải sử dụng người tài dù rằng nhiều khi họ không đồng quan điểm với mình. “Sự thật đất nước Việt Nam thiếu gì người tài nhưng nhiều người tài không được sử dụng. Cần phải có một cơ chế công khai minh bạch.”

Người dân cho rằng vụ việc xảy ra tại Bộ Giao Thông Vận Tải lào do ở chỗ có những cán bộ “tài hèn mà bổng lộc lớn, đức mọn mà địa vị cao”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.