Nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đổ xô vào thị trường Việt Nam


2006.03.28

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Tin tức trong nước cho hay Công ty tư vấn cho thuê bất động sản CBRE dự báo nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đổ xô vào thị trường Việt Nam trong năm nay. Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm thuộc Trường Đại Học Kinh Tế Sàigòn nhận xét về vấn đề này, mời qúy vị theo dõi qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện từ Bangkok. Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm cho biết.

InvestMetro200.jpg
Chợ Metro ở Hà Nội hôm 31-7-2003. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Giới bán lẻ tại Việt Nam hiện chỉ có Metro Group là hoạt động khá mạnh, còn các đại gia bán lẻ khác ở Việt Nam chỉ mở những siêu thị nhỏ thôi.

Thanh Quang: Nói chung các đại gia bán lẻ nước ngoài hiện như thế nào, như tập đoàn Bourbon, tập đoàn Dairy Farm…

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Bourbon thì chỉ đóng ở Vũng Tàu, chưa nổi. Nhưng với phong cách quản lý của tập đoàn này thì thấy không khá. Chỉ thấy Metro thành công, nhưng cũng giới hạn ở Saigòn, còn hoạt động của công ty này ở các tỉnh thì không thành công lắm.

Thanh Quang: Tập đoàn kinh tế Talad Simum Muang của Thái Lan thì sao?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Họ chỉ mới qua Việt Nam tham gia một, hai cửa hàng nhỏ thôi.

Thanh Quang: Những đại gia bán lẻ của Phương Tây như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Nói chung thì những tập đoàn Phương Tây chưa muốn đặt chân vào Việt Nam, vì phong cách tại Việt Nam còn nhiều chuyện nhiêu khê lắm. Muốn vào Việt Nam phải nghiên cứu rất nhiều, đặc biệt là về chính sách, phương cách chuyển tiền như thế nào…

Thanh Quang: Thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung có những đặc điểm nào có thể thu hút các đại gia bán lẻ nước ngoài không?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Việt Nam là nơi có tiềm năng tiêu thụ cao. Nhưng vấn đề là đa số người dân hiện vẫn còn nghèo. Nói chung những mặt hàng nào giá rất rẻ mới có khả năng bán được.

Thanh Quang: Những luật lệ đầu tư tại Việt Nam hiện nay có tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu tư nước ngoài nói chung, và các đại gia bán lẻ, nói riêng, hay không?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Rất thuận lợi. Vấn đề là về Việt Nam đầu tư phải đi đúng chỗ, nếu không dễ bị “vẽ”. Chính sách đầu tư của Việt Nam hiện rất cởi mở cho mọi người, kể cả giới bán lẻ.

Thanh Quang: Thế còn những vấn đề lâu nay như nạn thủ tục rườm rà, quan liêu thư lại, thủ tục một cửa, một dấu… trong việc cấp phép hoạt động thì sao?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Hiện nay những chuyện như vậy đã bị dẹp bớt nhiều lắm. Vấn đề là phải đi cho đúng chỗ. Nếu không dễ gặp dân “cò mồi” thì phức tạp lắm.

Thanh Quang: Trong thời gian gần đây, tình trạng đình công ngày càng lan rộng trong nước, không những ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, mà cả những doanh nghiệp trong nước. Tình hình này ảnh hưởng ra sao tới nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Đây là vấn đề khác, có liên quan chính sách lao động để giải quyết cho lương bồng công nhân thôi. Nói chung vì đại đa số giới đầu tư nước ngoài không chịu chuyển biến kịp thời khi tình hình Việt Nam đã thay đổi, có liên hệ mức lương tối thiểu của công nhân.

Thanh Quang: Thế giới hữu trách hiện có giải pháp hữu hiệu nào chưa để có thể tránh tình trạng đình công ?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm: Biện pháp hữu hiệu hiện giờ là chính quyền sở tại phối hợp với công ty liên hệ giải quyết. Chủ yếu là làm sao chấm dứt tình trạng phân biệt quá lớn giữa công ty này với công ty khác: Công ty này lương lương cao, công ty kia lương thấp thì công nhân phải đình công thôi.

Thanh Quang: Cảm ơn Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.