Mục sư Trần Đình Ái trả lời phỏng vấn RFA trong lúc đang bị chận giữ tại Tân Sơn Nhất


2005.12.28

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

"Vì an ninh Quốc Gia, không cho phép nhập cảnh Việt Nam" – đó là lời giải thích của công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đối với trường hợp Mục sư Trần Ðình Ái, khi từ chối không cho ông nhập cảnh, mặc dù Mục sư Ái vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam.

Mục sư Trần Đình Ái từ Hoa Kỳ trở về thăm quê hương, mang hộ chiếu Việt Nam, thậm chí mới đây còn được Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Washington D.C gia hạn hộ chiếu đến năm 2007, nhưng đã bị ngăn chận nay tại sân bay Tân Sơn Nhất và ra lệnh trục xuất trở lại Mỹ.

Mục sư Trần Ðình Ái, nguyên là Tổng quản nhiệm Hội Thánh Phúc Âm Ngũ Tuần Việt Nam, một Hội Thánh đã có từ trước năm 1975.

Năm 1999, Mục sư Trần Ðình Ái bị bắt trong lúc đang rao giảng Tin Lành tại Hà Nội và công an đã thu giữ một số sách mang tên "Chứng Ðạo Ðơn".

Họ chuyển tôi về khu vực an ninh để quản lý và giữ hết toàn bộ giấy tờ của tôi. Những người ở đây cho biết cấp trên của họ không cho tôi nhập cảnh là vì lý do an ninh.

Cũng trong năm 1999 được sự can thiệp của quốc tế, Mục sư Trần Ðình Ái đã được nhà nước Việt Nam trả tự do nhưng với điều kiện ông và gia đình phải ra nước ngoài sinh sống và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.

Nói về chuyến trở về thăm quê hương của mình, từ phòng An Ninh phi trường Tân Sơn Nhất, trong câu chuyện với Việt Hùng, Mục sư Trần Ðình Ái thuật lại câu chuyện:

Mục sư Trần Ðình Ái: Tôi đang bị giữ trong khu vực an ninh của Công An Tân Sơn Nhất. Khi tôi vào tới nơi thì họ làm biên bản từ chối nhập cảnh "vì lý do an ninh".

Sau đó họ yêu cầu tôi phải ra ngay, nhưng tôi không chấp nhận mua vé máy bay mới để ra thì họ kêu lực lượng An Ninh tới để chuyển tôi về khu vực an ninh để quản lý và họ giữ hết toàn bộ giấy tờ của tôi.

Tôi đáp xuống lúc 12:15 trưa, từ 12:30 - 13:00 thì họ làm việc và những người ở đó họ nói không biết vì cấp trên nói với họ là vì lý do an ninh không cho phép tôi nhập cảnh.

Việt Hùng: Nhưng thưa Mục sư Trần Ðình Ái, hiện nay Mục sư vẫn dùng Hộ Chiếu Việt Nam, Mục sư vẫn là công dân Việt Nam?

Vì nghe trên báo chí đăng, họ sẽ hoan nghênh Việt kiều về ăn Tết và tôi cũng muốn về ăn Tết thăm gia đình vì bà cụ thân sinh của tôi năm nay cũng gần 80 tuổi và rất yếu.

Mục sư Trần Ðình Ái: Ở đây họ nói rằng, trường hợp của tôi, cấp trên họ không cho nhập cảnh là vì lý do an ninh. Tôi về Việt Nam nguyện vọng thứ nhất là thăm gia đình, thứ hai là để gặp các cấp chính quyền trao đổi về vấn đề tường trình của nhà nước đối với Tôn Giáo.

Việt Hùng: Trở lại câu hỏi mà chúng tôi đặt ra. Thưa Mục sư Trần Ðình Ái, Mục sư vẫn là công dân Việt Nam đang xử dụng Hộ Chiếu khi về Việt Nam?

Mục sư Trần Ðình Ái: Vừa rồi thì tôi đã gia hạn Hộ chiếu Việt Nam tốn hết 200 dollars, và hiện tôi đang sử dụng cuốn Hộ chiếu Việt Nam như một người dân về quê ăn Tết.

Vì nghe trên báo chí đăng, họ sẽ hoan nghênh Việt kiều về ăn Tết và tôi cũng muốn về ăn Tết thăm gia đình vì bà cụ thân sinh của tôi năm nay cũng gần 80 tuổi rất là yếu, muốn về thăm các cụ... (xin theo dõi nguyên văn cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh phía trên)

Việt Hùng: Mục sư vừa mới nói Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gia hạn Hộ chiếu cho Mục sư đến năm bao nhiêu dạ thưa?

Mục sư Trần Ðình Ái: Mới gia hạn mất 200$, họ gia hạn cho đến năm 2007.

Việt Hùng: Như vậy theo Luật Pháp của Việt Nam thì Hộ chiếu của Mục sư còn hiệu lực và việc trở về của Mục sư là hoàn toàn đúng theo công dân Việt Nam, mang Hộ chiếu Việt Nam trở về Việt Nam, nhưng mà lý do tại sao mà khi về họ chỉ cho vợ và con của Mục sư nhập cảnh, còn Mục sư thì lại bị giữ ở phi trưòng?

Mục sư Trần Ðình Ái: Cho đến bây giờ không một ai ở đây có thể trả lời cho tôi câu hỏi này, họ chỉ làm biên bản từ chối cho tôi nhập cảnh "vì lý do an ninh"…

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

(xin theo dõi nguyên văn cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh phía trên)

Việt Hùng, phóng viên Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.