Trước thềm Đại Hội Đảng, PMU 18 không còn là chuyện đóng cửa dạy nhau
2006.04.15
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Vụ bê bối PMU 18 nay không còn là chuyện đóng cửa dạy nhau, các nhà tài trợ quốc tế bắt đầu có dấu hiệu lo ngại về vốn tài trợ phát triển ODA dành cho Việt Nam. Những sự kiện này ảnh hưởng thế nào tới Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 10, qua thông tin các báo điện tử trong nước.
Quả bom tấn PMU 18, theo cách gọi của báo chí Việt Nam, đã thể hiện những lổ hổng rất lớn và cho thấy vô số khuyết tật của hệ thống chính trị một đảng hiện nay tại Việt Nam. Chúng tôi trích phát biểu của ông Nguyễn Quốc Thái một nhà báo tại TP.HCM cùng về vấn đề này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tác động lâu dài
Trước thềm đại hội 10 của đảng cộng sản Việt Nam, báo chí bắt đầu nói tới tác động lâu dài do vụ PMU 18 mang lại. Đưa lên mạng lúc 1giờ sáng ngày thứ sáu 14/4 là ngày hội nghị trung ương 15 nhóm họp, Người Lao Động điện tử trích phát biểu của Bà Anna Lindstedt, đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam nói rằng, vụ tiêu cực PMU 18 đang làm cho các nhà tài trợ quốc tế và cả người dân nước sở tại lo ngại, về sự sử dụng vốn tài trợ ODA cho Việt Nam.
Điểm quan trọng là tiền viện trợ ODA có phần từ tiền thuế của người dân. Bà đại sứ Thuỵ Điển thêm rằng, tất nhiên quốc hội các nước tài trợ sẽ ngừng cung cấp các khoản viện trợ phát triển cho Việt Nam nếu họ có bằng chứng rằng, tiền đầu tư của họ đã bị sử dụng sai mục đích. Thuỵ Điển chủ yếu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam chứ không cho vay ưu đãi như các nhà tài trợ khác.
Trước đó ngày 12/4, báo điện tử Việt Nam Express có bài ‘Người Nhật Lo Lắng Về Sử Dụng vốn ODA tại Việt Nam’. Trả lời phỏng vấn, ông Daisuke Matsunaga công sứ đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam nói rằng, có nhiều thành viên quốc hội Nhật bản tỏ ra lưu tâm với vụ tiêu cực PMU 18. Mà không chỉ có vậy, người dân Nhật cũng tỏ ra rất lo lắng về hiệu quả sử dụng vốn cho vay ODA tại Việt Nam.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Theo ông công sứ Matsunaga, đây là điều dễ hiểu vì vốn tài trợ phát triển ODA lấy từ tiền đóng thuế của người dân Nhật Bản, dĩ nhiên họ muốn đồng tiền phải được sử dụng hiệu quả.
Được biết Nhật Bản là nhà tài trợ quan trọng, một mình đóng góp tới khoảng một phần ba tổng viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam từ nhiều năm qua. Việt Nam hiện đang nợ nước ngoài khoảng 25 tỷ đô la, và từ năm nay mỗi năm phải hoàn nợ 2 tỷ đô la.
Thưa quí thính giả rõ ràng là quả bom tấn PMU 18 không còn là chuyện nội bộ, thuộc loại thanh lý môn hộ của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam nữa. Điều quan trọng mà dư luận trong ngoài nước đặc biệt quan tâm là Việt Nam có tới 1 ngàn PMU tức ban quản lý các dự án ở các bộ khác nhau.
PMU 18 chỉ là một trong số gần 20 PMU riêng tại bộ giao thông vận tải. Đại biểu quốc hội Việt Nam nhà sử học Dương Trung Quốc tỏ ra hết sức ưu tư khi ông trả lời đài ACTD: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tín hiệu báo động
Hôm 13/4, tất cả các báo điện tử trong nước đều đưa lên mạng lá thư viết từ Hà Nội của đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong các công thần của chế độ cộng sản Việt Nam. Ông Giáp dù tuổi đã rất cao sức khoẻ kém, nhưng vẫn yêu cầu đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 10 phải thảo luận công khai vụ tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng ở PMU 18 bộ giao thông vận tải.
Đại tướng Giáp cho rằng cách đây 5 năm vụ PMU 18 đã bị phát hiện nhưng đã được bao che, theo ông Đảng trở thành bình phong cho kẻ tham nhũng hoạt động. Ông Giáp nhận định là sự kiện PMU 18 là tín hiệu báo động về những khuyết tật trong cơ chế chính trị và sự quản lý nhà nước.
Tiến sĩ Âu Dương Thệ nhà chính trị học ở Đức Quốc nhận định về vấn đề này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tuy rằng đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyến cáo phải mổ xẻ công khai vụ tham nhũng PMU 18 tại đại hội đảng lần thứ 10, nhưng trong cuộc họp báo ngày 13/4 tại Hà Nội, ông Phan Diễn uỷ viên bộ chính trị thường trực ban bí thư cho biết là hội nghị trung ương 15 từ ngày 14 đến 16/4 không bàn thảo cụ thể nội dung vụ án PMU 18.
Bài học cần phải rút ra
Trước thềm đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 10, trên báo Tuổi Trẻ điện tử tiến sĩ Lê Đăng Doanh ở Hà Nội có một bài viết với các quan điểm rất mạnh mẽ. Theo ông Doanh, câu hỏi đề ra là đại hội 10 có đề cập gì đến những bài học cần phải rút ra từ vụ PMU 18 hay không.
Nếu có đề cập thì ở mức độ nào và đến đâu, nếu không đề cập thì hệ quả sẽ thế nào. Từ đó tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định rằng, vấn đề chủ yếu là tìm ra khuyết tật ở hệ thống để sửa chứ không chỉ trừng phạt cá nhân.
Vì nếu chỉ trừng phạt cá nhân mà không tìm ra và sửa các khuyết tật của hệ thống thì trừng trị một Bùi Tiến Dũng này, cũng trong môi trường ấy hệ thống ấy tất yếu sẽ xuất hiện các Bùi Tiến Dũng khác, có thể còn nguy hiểm hơn nữa. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, không nghi ngờ gì nữa, vụ PMU 18 đang đặt ra nhiều câu hỏi rất nghiêm túc về hệ thống chính trị và phương thức vận hành của hệ thống đó.
Theo ông Lê Đăng Doanh, các cuộc điều tra và đánh giá của cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam thì tỉ lệ tảng băng tiêu cực tham nhũng bị phát hiện chắc chắn không thể quá 5%, và ông đặt vấn đề rằng 95% hình thù tảng băng chìm ở các ngành các cấp là thế nào, nó di căn đến đâu và tác hại đến nền kinh tế đến hệ thống thế nào.
Vẫn theo ông Doanh, vụ PMU 18 trở nên một trường hợp điển hình, một liều thuốc thử phản ứng và hiệu lực của chế độ hiện tại. Ông Doanh thêm rằng, rõ ràng vụ PMU 18 đã đưa ra ánh sáng những lỗ hổng trong hệ thống chính trị của Việt Nam, từ khâu thiết kế và trong khâu vận hành.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà trí thức tâm huyết ở trong nước, đã kết luận bài viết của mình rằng, nếu đại hội 10 không đề cập tới tính nguyên tắc và hệ thống mà vụ PMU 18 bộc lộ ra trước toàn dân và thế giới, nếu đại hội 10 không chỉ ra những phương hướng giải quyết thích đáng, thì theo ông Lê Đăng Doanh, vụ PMU 18 không chỉ là nỗi đau, vết nhơ mà còn bộc lộ khả năng rất hạn chế để phát hiện và xử lý được khuyết tật của hệ thống chính trị và hệ quả là không thể lường trước.
Những bài liên quan
- Việt Nam dự định thiết lập cơ quan Bảo hiến trực thuộc Quốc hội
- Cựu đại tá Nguyễn Mai Khanh gửi thư góp ý đến Tổng biên tập báo Nhân Dân
- Những thay đổi lớn về nhân sự trong hội nghị Trung Ương 14
- Ông Nông Đức Mạnh có thể sẽ phải ra đi?
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 13-4-2006)
- Ông Nông Ðức Mạnh có thể sẽ phải rời khỏi chức Tổng bí thư đảng CSVN?
- Một số vấn đề về nhân sự cho Đại hội 10
- Bài viết của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp về “Kiểm điểm vụ PMU 18 và báo cáo Ðại hội X”
- Nhiều quan chức cao cấp bị phanh phui trong vụ tham nhũng, chạy án PMU 18
- Cải tổ hệ thống chính trị tại VN theo quan điểm của một nhà báo trong nước
- Bộ kế họach và đầu tư VN nhìn nhận thiếu sót và lúng túng về quản lý vốn ODA
- Cảm tưởng của Giáo sư Hoàng Minh Chính sau khi được vinh danh tại Đại hội Dân Chủ Thế Giới
- Vụ tiêu cực PMU 18 liên quan đến cả 3 đời Bộ trưởng giao thông vận tải
- Cơn lũ quét ở Bộ Giao Thông Vận Tải và cách nhìn nhận vấn đề
- Hậu PMU 18: phát hiện cả ngàn công trình bị rút ruột trên khắp nước
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói về việc từ chức của ông Đào Đình Bình (phần 2)
- Chiến dịch phê phán những quan điểm khác với Bộ chính trị trước khi Hội nghị 14 diễn ra
- Từ chức là một vấn đề thuộc về văn hóa hơn là chuyện pháp lý
- Vì sao tình trạng lộng quyền và tham nhũng tồn tại lâu nay ở Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 5-5-2006)