Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Báo chí Việt Nam phanh phui những vụ bê bối nghiêm trọng của Vietnam Airlines. Liệu sự việc có gây ra một ảnh hưởng lớn hay không, hôm nay chúng tôi dành thời gian cho các thông tin liên quan.
Như được bật đèn xanh, các báo Việt Nam đồng loạt đưa lên mạng những bê bối ở Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam, danh xưng quen thuộc là Vietnam Airlines. Tai tiếng thì báo chí đã râm ran từ lâu, nhưng đánh tổng lực thì bây giờ mới xảy ra, đối với dư luận thì các bài tường thuật cũng hấp dẫn như khi báo chí moi móc vụ PMU 18 với con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng.
Ba vụ tai tiếng lớn của Vietnam Airlines làm đau đầu chính phủ là, chuyện Vietnam Airlines do kém hiểu biết luật quốc tế nên có thể phải bồi thường hơn 5 triệu euro, tiền công dịch vụ cho một luật sư ở Italia. Kế tiếp là vụ dùng tiền Nhà nước đài thọ cho con quan chức chính phủ đi du học nước ngoài, và chuyện nghi vấn cố ý làm trái gây lãng phí nghiêm trọng, khi mua động cơ tầm trung để trang bị cho máy bay tầm xa.
Ðài thọ cho con quan chức đi du học nước ngoài
Nhận định về sự kiện Vietnam Airlines đang gây sự chú ý trong công luận, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội phát biểu: "Hệ thống các cơ quan nhà nước đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước cho tới nay vẫn chưa đảm bảo được tính công khai minh bạch theo đòi hỏi của người dân, đòi hỏi của thời đại. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay nếu anh muốn dấu cũng không thể dấu được. Nếu cứ dấu tới khi đổ bể ra thì hậu quả tai hại hơn nhiều."
Ngày 2 tháng 6, VN Express là báo điện tử đầu tiên phanh phui vụ Tổng Giám Đốc Nguyễn Xuân Hiển ký duyệt sai nguyên tắc, dùng tiền Vietnam Airlines đài thọ học phí cho con cán bộ cao cấp trong ngành tư pháp đi du học nước ngoài. Thông tin này đạt độ chính xác cao, vì chỉ ba ngày sau vào hôm 6/6 Vietnam Airlines loan báo thu hồi tiền đài thọ sai.
Tổng số tiền sử dụng sai khá lớn vì là đào tạo dài hạn 6 năm từ 2001 tới 2006 cho các xuất du học ở Nga, Ukraina và Hoa Kỳ. Nguyên tắc đặt ra là xét tuyển cho con viên chức cán bộ của Vietnam Airlines đi du học sau này về làm việc cho tổng công ty. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều con cán bộ là thành phần học kém trượt đại học ở Việt Nam, cũng như có các quí tử của viên chức cao cao cấp ngoài ngành hàng không.
Trong 16 xuất học bổng du học được mô tả là khuất tất, và có thể được hiểu là để mua chuộc cán bộ cấp cao, VN Express ghi nhận trong danh sách có con trai của đương kim bộ trưởng tư pháp Uông Chu Lưu, của ông Dương Thanh Biểu Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao và con thiếu tướng Phương Minh Hoà, phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân. Ngoài ra còn có quí tử của một viên chức quốc hội. Phần còn lại là cán bộ viên chức của Vietnam Airlines.
Mua 4 máy bay Boeing 777-200ER
Vụ tai tiếng thứ hai liên quan tới sự kiện Vietnam Airlines mua 4 máy bay Boeing 777-200ER là loại tầm xa, nhưng lại thuyết phục chính phủ cho mua động cơ tầm trung. Trong cuộc họp báo ngày 6/6, ông Nguyễn Tấn Chấn người phát ngôn của Vietnam Airlines giải thích là mua động cơ tầm trung là vì chủ yếu khai thác các tuyến bay tầm ngắn và trung bình.
Tuy vậy ông Chấn lúng túng không thể trả lời câu hỏi, tại sao lại mua 4 máy bay Boeing 777-200ER tầm xa, thay vì mua loại tầm trung để tiết kiệm chi phí.
Nhận định về vụ tai tiếng này luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội phát biểu với đài chúng tôi: "Cần phải điều tra cho rõ, điều tra tỉ mỉ, làm rõ từng nhà môi giới nhà tư vấn một. Người quyết định mua máy bay tầm xa phải trả lời, người quyết định mua động cơ tầm trung cũng phải cho biết lý do…nếu hai ông này là một thì vô lý, còn không phải có câu trả lời…"
Vụ án dân sự từ năm 1995 ở Rome
Chuyện tai tiếng thứ ba liên quan tới một vụ án dân sự từ năm 1995 ở Rome, một luật sư kiện Vietnam Airlines về tiền công dịch vụ. Theo Vietnam Economy vụ kiện trải qua 10 năm, cùng với thời gian và sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo Vietnam Airlines, số tiền đòi bồi thường ban đầu từ 90 ngàn đô la tăng lên 1 triệu 300 ngàn euro sau bản án sơ thẩm năm 2000.
Đến nay tăng hơn bốn lần lên tới 5 triệu 200 ngàn euro. Nguyên do là Vietnam Airlines không tham gia phân xử từ đầu, không tham dự các phiên toà. Khi bên nguyên đem thi hành bản án tại Pháp, uỷ ban đòi nợ và tịch biên của Pháp đã phong toả số tiền 1 triệu 300 ngàn euro của Vietnam Airlines vào năm 2004, thì lúc này ông Nguyễn Xuân Hiển mới báo cáo thủ tướng.
VN Airlines hai lần xin toà án Pháp huỷ bỏ quyết định phong toả tài sản, nhưng đều thất bại, lần sau cùng là vào ngày 9/3/2006 toà phúc thẩm Paris bác kháng án của Vietnam Airlines. Do tiền lãi tiền phạt và các chi phí phát sinh, Vietnam Airlines bị buộc phải chấp nhận chuyển cho đủ 5 triệu 200 ngàn euro vào tài sản phong toả ở Paris, nếu không sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý đối với tài sản của Vietnam Airlines tại EU và Pháp.
Vẫn theo Vietnam Economy, lật lại hồ sơ vụ kiện tại thời điểm án sơ thẩm có hiệu lực, Vietnam Airlines đã cử một đoàn công tác sang Ý tìm cách giải quyết, tìm các đầu mối nhờ giúp đỡ. Khi nghe đoàn báo cáo, tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển đã có nhận định không chuẩn xác thậm chí là sai lầm dẫn tới hậu quả ngày nay.
Phong tỏa tài sản
Cần phải điều tra cho rõ, điều tra tỉ mỉ, làm rõ từng nhà môi giới nhà tư vấn một. Người quyết định mua máy bay tầm xa phải trả lời, người quyết định mua động cơ tầm trung cũng phải cho biết lý do…nếu hai ông này là một thì vô lý, còn không phải có câu trả lời…
Trong mấy ngày liền các báo ở Việt Nam đưa tin không rõ ràng nói rằng Việt Nam đã thua kiện và phải bồi thường số tiền hơn 5 triệu euro cho nguyên đơn. Sự thực đây chỉ là toà án Pháp phong toả tài sản của Vietnam Airlines để bảo đảm thi hành án. Bên nguyên là ông luật sư Maurizio Liberati chưa được hưởng số tiền này, vì còn phải chờ phiên xử phúc thẩm ở toà án Italia, theo thông tin chúng tôi ghi nhận là sẽ diễn ra vào tháng 7/ 2007.
Ngày 8 tháng 6 báo Thanh Niên đưa lên mạng lá thư của ông Nguyễn Văn Nam đại sứ Việt Nam tại Italia xác nhận các sự kiện vừa nói.
Hiện nay ông Nguyễn Xuân Hiển tổng giám đốc Vietnam Airlines đang có mặt ở châu Âu để chuẩn bị đối phó cho vụ án còn kéo dài này. Trên báo Tuổi trẻ ngày 7/6 luật sư Lê Công Định xem vụ kiện Vietnam Airlines là một bài học về sự thiếu hiểu biết, theo ông điều đáng xấu hổ là quan chức Vietnam Airlines đã và tiếp tục bưng bít che dấu thông tin.
Nếu không có đợt thanh tra vừa qua thì ngành hàng không đã bưng bít trót lọt phán quyết ngày 9/3/2006 của toà án Paris về việc tiếp tục phong toả tài sản của Vietnam Airlines tại Pháp, từ 1 triệu 300 ngàn euro hồi 2004, nay phải tăng lên tới hơn 5 triệu euro.
Luật sư Lê Công Định cho rằng, muốn chấn hưng đất nước, thiết nghĩ phải có cơ chế thường xuyên xem xét trách nhiệm và giáo dục lại đội ngũ quan chức đang nắm giữ các vị trí then chốt trong xã hội, không chỉ thay đổi cái đầu mà còn cả trái tim của họ.