Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Chính phủ Việt Nam tiến tới chấm dứt trợ giá xăng dầu nhập khẩu vào năm 2008. Giá cả thị trường ảnh hưởng như thế nào sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 9/8. Báo chí trong nước và câu hỏi phải làm gì để bảo vệ nhà nông khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Chúng tôi sẽ tổng hợp các báo điện tử về đề tài vừa nói.

Với quyết định tăng giá ngày 9/8, thì đây là lần thứ hai trong năm 2006 Bộ Thương Mại Việt Nam điều chỉnh giá xăng dầu. Tờ Thanh Niên online ngày 10/8 đặt vấn đề về sự ảnh hưởng tăng giá xăng dầu đối với chỉ số chung về giá cả và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tờ báo có được lời giải đáp từ ông Ngô Trí Long, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học Thị Trường Giá Cả.
Tác động đến vận tải
Chuyên gia vừa nói cho rằng giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp với ngành vận tải, thể hiện ở chỗ chi phí xăng dầu chiếm từ 30 tới 40% giá thành. Ngoài ra còn ảnh hưởng nặng tới hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu.
Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh rằng, những ngành bị tác động trực tiếp vừa nói lại là đầu vào của rất nhiều sản phẩm dịch vụ khác, nên khi chi phí đầu vào tăng, giá cả sẽ có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên ông Ngô Trí Long cho rằng, chỉ số giá cả toàn năm 2006 sẽ khó có thể tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, tức tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam.
Với lập luận như thế, ông Ngô Trí Long nói với báo Thanh Niên là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ không chịu một tác động lớn qua mức tăng chỉ số giá cả.
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ nên can thiệp ở một mức độ nào đó, riêng đầu ra thì phải cho các doanh nghiệp các nhà vận tải nói riêng và các ngành nghề kinh tế nói chung có được sự tính toán, chúng tôi thường dùng từ tính đúng và tính đủ, lúc đó chúng tôi mới có cơ may tồn tại nhất là trong giai đoạn hội nhập.
24 giờ sau quyết định của chính phủ cho phép tăng giá xăng dầu, báo Người Lao Động ghi nhận ảnh hưởng tăng giá trên thực tế thị trường. Theo đó doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh dạng hợp đồng chính thức tăng giá vé từ 5 ngàn tới 10 ngàn đồng. Giá thuê bao xe cũng tăng từ 50 ngàn tới 150 ngàn tuỳ theo tuyến đường gần hay xa.
Ngoài ra phóng viên của Người Lao Động ghi nhận giá xe ôm tăng thêm mỗi cuốc từ 5 ngàn tới 7 ngàn đồng đối với khách đi xe ôm trong nội thành, ra vùng ven thì phải thêm nhiều hơn từ 10 tới 15 ngàn cộng vào giá trước đây.
Còn các bến xe Miền Tây Miền Đông thì sẽ phải chờ thông qua hiệp thương giữa các đơn vị vận tải và Sở Giao Thông Công Chánh TP.HCM trước khi chính thức tăng giá. Ngành Taxi thì chưa có tuyên bố nào chính thức được đưa ra, giá cước Taxi đã được điều chỉnh sau đợt tăng giá tháng 4/2006.
Theo Người Lao Động, ông Đinh Nam Dinh,Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Vận Tải Hàng Hoá TP.HCM nói rằng, giá xăng dầu liên tục tăng ở mức cao, trong khi Nhà nước lại muốn kềm giữ giá cước vận tải, vì thế phát sinh nhiều vấn đề như nhà xe phải chở quá tải, chạy hợp đồng ngoài luồng.
Ông Đinh Nam Dinh cho rằng, nên thả nổi giá cước vận tải vì nếu không thị trường cũng sẽ tự điều chỉnh. Ông Dinh cho biết phải tăng từ 8 tới 10% giá cước vận tải hàng hoá thì mới đủ bù đắp chi phí xăng dầu. Chúng tôi trích nhận định của ông Đinh Nam Dinh về vấn đề liên quan:
“Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ nên can thiệp ở một mức độ nào đó, riêng đầu ra thì phải cho các doanh nghiệp các nhà vận tải nói riêng và các ngành nghề kinh tế nói chung có được sự tính toán, chúng tôi thường dùng từ tính đúng và tính đủ, lúc đó chúng tôi mới có cơ may tồn tại nhất là trong giai đoạn hội nhập.”
... và giá sản phẩm thủy hải sản
Người Lao Động Online cho biết ảnh hưởng giá xăng dầu tăng, giá sản phẩm thuỷ hải sản sẽ tăng cao. Bà Nguyễn Thị Thanh, phó tổng giám đốc Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại Saigon Co-op cho tờ báo biết là, một số nhà cung cấp sản phẩm thuỷ hải sản đã đề nghị tăng giá tới 20% áp dụng từ đầu tháng 9. Tuy nhiên hệ thống Saigon Co-op không đồng ý mức tăng giá này và còn đang thảo luận lại. Các siêu thị của Saigon Co-op bán ra mỗi ngày 100 tấn thuỷ hải sản.
Cho đến nay chính phủ Việt Nam vẫn bảo hộ các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, tuy nhiên việc trợ giá này sẽ chấm dứt vào cúôi năm 2008, theo đúng lộ trình cam kết quốc tế. Vietnam Net đưa tin vừa nói qua cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Tá Thứ Trưởng Tài Chánh.
Theo báo điện tử này, thứ trưởng Tá nói rằng, chính phủ và ngừơi dân Việt Nam phải chấp nhận mặt bằng giá mới, và thích ứng với cơ chế quản lý trong quá trình hội nhập. Nói như vậy kể từ cuối năm 2008, giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ được thả nổi. Còn từ nay tới đó vẫn còn có sự hỗ trợ tài chánh và có sự can thiệp về giá đối với kinh doanh xăng dầu.
Bảo vệ nhà nông khi gia nhập WTO

Sau chuyện xăng dầu và giá cả, ngày 10/8 Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp online đưa lên mạng bài viết của Nguyễn Thiện đặt vấn đề ‘Làm gì để bảo vệ nhà nông khi gia nhập WTO’. Bài báo trích dẫn ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân Viện Đại Học Cần Thơ nhấn mạnh rằng, đằng sau những điều tốt đẹp do việc gia nhập WTO đem lại còn có quá nhiều thách thức của tự do mậu dịch, nhất là đối với hàng nông sản.
Bài viết nhắc tới sự kiện Ngân hàng Thế Giới công bố báo cáo nghiên cứu dày 281 trang mang tựa đề ‘thúc đẩy công cuộc phát triển nông thôn Việt nam’ khuyến cáo về công cuộc phát triển nông thôn sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới.
Tác giả cho rằng, sự chuyển động chậm là nhược điểm dễ nhận thấy của nông nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc trồng rồi chặt rồi trồng lại theo chu kì ngắn ngày một số loại cây nông sản hàng hoá trong những năm qua. Bên cạnh đó là những nhược điểm đã bộc lộ như thiếu thông tin thị trường, giá thành sản phẩm cao, chất lượng không đồng đều và bán hàng không có thương hiệu.
Tác giả nhắc tới khuyến cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB rằng, Việt Nam phải biết tìm ra sản phẩm thế mạnh của mình và cũng phải nhận ra được những sản phẩm nào có sức cạnh tranh thấp. Thí dụ như hai mặt hàng nông sản là bông và gạo. ADB đưa ra những số liệu cho thấy chỉ có cây bồng trồng ở miền nam Việt Nam là còn khả dĩ có khả năng cạnh tranh vì năng suất sấp sỉ 12 tạ hécta, tương đương với Australia dù kém xa Israel năng suất bông 16 tạ một hécta.
Với mặt hàng gạo, một loại nông sản hàng hoá xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khi nông dân Thái Lan làm lúa mùa địa phương tuy năng suất chỉ 2 tấn rưỡi một hécta nhưng do tận dụng điều kiện tự nhiên nên không tốn chi phí bơm nước và thuốc trừ sâu.
Còn lúa cao sản của Việt Nam tuy đạt 4 tới 5 tấn một hecta nhưng chi phí đầu vào quá cao nên tính ra giá thành sản phẩm tương đương. Với chất lượng cao hơn hẳn, gạo Thái Lan vẫn bán được giá nhiều hơn gạo Việt Nam. Như vậy trên cùng một diện tích, ngừơi Thái Lan vẫn thu được lợi nhuận cao hơn và gạo bán cũng dễ hơn.
Sửa đổi chính sách nông nghiệp
Diễn Đàn Doanh Nghiệp trích ý kiến giáo sư Võ Tòng Xuân theo đó, Nhà nước cần sửa đổi chính sách nông nghiệp sao cho nông dân có thể tự nguyện tập hợp nhau lại thành lập nên những hợp tác xã nông nghiệp đa năng, những trang trại rộng lớn sẵn sàng tham gia xuất khẩu, thúc đẩy các chương trình đào tạo để nông dân có đủ kiến thức và kỹ năng hội nhập.
Rõ ràng là phải có một loạt các công tác nghiên cứu khoa học để xác định ra lợi thế so sánh của các vùng các địa phương. Rồi phải tổ chức lại, trước đây người dân, các nhà kinh doanh thường liên kết với nhau theo chiều ngang, nghĩa là các doanh nghiệp với nhau, nông dân với nhau, các nhà kinh doanh với nhau.
Cùng về vấn đề này TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn nhận định:
“Rõ ràng là phải có một loạt các công tác nghiên cứu khoa học để xác định ra lợi thế so sánh của các vùng các địa phương. Rồi phải tổ chức lại, trước đây người dân, các nhà kinh doanh thường liên kết với nhau theo chiều ngang, nghĩa là các doanh nghiệp với nhau, nông dân với nhau, các nhà kinh doanh với nhau.
Bây giờ phải tổ chức lại theo chiều dọc, người sản xưất gắn với người chế biến gắn với ngừơi kinh doanh và các ngành dọc này tạo thành các hiệp hội chuyên ngành như các nước khác đang làm. Đây là quá trình diễn biến rất phức tạp cần có thời gian, nhưng đây là hướng đi mà các nước khác trong khu vực cũng như thế giới đã làm rất thành công.Việt Nam sẽ cũng đi theo con đường này.”
Bài viết của Diễn Đàn Doanh Nghiệp Online sau hết nhắc lại khuyến cáo của của đại diện Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam, theo đó vào WTO nông sản hầu như sẽ lưu thông tự do với thuế suất giảm, thậm chí có thể bằng 0%, nước nào yếu kém sẽ thua.
Gia nhập WTO sẽ làm tăng tốc trở lại của thương mại nông nghiệp và đây cũng là yếu tố đóng góp cho sự phát triển của nông thôn và bổ sung cho nhu cầu của thị trường nội địa. Vì vậy nhất thiết Việt Nam phải tăng tốc hơn nữa thương mại hoá nông nghiệp của mình.