Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Đinh Hợi đang ở trong những ngày cuối chuẩn bị bước vào năm mới Mậu Tý. Những ngày cuối năm, mọi người mọi nhà ở Việt Nam bao giờ cũng hối hả lo toan chuẩn bị cho những ngày Tết Nguyên Đán. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.

Không khí vội vã, hối hả, cập rập nhất được báo chí ghi nhận chính là chuyện tàu xe về quê ăn Tết. Có đến 2 triệu người ở TP.HCM là những người lao động nhập cư, sau một năm làm lụng cật lực họ có nhu cầu trở về đón xuân với gia đình. Khi đường sắt, hàng không hết chỗ, xe đò khách là phương tiện cuối cùng mà đại chúng chọn lựa.
Hành khách đi tuyến xa đã phải bù giá vé chiều xe rỗng từ 40 tới 60% trong tuần lễ trước Tết, nhưng nạn nhồi nhét hành khách, bắt khách dọc đường, xe dù xe cọc được báo chí phản ánh một cách tích cực.
Tuổi Trẻ Online đưa lên mạng loạt bài ‘ Xe đò tết: Con đường đau khổ nhiều tập’. Các phóng viên đã đóng vai hành khách đi thực tế trên các chuyến xe đò, nếm trải đủ cơ cực để cảm nhận được con đường về quê ngày Tết của người tha hương lắm nỗi nhọc nhằn gian truân…và như nhà báo nhận xét, chua chát làm sao khi hành khách được gọi là thượng đế.
Theo báo Tuổi Trẻ Online, xe xuất bến chính thức từ Bến Xe Miền Đông để đi Đà Nẵng, thế nhưng nhà xe ngừng dọc đường để đón khách bắt khách, đến độ phải mất 4 giờ mới ra khỏi thành phố Saigon, cụ thể xe khởi hành 7g 30 sáng phải đến hơn 11g trưa mới đến khu Lâm Viên Thủ Đức.
Trong bài thứ nhì, Tuổi Trẻ Online ghi nhận tình trạng gọi là xe nhồi xe nhét vô tư qua trạm kiểm soát. Tờ báo mô tả tình trạng nhà xe chở vượt tải, thường xuyên hối lộ cảnh sát giao thông để có thể đi trót lọt. Các lơ xe thực hiện việc trao tiền rất nhuần nhuyễn, tiền kẹp trong giấy tờ xe trình cho nhân viên cảnh sát giao thông.
Nhu cầu đi lại trong dịp Tết
Đừng sợ như thế, phương tiện huy động ở những bến xe lớn người ta đều có dự phòng…kỳ này những chủ xe tài xế chỉ vì hám lợi mà có những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục Đường Bộ là phải chăng chấp nhận tình trạng xe nhồi nhét hành khách, xe dù, vì nếu không sẽ không thể nào phục vụ đủ hàng triệu hành khách có nhu cầu đi lại trong dịp Tết. Ông Cục Phó đáp:
“ Đừng sợ như thế, phương tiện huy động ở những bến xe lớn người ta đều có dự phòng…kỳ này những chủ xe tài xế chỉ vì hám lợi mà có những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hợp tác hỗ trợ ngành GTVT, nên vào bến xe để mua vé lên xe và thấy những hiện tượng xe nhồi nhét khách, thì kịp thời thông báo cho cảnh sát địa phương và cảnh sát cơ động tại địa phương kịp thời ngăn chặn.”
Ông Nguyễn Văn Thanh thêm rằng, về mặt quản lý Nhà nước ông có thể bảo đảm là có đủ phương tiện để người dân trở về nhà ăn Tết:
“ Không được để một hành khách nào phải ăn tết tại bến xe, đây là điều khẳng định và là cam kết trước nhân dân của ngành giao thông vận tải.”
Nếu như lữ khách tha hương vất vả vì tàu xe để kịp về quê trước giờ Giao Thừa, thì có lẽ hàng chục ngàn hoặc thậm chí hàng trăm ngàn công nhân lao động, không có cơ may lên kịp chuyến xe cuối cùng. Như các báo đưa tin từ ngày 1/1/2008 đến nay đã xảy ra hơn 100 vụ đình công ở các thành phố lớn, với khoảng 70 tới 80 ngàn lượt công nhân tham gia.
Họ đấu tranh vì quyền lợi lương bổng và đặc biệt là tiền thưởng Tết, rất nhiều doanh nghiệp chỉ trả thưởng cho người lao động vài chục ngàn đồng, họ lấy đâu vài trăm ngàn hay nửa triệu bạc để mua vé xe về nhà.
Một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội nhận định về tình trạng đình công như giọt nước tràn ly:
“ Nếu mà bây giờ làm 800 ngàn một tháng, chắc không có người Việt Nam nào đi làm…ngay cả người đổ rác ở Hà Nội cũng có thu nhập bốn triệu đồng một tháng. Những người chủ không có cách cư xử đúng mà cứ hạ mức lương xuống thì tất nhiên người ta sẽ phải đình công, không có cách nào khác.”
Náo nhiệt

Trong những ngày cận Tết sinh hoạt mua sắm trở nên náo nhiệt, người Việt Nam khi nào cũng vậy, có thể tiết kiệm quanh năm nhưng phóng tay cho ba ngày Tết. Một nam công dân TP.HCM cho biết:
“ Không còn đồ để sắm nữa vì đông nghẹt, muốn đi mua thì phải đợi giữa trưa may ra mới vắng một chút. Các quán ăn nhà hàng không còn đồ ăn, người ta đi ăn tất niên”
Tình trạng hối hả tất bật trước Tết cũng được một bà nội trợ ở Chợ Lớn mô tả: " Đông không thể nào tả được, chen lấn kẹt xe mất hồn mất vía. Thành ra chuyện chợ hoa, đường hoa Nguyễn Huệ không biết có dám đi không, gởi được cái xe gắn máy là cả một vấn đề xong rồi chen vào trong đó đi trong đó lại là một vấn đề khác…"
Người nữ công dân TP.HCM cũng cập nhật giá cả các mặt hàng Tết ở thành phố 8 triệu dân:
“ 23 cúng đưa ông Táo là cao điểm, mấy hôm nay thì vẫn giá đó thôi. Sườn heo 70 ngàn, lạp xưởng giò chả Vissan 100 ngàn/kg, bánh chưng thì kinh hoàng, 160 ngàn một cặp tức 80 ngàn một cái bánh trung bình.
Người mua nhiều nhưng toàn là những thành phần mua để đem đi biếu, chứ người ăn thì chẳng dám mua. Người ta lựa chỗ nào chợ nhỏ giá hạ như Hốc Môn thì bánh tét, Đồng Nai Biên Hoà thì bánh chưng giò chả. Rẻ nhưng cũng phải 50 ngàn 1 cái bánh, trong khi ngày thường chỉ 15 ngàn. Rất nhiều bà nội trợ tính toán không ăn như thế, đi biếu thì phải mua thôi.”
Trong khi đó, theo báo Pháp Luật Online thị trường Hà Nội cũng chuyển động mạnh mẽ trong tuần lễ trước Tết. Tờ báo mô tả bánh chưng, giò chả Tết giá cả tăng 50%, nhưng các cửa hàng có tiếng không sản xuất kịp. Các chủ hiệu đã không lường trước nhu cầu gia tăng như vậy. Người Hà Nội đặt mua bánh chưng để gởi vào Nam thậm chí gởi ra nước ngoài làm quà.
Năm nay triều cường rồi mưa trái mùa, những người trồng mai than trời trách đất nó mục mạ, tàn lụi hay nở bậy bạ, thành ra năm nay mai rất là đắt. Ngoài Bắc Hà Nội cũng vậy đào cũng rất hiếm, tất nhiên vẫn có nhưng đắt và không được đẹp.
Một trong những phong tục đáng yêu của người Việt Nam, đó là ngày Tết phải có cành hoa cây kiểng. Người dân thành thị bỏ nhiều thì giờ cho việc thưởng lãm chợ hoa và chọn mua những chậu hoa ưng ý. Ngày 30/1, theo Tuổi Trẻ Online 3 chợ hoa lớn nhất TP.HCM đã khai mạc. Có hơn 1 ngàn gian hàng hoa ở 3 địa điểm là công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám và công viên Gia Định.
Ngày Tết đối với người miền Nam phải chưng cành mai, còn ngoài Bắc thì không thể thiếu cành đào. Người phụ nữ TP.HCM nói với chúng tôi:
“ Năm nay triều cường rồi mưa trái mùa, những người trồng mai than trời trách đất nó mục mạ, tàn lụi hay nở bậy bạ, thành ra năm nay mai rất là đắt. Ngoài Bắc Hà Nội cũng vậy đào cũng rất hiếm, tất nhiên vẫn có nhưng đắt và không được đẹp.”
Theo tin ghi nhận, miền Bắc miền Trung và Đông Nam Bộ năm nay nhà vườn trồng hoa bị thất mùa vì thời tiết lạnh, mưa thất thường. Cũng may một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại được mùa hoa kiểng, thương lái chở về Saigon tham gia chợ hoa khá náo nhiệt, tuy nhiên giá cả năm nay nhích hơn năm ngoái từ 20 tới 30%.
Đó là nói về nhu cầu của người bình dân, theo các báo từ vài năm nay giới thượng lưu giàu có ở Việt Nam sính chơi hoa đắt tiền nhập khẩu hoặc sản xuất ở Đà Lạt, sản phẩm của các công ty có vốn nước ngoài. Địa lan, Phong lan, uất kim hương, hồng ngoại.
Tuổi Trẻ Online cho biết chỉ riêng công ty Dalat Hasfarm đã chuẩn bị 1 trệiu cành hoa cho thị trường Tết, trong đó một lượng lớn nhập khẩu từ Hà Lan như hoa tulip, hoa hồng tím, hoa hồng cam hoặc đầu xuân. Nếu một cành địa lan từ 250 ngàn tới 300 ngàn đồng một cành, thì một bó hoa Đầu Xuân nhập cảng có giá gần nửa triệu bạc vẫn có người mua.
Chỉ một mức tiêu xài ngày Tết cũng đủ thấy rõ khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng dãn ra như thế nào.