Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ, Washington quan ngại về khả năng quân sự của Bắc Kinh, đàm phán 6 bên tìm hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên cùng với những biến chuyển liên quan đến cuộc họp cấp Ngoại Trưởng của các nước ASEAN là các đề tài được báo chí thế giới nói đến trong 7 ngày qua.

Như thường lệ, Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhận để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế hàng tuần.
Trung Quốc thẻ nổi đồng nhân dân tệ
Chúng tôi xin được bắt đầu với sự kiện Chính Phủ Trung Quốc loan báo quyết định thả nổi đồng nhân dân tệ, một quyết định được các nhà quan sát coi là nặng về mặt chính trị nhưng rất nhẹ về mặt kinh tế. Trong bài nhận định nói về vấn đề này, tờ The Washington Times, một tờ báo có khuynh hướng bảo thủ của Mỹ viết rằng:
Việc Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ diễn ra trước khi Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Ðào sang thăm Washington vào tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Ðào đã lầm nếu nghĩ rằng quyết định này sẽ giúp thay đổi dư luận ở Hoa Kỳ.
Hiện giờ, một dự luật do các nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đệ nạp yêu cầu đánh thuế tới 27,5% trên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Lục, và ngay chính Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer của Ðảng Dân Chủ, một trong những vị nghị sĩ bảo trợ cho dự luật cũng lên tiếng gọi quyết định thả nổi đồng nhân dân tệ mà Bắc Kinh mới loan báo chỉ là một quyết định cỏn con.
Những điểm được tờ The Washington Times cho thấy dư luận Mỹ rất quan tâm đến tất cả mọi biến chuyển có liên hệ đến Trung Quốc, và đặc biệt nhất là ý tưởng bài Trung Quốc của nhân dân Hoa Kỳ dường như đang ở mức cao hơn trước. Ðiều này được thể hiện rõ ràng hơn ngay sau khi bản phúc trình gửi Quốc Hội hàng năm mà Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thực hiện, trong đó báo động về khả năng quân sự của Hoa Lục, cho rằng Bắc Kinh là mối đe dọa toàn cầu, chứ không phải chỉ ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Người Mỹ lo ngại?
Trong bài bình luận mang nhan đề “Sự Chuyển Mình Nhanh Chóng Của Bắc Kinh Khiến Washington Lo Ngại”, tờ China Post cho rằng Hoa Kỳ bây giờ coi Trung Quốc là một đối thủ chứ không là đối tác, và những dữ kiện được đưa ra trong bản phúc trình khiến người ta nghĩ có thể, các nhà hoạch định chiến lược Mỹ coi Bắc Kinh có khả năng trở thành kẻ thù, tựa như những nước bị Washington liệt vào danh sách những quốc gia chuyên gây hấn như Iran hay Bắc Hàn.
Bài bình luận có đoạn viết: Ngay cả dưới mắt Bắc Kinh, rõ ràng bản phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ là bản phúc trình không thân thiện. Phúc trình đưa ra sự kiện ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi không chỉ để nhắm vào Ðài Loan, mà còn nhắm cả vào những nước khác. Phúc trình ghi nhận hiện nay, Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Ấn Ðộ.
Tờ China Post cũng viết rằng bản phúc trình được Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố vào đúng thời điểm xấu nhất, vì chỉ vài ngày trước đó, một vị tướng của Hoa Lục đưa ra phát biểu rằng trong trường hợp Hoa Kỳ sử dụng quân sự để can thiệp vào chuyện Ðài Loan, lúc đó Trung Quốc sẽ sử dụng võ khí hạt nhân.
Phát biểu vừa kể đã gây sửng sốt cho nước Mỹ -nếu không muốn nói là cho toàn thế giới-, đồng thời cũng tạo cho Washington có lý do vững vàng hơn để e ngại về khả năng quân sự Trung Quốc. Bài bình luận viết tiếp:
Rõ ràng Trung Quốc là đề tài đang tạo sôi nổi và khiến cho những người làm chính sách ở Washington phải điên đầu. Ngay trong lúc này, cách hay nhất mà Bắc Kinh có thể làm để tránh mũi dùi chỉ trích của Mỹ là tránh tạo sự chú ý và đừng đưa ra những lời phát biểu kiểu đổ thêm dầu vào lửa. Bắc Kinh phải hiểu là Hoa Kỳ, đại cường quốc duy nhất của thế giới, cần phải có một kẻ thù để trám vào chỗ của Liên Xô, bất kể kẻ thù đó là thật hay ảo. Bắc Kinh cũng đừng nuôi mộng sẽ là nước đối tác của Mỹ, vì Hoa Lục là một quốc gia cộng sản và sự vươn mình của một chế độ độc tài là mối đe dọa cho quyền bá chủ của Hoa Kỳ.
Đàm phán 6 bên về Bắc Hàn
Khi Tạp Chí Quan Ðiểm Truyền Thông Quốc Tế được gửi đến quý thính giả tối nay thì tại Bắc Kinh, cuộc đàm phán 6 bên nhằm tìm ổn định và hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vẫn đang tiếp diễn, với không khí được các nhà ngoại giao tham gia cuộc đàm phán gọi là cởi mở, xây dựng và hữu ích.
Trong số báo xuất bản hôm Thứ Tư tuần này, tờ The Wall Street Journal cho đăng tải bài bình luận kêu gọi Chính Phủ Hoa Kỳ phải đặt vấn đề nhân quyền ở bàn hội nghị 6 nước.
Bài bình luận viết rằng mặc dù việc Bắc Hàn phải hủy bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và biến bán đảo Triều Tiên trở thành vùng phi hạt nhân là những điều cần kíp nhất, nhưng Washington sẽ phạm phải một sai lầm rất lớn nếu không đưa vấn đề nhân quyền Bắc Hàn ra thảo luận trước hội nghị.
Bài bình luận của tờ The Wall Street Journal viết tiếp:
Chính sách tàn bạo của lãnh tụ Kim jong-il đã buộc nhân dân Bắc Hàn phải trốn sang Trung Quốc, hy vọng tìm được miếng ăn và chút ít tự do. Lo ngại làn sóng tỵ nạn xảy ra, Chính Phủ Trung Quốc đã vi phạm luật lệ quốc tế khi thuê người săn đuổi dân tỵ nạn Bắc Hàn, cưỡng bách họ phải trở về mảnh đất quê hương địa ngục trần gian của họ. Và tại đây, họ bị kết tội là phản quốc, bị giam cầm, bị cưỡng bách lao động, và có thể bị tra tấn hay bị giết chỉ vì đã bỏ trốn tìm tự do và tìm miếng ăn.
Tờ The Wall Street Journal nhắc lại trong bài diễn văn đọc ở buổi lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cam kết sẽ đem và ủng hộ các phong trào dân chủ.
Tổng Thống George W. Bush đã nói với những người đang sống dưới các chế độ độc tài là nước Mỹ không làm ngơ và cũng không tha thứ cho những kẻ đàn áp họ. Bây giờ là lúc ông Bush phải thực hiện điều đã hứa, để chứng tỏ quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước khác chỉ thành tựu với điều kiện Chính Quyền những nước đó phải đối xử đúng đắn với người dân.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN
Riêng với vùng Ðông Nam Á, cuộc họp cấp Ngoại Trưởng hàng năm của ASEAN cũng mới kết thúc ở Vientaine, Lào. Ðiểm được nói đến nhiều nhất là trước áp lực của thế giới và của ngay một số nước bạn trong tổ chức, Miến Ðiện đã chính thức thông báo năm tới KHÔNG nhận chức chủ tịch luân phiên.
Tuy vậy theo lời ông Robert Zoellick, trưởng đoàn Hoa Kỳ dự Diễn Ðàn Cấp Vùng ASEAN thì câu chuyện không chỉ ngừng ở đó:
Như tôi đã trình bầy trong phiên họp của Diễn Ðàn Cấp Vùng ASEAN lần này, tình trạng hiện giờ ở Miến Ðiện còn tồi tệ hơn trước.
Tôi còn nhớ hồi hồi đầu thập niên 1990 trong một phiên họp cũng do ASEAN tổ chức, tôi có nói đến sự kiện Bà Aung San suu Kyi bị cầm tù. Ðến bây giờ, tình trạng của Bà Suu Kyi vẫn không thay đổi, đã thế, số tù nhân chính trị ở Miến Ðiện lại còn gia tăng.
Ngoại trưởng Mỹ không phó hội
Báo chí trong vùng cũng tốn nhiều giấy mực để đưa tin hay trình bầy quan điểm của mình về việc Bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice của Hoa Kỳ không dự hội nghị do ASEAN tổ chức.
Theo tờ Asia Times, sự vắng mặt của người lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ là một thất lợi cho Washington, vì xảy ra vào đúng thời điểm Chính Phủ George W. Bush đang nỗ lực chứng tỏ là quan tâm đến khu vực Ðông Nam Á.
Bài nhận định của tờ Asia Times đưa viết rằng sự vắng mặt của Bà Ngoại Trưởng Mỹ là điều có thể đoán biết trước, nhưng đồng thời cũng trích dẫn một số bài báo cho rằng có lẽ, khu vực Ðông Nam Á không đủ quan trọng để Bà Rice phải chú ý tới và quyết định không đến Vientaine dự Diễn Ðàn Cấp Vùng chỉ tạo thêm những bất lợi không cần thiết cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN vào lúc Trung Quốc đang bành trướng thế lực trong khu vực.
Bài bình luận còn trích dẫn tin của tờ The New York Times cho hay Bà Rice nói bận đi công tác ở Châu Phi, nhưng thật sự thì Bà về lại Washington trước khi ông Thứ Trưởng Robert Zoellick lên đường đi Lào.
Bài bình luận của tờ Asia Times viết:
Hiển nhiên, quốc gia mừng nhất chính là Trung Quốc. Sự vắng mặt của Bà Rice tạo cơ hội giúp sự hiện diện của ông Ngoại Trưởng Trung Quốc trở nên quan trọng hơn. Khác hẳn với Washington, Bắc Kinh đang gia sức đẩy mạnh kế hoạch mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước ở Ðông Nam Á.
Tháng Tư vừa rồi, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào thăm Indonesia, Brunei và Philippines; đến tháng Năm, Chủ Tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc ghé thăm Singapore và Malaysia, Ngoại Trưởng Lý Triệu Tinh khi đến Kyoto dự hội nghị Á-Âu cũng tiếp xúc với các vị Ngoại Trưởng ASEAN, và đầu năm nay, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo khi đến Indonesia dự hội nghị giúp đỡ nạn nhân sóng thần cũng gặp gỡ với các nhà lãnh đạo ASEAN.
Và cũng khác với Washington, Bắc Kinh còn ký chung bản Hiệp Ước Quan Hệ Thân Thiện Và Hợp Tác với ASEAN, để đến tháng 12 năm nay, Trung Quốc có mặt tại Malaysia, dự phiên họp đầu tiên của Thượng Ðỉnh Ðông Á.
Tuy nhiên, tin mới nhất cho hay là ngoại trửởng Lý Triệu Tinh của Trung quốc cũng không tham dự Diễn đàn ASEAN cấp vùng. Ông đã rời Vientane từ tối thứ tư để bắt đầu chuyến thăm Miến điện.