Nhìn lại các hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong năm qua

Việt Long, phóng viên đài RFA

Cuối năm Ất Dậu, chính quyền Vịêt Nam long trọng tiến hành kỷ niệm 60 năm thành lập quốc hội. Đó là dịp để giới truyền thông trong nước điểm lại những họat động nổi bật, những nét mới cũng như tồn tại trong công tác của cơ quan quyền lực được coi là cao nhất này.

0:00 / 0:00

Sau đó hai tuần, tại phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/1 mới đây, ông Vũ Mão, trưởng ban đối ngoại đưa ra một ý khiến nhiều người chú ý, đó là chính quyền Việt Nam có thể chọn những Việt kiều về nước công tác, có cống hiến lớn cho đất nước làm đại biểu Quốc hội.

Người dân trong nước suy nghĩ ra sao trước những vấn đề đó. Mời quý vị nghe cuộc trao đổi giữa Việt Long với Lê Phương, một cử tri hiện sống tại Hà Nội để tìm hiểu thêm.

Ðã công khai hơn trước

Việt Long: Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Quốc hội hồi đầu tháng vừa qua, báo chí Việt Nam nói nhiều đến một số họat động được coi là tiến bộ của Quốc hội trong thời gian gần đây. Với tư cách một cử tri, bạn có ý kiến gì không?

Lê Phương: Theo cảm nhận của em thì các kỳ họp được chuẩn bị chu đáo hơn, dân chúng được biết nhiều hơn các họat động bên trong quốc hội. Tức là tính công khai được nâng lên hơn trước. Nhất là nhiều phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp để dân có thể xem.

Ngoài ra nhiều vấn đề trước nay vẫn bị coi là nhạy cảm, không được đụng chạm tới, thì giờ một số ít trong đó cũng được xem xét. Đó là điểm tiến bộ.

Tuy nhiên như anh biết đấy thì hiện ngay cả đến các đại biểu quốc họi muốn phát biểu gì cũng vẫn phải trình bằng văn bản lên trên, có được duyệt thì mới được phép phát biểu. Đại biểu quốc hội còn bị giới hạn như vậy, huống hồ dân thường.

Việt Long: Nhưng ông chủ tịch quốc hội thì lại nói rằng đó là do dân chưa làm tốt chức năng giám sát. Cả trong việc bãi miễn những đại biểu quốc hội thì ông chủ tịch cũng cho rằng là vì dân chưa thực hiện quyển của mình. Ông An cho là đáng ra, dân bầu đại biểu QH, khi dân thấy ai không còn xứng đáng thì dân bãi miễn, làm như thế mới tốt?

Lê Phương: Được nghe bác Nguyễn Văn An nói thế thì mừng quá. Thật sự là như thế. Nhưng mà lại lo anh ạ, vì muốn bãi miễn ai thì trước hết phải được bày tỏ ý kiến để công luận cùng xem xét hành động, tư cách của người đó.

Nhưng viết đơn thì vô ích rồi, nguyên do là những chồng đơn khiếu kiện, kêu oan của dân còn đang chất đống hàng mét kia kìa. Đơn không ăn thua thì chỉ còn cách tập trung nhau lại mà kêu, mà cầu. Muốn vậy lại phải xin phép trước 7 ngày,

Nói vậy nhưng không phải vậy

Việt Long: Đó là do Nghị định 38 ra năm ngoái quy định như vậy phải không?

Lê Phương: Vâng. Mà chắc gì đã được chính quyền cho tập trung. Mà nếu không xin phép thì vô tù vì cái tội gọi là quấy rối trật tự công cộng. Ai muốn kêu đơn lúc quốc hội họp cũng bị cấm rồi. Vậy thì dân thực hiện việc bãi miễn thế nào bây giờ. Rốt cuộc muốn làm theo lời đảng dạy, phát huy quyền làm chủ, mà khó quá.

Việt Long: Thế làm sao kỳ họp vừa rồi quốc hội bãi miễn được ông tham quan ô lại Lê Minh Hoàng?

Lê Phương: Vâng. Đó là giám đốc điện lực thành phố Hồ Chí Minh. Dân trong đó người ta ghét quá, bán cho dân mấy trăm ngàn cái điện kế dỏm, bãi miễn bắt đi tù là phải. Thế là tốt.

Nhưng cái tốt đó thì phải phát huy chứ, sao mới thực hiện được một lần rồi lại thôi. Dự định thành lập ủy ban dân nguyện cũng hay lắm. Nhưng trong kỳ họp ban thường vụ quốc hội vừa rồi chẳng hiểu sao vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh mà quốc hội bầu và phê chuẩn ra lại không được chú trọng, mặc dù dân rất quan tâm tới vấn đề đó.

Việt Long: Vẫn biết là trong nước còn nhiều hạn chế về dân chủ, nhưng đảng cầm quyền cũng đã kêu gọi mở rộng dân chủ. Như vậy ai mà thực tâm muốn đấu tranh với cái xấu có thể nương vào đó mà bày tỏ ý kiến chăng?

Lê Phương:Nhưng đó là dân chủ ở cơ sở, tức là nói bên dưới thì còn được. Nói bên trên là không xong. Mà trong thực tế còn bị giới hạn nữa. Cứ thử đòi quyền dân chủ với ông chủ tịch, ngài bí thư đảng ủy xã xem nào. Lĩnh đủ ngay.

moneyEconomic200.jpg
Lượng tiền do người Việt hải ngoại gửi về nước gia tăng hàng năm. AFP PHOTO

Vừa rồi bác đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phát biểu rằng dân chủ tức là phải để cho dân dám nói. Mình hiểu nghĩa là đại tứớng cũng xác nhận hiện nay dân chưa dám nói, vì nếu không thì bác đại tướng còn đặt ra vấn đề ấy ra làm gì.

Việt kiều làm đại biểu Quốc hội?

Cho nên người dân vẫn luôn mong mỏi đất nước cần phải có nhữgn cái mới mẻ, những cải tiến nhiều hơn nữa.

Việt Long: Nói về cái mới mẻ vừa rồi chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại của quốc hội, ông Vũ Mão đã nêu ý kiến là ''Nên chọn những Việt làm đại biểu quốc hội". Đây quả là chuyện rất đặc biệt và mới mẻ. Bạn là một cử tri tương đối trẻ tuổi, bạn nghĩ sao?

Lê Phương: Cái này rất hay. Bổ sung bằng chất xám của người Việt hải ngoại. Nhưng em nghĩ vấn đề đầu tiên cần làm rõ là quốc tịch. Mà đại biểu quốc hội thì dứt khoát phải có quốc tịch Việt Nam.

Vậy hoặc là những vị Việt Kiều đó phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài, hoặc nhà nước phải sửa luật để cho phép người Việt có thể mang đồng thời hai quốc tịch. Khi ấy mới đặt tiếp tới vấn đề những đại biểu này sẽ họat động ở đâu, ứng cử, tranh cử theo đơn vị địa phương nào.

Việt Long: Không, nhân dân sẽ không cần bỏ phiếu bầu cho họ, vì ông Vũ Mão nói các Việt Kiều này sẽ được làm đại biểu quốc hội thông qua chọn lựa. Với tư cách cử tri, bạn nghĩ sao?

Lê Phương:Thật ra đây là vấn đề lớn, với hiểu biết hạn hẹp của mình Lê Phương cũng không dám lạm bàn. Nhưng nếu được hỏi, thì với trách nhiệm của một cử tri, không biết người khác ra sao, nhưng cá nhân Lê Phương dứt khoát phản đối.

Việt Long: Phản đối à? Ví dụ tôi được chọn làm đại biểu Quốc hội Việt Nam bạn cũng phản đối luôn?

Lê Phương: Tất nhiên phản đối cả anh luôn, là vì việc chung thôi, nhưng anh có bao giờ được chọn đâu mà phải phản đối. Lý do đơn giản lắm. Đại biểu quốc hội được coi là đại diện cho nhân dân nên phải do dân bầu ra.

Dẫu biết với cơ chế đảng cử dân bầu thì nhân dân chưa được toàn quyền chọn lựa, nhưng nói gì thì nói mấy năm nay họp quốc họi cũng có đôi chút thực chất hơn trứoc. Dù không nhiều như mong đợi nhưng cũng là tín hiệu vui.

Khó khăn và đợi mãi người dân mới thể hiện được chút dân quyền của mình thông qua cơ quan quyền lực được gọi là cao nhất này, nên vì thế càng không thể cho phép một số người tự dưng được làm đại biểu quốc hội. Dù họ có là ai, Việt kiều thì cũng thế thôi, cũng phải qua bầu cử.

Việt Long: Nhưng theo chính quyền nói thì đó là những Vịêt Kiều đã có cống hiến lớn cho đất nước cơ mà?

Lê Phương:Sự đóng góp cho đất nứoc dù nhiều hay ít, ở thời điểm nào cũng đáng trân trọng. Nhưng tới mức nào thì được coi là cống hiến lớn thì còn phải bàn. Vả lại ai có đủ thẩm quyền đánh giá.

Lê Phương nghĩ chỉ có nhân dân, với lá phiếu của mình, thông qua bầu cử minh bạch và công bằng, không bị bất cứ tác động nào mới là những người có thể đưa ra các đánh giá chính xác, khách quan nhất.

Việt Long: Đại biểu không do dân bầu ra nhưng vẫn tranh đấu cho dân quyền dân chủ thì sao?

Lê Phương: Chắc gì anh ta đã đại diện cho quyền lợi nhân dân. Không chừng mọi họat động của đại biểu đó chỉ nhằm mục đích tư lợi và làm đẹp lòng những người đã chọn anh ta ngồi ở cái ghế đó.

Việc anh ta ngồi ở quốc hội chẳng khác gì một thứ biển hiệu. Vừa không có tác dụng, lại chiếm ghế của người xứng đáng. Cái hại ấy nhân đôi. Tóm lại, nếu cho phép như vậy thì đó là một bước thụt lùi về hiến pháp.

Tuy nhiên, dẫu sao việc này cũng cho thấy một nỗ lực của chính quyền hiện nay trong vịêc hòa hợp hòa giải dân tộc, tất nhiên hòa giải theo cách mà đảng vạch ra.

Việt Long: Vâng, cảm ơn và chào bạn Lê Phương.