Triển vọng xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản Việt Nam năm 2008

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Nông nghiệp với sản xuất lúa gạo, cà phê và thuỷ sản là 3 lãnh vực chủ yếu đem lại giá trị xuất khẩu lớn lao cho nền kinh tế Việt Nam. Bứơc vào năm 2008, liệu thuỷ sản Việt Nam, cà phê và gạo có triển vọng gì. Nam Nguyên trình bày các vấn đề này.

RiceLabor200.jpg
Công nhân Việt Nam vận chuyển gạo lên tàu xuất khẩu. AFP PHOTO.

Bước vào năm mới dương lịch 2008, ngành thuỷ sản Việt Nam đặt chỉ tiêu xuất khẩu khoảng 4 tỷ 250 triệu đô la. Năm ngoái, Việt Nam gia nhập nhóm 10 nứơc xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch trị giá 3 tỷ 750 triệu đô la. Các mặt hàng thuỷ hải sản Việt Nam nổi bật là tôm và cá tra, cá basa đã được tiêu thụ ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày đầu năm dương lịch 2008 ông Nguyễn Tử Cương, Cục Trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng Vệ Sinh An Tòan và Thú Y Thuỷ Sản đưa ra nhận định với chúng tôi:

“Trong năm 2008 những nhiệm vụ mà chúng tôi vẫn phải thường xuyên phát triển, cụ thể là giữ vững an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các thị trường có yêu cầu cao vào loại nhất thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada.

Đồng thời sẽ đưa sản phẩm đến những thị trường, nơi hàng thuỷ sản Việt Nam chưa được biết đến nhiều, ví dụ như Trung Đông và Nam Mỹ.

Ở trong nứơc chúng tôi phải giải quyết cơ bản việc kiểm soát bệnh dịch kiểm soát môi trường để thông qua 2 việc này bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác chúng tôi xây dựng những mô hình liên kết giữa nhà chế biến và khâu sản xuất cung cấp nguyên liệu và nối dài hơn lên là khâu sản xuất thức ăn cho sản phẩm nuôi trồng.”

Cần có tổ chức, qui hoạch

Sau thuỷ hải sản, năm 2007 lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, cà phê nhân của Việt Nam đạt mức xuất khẩu 1 triệu tấn, trị giá 1 tỷ 500 triệu đô la. Tuy vậy hạt cà phê Việt Nam vẫn bị đánh giá là xấu nhất thế giới, do Việt Nam chưa áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về cà phê mặc dù đã hai lần ban hành bộ TCVN 4193: 2001 và bộ TCVN 4193: 2005.

Nếu áp dụng tiêu chuẩn 2005 thì phẩm cấp cà phê Việt Nam sẽ được đánh giá theo khuyết tật và an toàn vệ sinh thực phẩm và giá sẽ cao hơn, chứ không mua bán dễ dãi theo phương thức hiện hành là mua xô theo tỷ lệ hạt đen vỡ với giá thấp.

Cho tới nay đã có nhiều thông tin về việc áp dụng bắt buộc tiêu chuẩn TCVN 4193: 2005, nhưng mốc thời gian 1/10/2007 khởi sự niên vụ 2007-2008 đã qua đi mà việc này vẫn chưa ngã ngũ. Ông Đoàn Triệu Nhạn, phó chủ tịch hiệp hội cà phê Việt Nam từ Hà Nội nhận định việc cần làm ngay:

“Chúng tôi phải lo nâng cao chất lượng sản phẩm, trong quá trình đó có hái quả chín, dùng công nghệ tiên tiến chế biến ướt, đánh sạch nhớt và chống ẩm, làm khô và giữ sản phẩm thật sạch, chống ô nhiễm và chống khuẩn…đấy vừa là nâng cao chất lượng vừa là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.”

Các chuyên gia ngành cà phê cho rằng Việt Nam bị vứơng mắc ở chỗ nông dân phát triển cây cà phê một cách tự phát, quá nhiều những rẫy cà phê nhỏ bé, cây giống không chọn lựa, canh tác không theo kỹ thuật, sử dụng nhiều phân bón và tưới nhiều nước.

Khi thu hoạch thì hái quả xanh quả chín cùng một lượt, khâu phơi trữ và công nghệ sau thu hoạch cũng chưa được đầu tư quan tâm đến nơi đến chốn.

Những hy vọng cho năm 2008

Hiệp hội cà phê Việt Nam dự báo niên vụ 2007-2008 kết thúc cuối tháng 9/2008 sản luợng thu hoạch sẽ khoảng 15 triệu tới 15 triệu rưởi bao, theo đơn vị quốc tế mỗi bao 60 Kg, tương đương từ 900 tới 930 ngàn tấn cà phê nhân robusta.

Mức dự báo thấp do các tỉnh Tây Nguyên bị thiệt hại 30% sản lượng vì vào vụ chậm do mùa mưa kéo dài. Ông Đoàn Triệu Nhạn cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, đánh giá đời sống nông dân trồng cà phê vẫn tiếp tục khó khăn do vật giá leo thang:

“Giá xăng dầu lên giá phân bón lên chúng tôi gay go lắm, cả giá sinh hoạt cũng đắt đỏ lên. Cho nên giá thế giới lên cũng chẳng bù đắp được, chúng tôi chẳng lãi được bao nhiêu. Tất nhiên giá tốt làm chúng tôi phấn khởi, nhưng với tình hình bây giờ dù giá cao hơn nữa cũng không phải là có lợi gì lắm cho ngừơi nông dân Việt Nam.”

Quay sang nông sản chiến lược là gạo, năm 2007 cả nứơc đã xuất khẩu khoảng 4 triệu 300 ngàn tấn nhưng đạt kim ngạch 1 tỷ 400 triệu đô la nhờ giá thế giới tăng và gạo Việt Nam đã theo kịp gạo Thái Lan cùng phẩm cấp. Lần đầu tiên trong nhiều năm nông dân vui mừng vì giá lúa luôn đứng ở mức cao hơn 3 ngàn/kg.

Hiệp hội lương thực Việt Nam dự báo sang năm giá mua lúa của nông dân có thể duy trì ở mức trên dưới 3.600/Kg. Tuy nhiên TS Lê Văn Bảnh, chuyên giá lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định là phải có giải pháp lâu dài cho nông nghiệp nông thôn, chứ với vật giá leo thang năm này qua năm khác, đời sống nông thôn tăng tiến rất ít:

“Chúng tôi ứơc mơ làm sao cho nông thôn VN cải thiện được môi trường sống của bà con. Thứ hai làm sao cho bà con tăng cường trình độ sản xuất, hợp tác sản xuất để cuối cùng có những sản phẩm tăng năng suất, tăng chất lượng giảm giá thành để bà con tăng thu nhập.

Bởi vì hiện nay vật giá vật tư tăng ‘ nứơc lên thuyền lên’ cúôi cùng thu nhập bà con thấp, mình mong làm sao giúp cho bà con cải thiện đời sống tốt hơn về mặt kinh tế, cũng như về môi trường sống ở nông thôn.

Hiện nay môi trường sống ở nông thôn nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Và điều nữa là mong Nhà nứơc đầu tư thêm về y tế giáo dục và cả vui chơi giải trí cho khu nông thôn, cuối cùng là nâng cao các chỉ tiêu mức sống của người dân nông thôn.”

Mong muốn của TS Lê văn Bảnh như vừa đề cập, cũng là mơ ứơc chung của mọi người VN, nhất là đối với 23 triệu người lao động trong lãnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản trên toàn quốc.

RiceLabor75.jpg