Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay rất sôi động

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay rất sôi động, có khả năng đạt mức 5 triệu 200 ngàn tấn trị giá 1 tỷ 300 trăm triệu đô la. Trong cuộc phỏng vấn do Nam Nguyên thực hiện, ông Liễu Văn Lô giám đốc công ty Thương Mại Kiên Giang đưa ra các thông tin đáng chú ý về hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay. Từ Rạch Giá ông Liễu Văn Lô cho biết.

RiceTrader200.jpg
Chợ bán gạo ở Ðông Hà, Quảng Trị. hôm 23-10-1997. AFP PHOTO

Ông Liễu Văn Lô: Giá gạo thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay tương đối cao. Công Ty Thương Mại Kiên Giang cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác của Việt Nam nói chung là có tương lai, chúng tôi xuất được giá cao nên cũng mua giá tốt cho nông dân. Nói chung là thuận lợi và có hiệu quả.

Nam Nguyên: Xin ông cho biết giá mua lúa của nông dân trong thời điểm hiện nay?

Ông Liễu Văn Lô: Gần đây lúa Hè Thu chúng tôi mua khoảng 2.400 đồng tới 2.500 đồng 1kg lúa, thậm chí có lúc lên tới 2.600 đồng 1 Kg. Giá này bảo đảm nông dân có lãi và có thể tái sản xuất.

Nam Nguyên: Với tư cách công ty thành viên Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, thưa ông có nhận định gì về thoả thuận bình ổn giá gạo xuất khẩu mà Hiệp Hội vừa ký với phía Thái Lan ?

Ông Liễu Văn Lô: Theo tôi là rất tốt, vì hai nước Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Qua sự hợp tác về giá này và trao đổi với nhau, có thể tạo điều kiện cho Việt Nam nâng gạo của mình lên. Bởi vì giá gạo của Thái Lan lúc nào cũng cao hơn Việt Nam.

Nam Nguyên: Thưa ông gạo Việt Nam sở dĩ xuất khẩu được nhiều cũng nhờ giá rẻ, nhưng lại xảy ra chuyện hàng năm có nhiều doanh nghiệp tranh mua tranh bán, ký hợp đồng giá thấp lúc xuất phải mua giá cao nên bị lỗ nên có thể ép giá nông dân. Thưa ông, chuyện này có hướng giải quyết hay không?

Có chỉ đạo chung của chính phủ, Hiệp Hội Lương Thực họp Hội Đồng Quản Trị mỗi tháng để nắm tình hình giá cả rồi đưa ra mức giá sàn. Bắt buộc các doanh nghiệp phải ký bán từ mức giá đó trở lên không được thấp hơn, đây là biện pháp bình ổn giá, và để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.

Ông Liễu Văn Lô: Có chỉ đạo chung của chính phủ, Hiệp Hội Lương Thực họp Hội Đồng Quản Trị mỗi tháng để nắm tình hình giá cả rồi đưa ra mức giá sàn. Bắt buộc các doanh nghiệp phải ký bán từ mức giá đó trở lên không được thấp hơn, đây là biện pháp bình ổn giá, và để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.

Nam Nguyên: Nhưng thưa ông đó là biện pháp của Hiệp Hội và Bộ Thương Mại, nhưng thực tế có kiểm soát được hoàn toàn hay không? vì ở Việt Nam hiện nay doanh nghiệp tư nhân có thể xuất khẩu gạo không cần giấy phép hoặc quota ?

Ông Liễu Văn Lô: Đúng là khó kiểm soát nhưng Hiệp Hội có qui định thế này, khi giá sàn đưa ra rồi từ mức giá thấp nhất đó trở lên doanh nghiệp mới được ký hợp đồng, mà khi ký phải thông qua Hiệp Hội để Hiệp Hội theo dõi giá cả và số lượng.

Nếu doanh nghiệp ký thấp hơn thì Hiệp Hội không cho xuất, kể cả doanh nghiệp Nhà nước cũng như là tư nhân. Do đó Hiệp Hội có thể quản lý được chuyện đó, nếu không có kiểm tra của Hiệp Hội thì Hải Quan không cho mở tờ khai, hợp đồng xuất khẩu không thể thực hiện được.

Nam Nguyên: Thưa ông, hiện nay các doanh nghiệp ký bán cho nước ngoài với giá cả cụ thể như thế nào, đối với các loại gạo 5%, 15% hoặc 25% tấm.

Ông Liễu Văn Lô: Gạo 25% xuất giá FOB khoảng 236 đô la/tấn ( giao hàng lên tàu không kèm cước tàu hoặc bảo hiểm), còn gạo 5% tấm thì trung bình từ 255 tới 260 đô la một tấn.

Nam Nguyên: Thưa, ông có lạc quan về tình hình xuất khẩu gạo trong năm nay không, có tin nói là sẽ vượt 5 triệu tấn.

Ông Liễu Văn Lô: Đến giờ này thì các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khá nhiều rồi, chỉ tiêu 5 triệu tấn chính phủ đề ra có khả năng không những đạt mà là vượt hơn mức đó.

Nam Nguyên: Công ty của ông xuất gạo có thương hiệu hay không, hay cũng chỉ là xuất chung thôi?

Ông Liễu Văn Lô: Chúng tôi xuất chung thôi các loại gạo 5%, 10%, 15% hay 25% tấm theo yêu cầu của khách hàng. Ở Kiên Giang chưa có loại gạo nào có thương hiệu dành cho xuất khẩu.

Nam Nguyên: Thưa ông, hệ thống kho bãi, kho chứa của Việt Nam hiện rất thiếu, vì thế không thể thực hiện chủ trương cho nông dân ký gởi, tạm ứng cho họ một số tiền, đợi giá tốt mới thực hiện mua bán dứt điểm. Hiện nay có hướng giải quyết chuyện này hay không?

Ông Liễu Văn Lô: Tôi cũng biết được mấy năm trước chính phủ có đặt ra vấn đề đó để tránh tình trạng có lúc giá xuống thấp, chính phủ có chỉ đạo các doanh nghiệp cho dân tạm trữ lúa vào kho của doanh nghiệp ở thời điểm giá thấp, khi giá lên sẽ bán ra.

Nhưng chỉ đạo đó rất khó thực hiện, bây giờ là doanh nghiệp kinh tế thị trường vốn liếng có hạn. Doanh nghiệp xây dựng kho tàng tương đối đủ cho phạm vi kinh doanh của mình mà thôi, không có khả năng trữ thêm lúa cho nông dân. Chủ trương của chính phủ rất tốt nhưng chưa thể thực hiện được.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông.