Giá cà phê robusta tăng cao nhưng nông dân không được hưởng lợi


2006.08.25

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Giá cà phê robusta trên thị trường thế giới mỗi lúc một leo thang. Hồi đầu tháng, giá mặt hàng này đã lên đến mức kỷ lục trong vòng 7 năm nay, và tiếp tục dao động trong tuần này. Các nông gia cà phê Việt Nam, nguồn cung cấp cà phê robusta lớn nhất trên thế giới hiện nay, có được hưởng lợi trước tình hình này hay không?

CoffeeMilling200.jpg
Cửa hàng bán hạt cà phê ở Hà Nội hôm 22-2-2000. AFP PHOTO

Trà Mi đi tìm câu trả lời qua cuộc trao đổi với ông Sáu, chủ nhân một đồn điền cà phê robusta tại Di Linh, Lâm Đồng, và được ông cho biết.

Ông Sáu: Theo dõi tin tức, chúng tôi cũng được biết giá robusta năm nay tăng quá cao so với từ trước tới giờ. Nhưng tại Việt Nam giới thu mua vẫn thu mua theo giá họ định thôi, chứ người trồng cà phê không chính thức được như vậy đâu.

Người nông dân chúng tôi chỉ được hưởng mức giá đưa ra ngay thời điểm đầu vụ thu hoạch mà thôi, chứ giá hiện thời có tăng cao đến đâu đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không hưởng được, vì đâu còn cà phê để bán. Một năm chỉ thu hoạch 1 vụ cà phê thôi, sớm nhất là vào tháng 11. Mùa năm nay thì còn 3-4 tháng nữa mới thu hoạch cơ.

Trà Mi: Nhìn chung vụ mùa cà phê năm nay làm ăn có được không thưa ông?

Ông Sáu: Gía cả thì có tăng so với mâý năm trước, nhưng sự tăng này thì chỉ theo vật giá sinh hoạt và trị giá đồng tiền thôi, chứ còn so ra thì cũng chả tăng gì, vì phân tro quá cao. Thành ra đối với nông dân chúng tôi xem như đâu cũng vào đó thôi, chả tăng gì thôi.

Chúng tôi đã chịu bao nhiêu năm giá cả quá thấp đi, không đủ chi phí cho tiền công và tiền phân. Năm vừa rồi tương đối được giá.

Gía cả thì có tăng so với mâý năm trước, nhưng sự tăng này thì chỉ theo vật giá sinh hoạt và trị giá đồng tiền thôi, chứ còn so ra thì cũng chả tăng gì, vì phân tro quá cao. Thành ra đối với nông dân chúng tôi xem như đâu cũng vào đó thôi, chả tăng gì thôi.

Trà Mi: Được biết nguồn cung cà phê Robusta từ Việt Nam gần đây giảm đi, theo ông lý do vì sao?

Ông Sáu: Năm vừa rồi bị giảm đi vì thời tiết. Vùng Di Linh chúng tôi năm ngoái hạn hán quá thiếu nước tưới nên sản lượng mới giảm kinh khủng.

Trà Mi: Tình hình cây cà phê năm nay có gặp trở ngại gì không, thưa ông?

Ông Sáu: Năm nay chúng tôi cũng bị một loại dịch bệnh chưa tìm ra nguyên nhân thế nào. Có những lô cà phê bị hư chừng 40-50%. Cây cà phê tự nhiên bị héo rũ phần đọt và trái rụng kinh khủng.

Trà Mi: Giới chức trách ở địa phương có tìm hiểu và giúp bà con khắc phục tình trạng này không?

Ông Sáu: Nghe xôn xao, họ có đến tìm hiểu, nhưng suốt mấy ngày nay chúng tôi đang chờ đợi kết quả của họ mà chưa nghe thấy gì cả.

Trà Mi: Ông đánh giá triển vọng mùa thu hoạch năm nay ra sao?

Ông Sáu: Theo tình hình ở địa phương của chúng tôi chắc có lẽ năm nay cũng bị sút kém về sản lượng thu hoạch.

> Bức xúc thì cũng không dám vì chúng tôi bị lệ thuộc mà, chỉ mong là giới thu mua đừng chèn ép giá vào mùa thu hoạch. Vào thời gian thu hoạch kéo dài chừng 2-3 tháng đầu năm, chúng tôi có phần thoải mái, nhưng sau khi bán hết cà phê để thanh toán thu chi thì cho dù giá thị trường có lên cao đến đâu chúng tôi cũng không được hưởng vì không còn cà phê để bán.

Trà Mi: Còn về giá cả ?

Ông Sáu: Gía cả thì chúng tôi cũng đang chờ đợi và cũng vẫn bị lệ thuộc thôi.

Trà Mi: Lệ thuộc vào thị trường thế giới hay vào các nhà thu mua tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Sáu: Tuỳ thuộc vào người thu mua thôi. Họ mua ép giá vì trừ hao nhiều yếu tố như cà phê ẩm ướt, đen…Ví dụ giá cà phê 15 ngàn/ kg thì chúng tôi chỉ bán được chừng 12 ngàn mà thôi vì họ trừ hao này nọ.

Trà Mi: Ông thấy tình hình nông gia cà phê tại Việt Nam ra sao? Có sống được nhờ cây cà phê không?

Ông Sáu: Dân cà phê như chúng tôi mang tiếng sống nhờ cây cà phê nhưng sự thật cũng cơ cực lắm, khó sống theo cây cà phê nếu chúng tôi không có nghề tay trái hoặc làm những việc phụ khác.

Trà Mi: Cà phê được giá sao lại có tình trạng như thế?

Ông Sáu: Nói sự thật khi mà được giá thì chúng tôi không còn cà phê để bán nữa.

Trà Mi: Gía thu mua cà phê bây giờ có xứng đáng với công cán và sự đầu tư của người nông dân bỏ ra hay không?

Ông Sáu: Nếu được giá thì tương đối chúng tôi được thoải mái, nhưng chúng tôi còn phải chịu nhiều thứ khác như giá phân lên cao vùn vụt vv..vv..cho nên cũng chan hoà vậy thôi.

Trà Mi: Nỗi bức xúc hiện nay của bà con trồng cà phê là gì, thưa ông?

Ông Sáu: Bức xúc thì cũng không dám vì chúng tôi bị lệ thuộc mà, chỉ mong là giới thu mua đừng chèn ép giá vào mùa thu hoạch. Vào thời gian thu hoạch kéo dài chừng 2-3 tháng đầu năm, chúng tôi có phần thoải mái, nhưng sau khi bán hết cà phê để thanh toán thu chi thì cho dù giá thị trường có lên cao đến đâu chúng tôi cũng không được hưởng vì không còn cà phê để bán.

Trà Mi: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.