Sinh hoạt của phụ nữ Việt Nam trong các ngày Tết
2006.01.30
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Tết cổ truyền của người Việt chúng ta có lẽ đã tồn tại theo hơn bốn ngàn năm văn hiến. Ngày Tết, có biết bao việc phải làm, nào là dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị làm bánh mứt, thức ăn cho các ngày Tết, rồi nào là cỗ bàn, cúng giỗ tổ tiên…Đó là chưa kể đến việc chuẩn bị lễ vật để còn đi biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng…Ôi chao là trăm nghìn thứ việc.
Một điều không ai có thể phủ nhận được là vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong các ngày Tết. Nhân ngày đầu năm, Trang Phụ Nữ xin mời quí vị nghe tâm sự của các bà nội trợ.
Thưa quí thính giả, với thời đại công nghiệp hoá hiện nay, đa số các phụ nữ không chỉ ở nhà nuôi con mà thôi, mà cũng phải cùng với cánh đàn ông ra ngoài bươn chải, làm việc. Cho nên, khi Tết đến, ngoài giờ làm việc, các chị em phải tranh thủ bất cứ thời gian rảnh rỗi để đi mua sắm, hay dọn dẹp nhà cửa.
Đỡ gánh nặng hơn
Những chị em nào có cha mẹ và họ hàng ở quê thì đỡ hơn vì chỉ việc lo thu xếp về quê ăn Tết. Chị Khánh Trang, hiện là giáo viên ở một trường trung học phổ thông cơ sở ở Tân Định, Sàigòn cho biết:
“Tết là chỉ việc lo đóng gói về quê ăn Tết…Em thuộc dạng đặc biệt, nhưng em thấy người phụ nữ bây giờ vẫn phải làm những việc như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết…Còn đàn ông thì hầu như ra ngoài làm việc, nên ít quan tâm đến việc dọn dẹp, chuẩn bị… nên đa số phụ nữ phải làm chuyện đó.
Nếu họ làm không làm được thì họ thuê công tới để làm, chứ người đàn ông Việt Nam thì ít quan tâm đến việc dọn dẹp. Riêng em, từ ngày 28 cho đến mồng Một, mồng Hai thì ăn Tết bên nhà chồng, rồi đến ngày mồng Ba mới về ăn Tết bên gia đình em.”
Ngày Tết thì phụ nữ phải làm nhiều hơn…Chúng em cũng được đi chơi, nhưng phục vụ bếp núc nhiều hơn…Còn cánh thanh niên thì vẫn sướng hơn, cho đến bây giờ cũng vậy. Thanh niên thì được ngồi trên tiếp khách, bạn bè tới thì trà nước. Quê chúng em không uống bia, nhưng ngày Tết thì có tí rượu. Còn phụ nữ chúng em thì phải xuống bếp.
Sang chuyện chuẩn bị các thứ cỗ bàn cho ngày Tết, chị Bình ở Long An nói: “Tết bây giờ đỡ cực hơn hồi xưa nhiều, nhưng ở Việt Nam thì cái gì nặng nề vẫn dồn cho người phụ nữ…như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng. Được cái bây giờ nấu nướng nó cũng đơn giản hơn hồi xưa, vì ở siêu thị cũng có bán đủ cả…Nhưng đó là cho những người có tiền, còn bình thường thì vẫn phải mua đồ về làm chẳng hạn như muối kiệu, muối dưa, làm giò thủ…kho một nồi thịt để ăn trong mấy ngày Tết.”
Trong khi đó, chị Hạnh, quê ở Hà Nam, thì cho hay: “ Ngoài Bắc, cỡ chừng ngày 27 tháng chạp thì chúng em gói bánh chưng, gói giò… Con gái chúng em thì rửa lá, còn gói thì anh trai hay bố. Ngày Tết thì phụ nữ phải làm nhiều hơn…Chúng em cũng được đi chơi, nhưng phục vụ bếp núc nhiều hơn…Còn cánh thanh niên thì vẫn sướng hơn, cho đến bây giờ cũng vậy.
Thanh niên thì được ngồi trên tiếp khách, bạn bè tới thì trà nước. Quê chúng em không uống bia, nhưng ngày Tết thì có tí rượu. Còn phụ nữ chúng em thì phải xuống bếp. Theo em thì vai trò của phụ nữ trong ngày Tết quan trọng lắm, nếu mà không có phụ nữ thì nhà cửa không được ấm cúng, trọn vẹn trong nhà…Cái sửa sang, trang trí nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ thì phụ nữ chúng em nhiều hơn, nam giới chỉ một phần nào đó thôi.”
Cùng với thời gian, quan niệm về việc ăn Tết cũng được giảm thiểu đi nhiều. Giờ đây, người ta thường nói “nghỉ” Tết chứ không còn dùng tiếng “ăn” Tết nữa. Thời gian nghỉ ngơi được dành để dành để đi chơi đây đó cho thoải mái. Thế nhưng, phận đàn bà thì vẫn cứ phải “ở nhà” trước đã, chuyện vui chơi giải trí tính sau.
Chị Bình, ở quận 8, Sàigòn tâm sự: “Đàn bà mình phải thu vén nhà cửa, thức ăn phải chuẩn bị đâu vào đó cho chu đáo…Vào mồng một Tết thì phải về bố mẹ hai bên, nội ngoại. Mồng hai, mồng ba là phải ở nhà vì anh em, bà con đến để chúc tuổi nhau. Ngày Tết thì ít được đi ra ngoài lắm vì phải ở nhà lo tiếp bà con, họ hàng, bạn bè… Có đi thì phải 8, 9 giờ tối, đưa các cháu đến các tụ điểm, để cho gọi là có không khí Tết một chút, thế thôi!.”
Thăm bà con họ hàng
Đối với một số vợ chồng trẻ, mới cưới trong năm, thì ngày Tết của họ là những ngày mệt nhọc nhất, thay vì được đi chơi, du lịch thoải mái thì lại dành hết thời gian đi chào bà con họ hàng cả hai bên, trước và ngay cả trong những ngày Tết. Chị Ngọc Trâm, ở đường Sư Vạn Hạnh, Sàigòn, đám cưới vào tháng 7 trong năm qua nói:
“Trước ngày Tết, thì phải biếu quà bà con thân thuộc hai bên.. rồi đến mồng Hai, mồng Ba thì phải đi thêm một lần nữa để chúc đầu năm mới…Tết mới, năm đầu tiên thì phải chịu như vậy, nhưng nói chung thì chỉ đi ban ngày thôi, tối thì ở nhà. Riêng cỗ bàn thì không phải làm, nhưng ăn uống trong nhà thì vẫn phải lo nấu nướng…”
Trở lại với việc chuẩn bị cho các ngày Tết, mặc dù thời đại đã thay đổi, nhưng dường như chữ “Công” trong 4 chữ “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” cho đến nay vẫn áp dụng cho sinh hoạt của phụ nữ trong những ngày này. Bà Thủ ở Phú Lâm nói:
Trong các ngày Tết, mọi việc chỉ toàn đàn bà làm thôi. Mấy ông thì lúc nào cũng nói phải lo chuyện lớn…nhưng chuyện lớn thì thành ra chuyện nhỏ (cười) còn chuyện nhỏ của mấy bà thì thành chuyện lớn. Chẳng hạn như mấy ông chỉ việc vác đồ Tết, đi lễ Tết, đến tán gẫu, rồi đi về…
“Tết thì cũng mấy món truyền thống như thịt kho tàu với trứng, khổ qua hầm, củ kiệu. Phụ nữ trong nhà thì phải lo các chuyện cho trong nhà có không khí Tết… năm mới thì phải vui vẻ với nhau chứ đừng có chuyện gì buồn…
Không biết những vùng ở quê ra sao, những gia đình còn giữ nề nếp như thế nào, đầu năm thì cũng chúc Tết ông bà, cha mẹ, nhưng gia đình tui thì mấy cái đó có vẻ khách sáo quá… cho nên không chúc nhau gì hết, chỉ là giữ không khí cho gia đình xum họp, vui vẻ. Trong những ngày Tết, người phụ nữ giữ vai trò là chính trong gia đình, lo trang hoàng nhà cửa, sắm sửa các thứ.”
Riêng với bà Hương, ở Hội An, thì cho biết: “Ngày xưa, bánh trái, mứt phải làm hết, nhưng bây giờ thì người ta đi mua sắm, không phải làm như xưa nữa… nhưng tui vẫn phải làm mâm cơm, chuẩn bị hoa quả để cúng ông bà. Ai cũng vậy, giao thừa thì phải cúng mâm ngũ quả, mình thích thứ nào thì mình chọn thứ đó, chọn cho đủ 5 thứ trái cây.
Thường thì cam, quýt, thanh long, xoài, măng cụt…miễn sao 5 loại thôi…do tấm lòng của mình mà. Mồng Một Tết thì tui đi chùa, ra mộ, thắp nhang, thăm bà con, rồi về nhà đón khách. Tết thì tui phải lo dọn dẹp, lo nấu nướng đồ ăn trong 3 ngày Tết, đủ chuyện hết…”
Chị Minh, một phụ nữ hiện đang cư ngụ ở Sàigòn thì than thở: “Trong các ngày Tết, mọi việc chỉ toàn đàn bà làm thôi. Mấy ông thì lúc nào cũng nói phải lo chuyện lớn…nhưng chuyện lớn thì thành ra chuyện nhỏ (cười) còn chuyện nhỏ của mấy bà thì thành chuyện lớn. Chẳng hạn như mấy ông chỉ việc vác đồ Tết, đi lễ Tết, đến tán gẫu, rồi đi về…
Còn mấy bà thì phải lo đi sắm đồ Tết, mà phải tính toán trước sau, nghĩ trước, nghĩ sau…xem vừa túi tiền không…rồi còn phải lo soạn chén dĩa, cỗ bàn, dọn dẹp, nói chung là đủ thứ việc. Còn chuyện đi chơi Tết thì từ ngày về nhà chồng đến giờ thì em chẳng bao giờ còn nữa, Tết thì chỉ ở nhà thôi…”
Thưa quí vị thính giả, vừa rồi là một số ý kiến của các chị em phụ nữ về sinh hoạt của mình trong các ngày Tết. Thế mới biết vai trò của người phụ nữ trong gia đình quan trọng biết bao! Trong khi đó, hình như ít có ai để ý đến những nỗi lo toan, vất vả của họ…Từ việc chuẩn bị bình hoa trang hoàng ngày Tết, cho đến việc dọn dẹp, lo bánh trái, cỗ bàn, đồ lễ Tết…nhất nhất đều phải có bàn tay của phụ nữ dính vào.
Thế nên, việc nghỉ ngơi, đi xem hội, vui chơi trong các ngày Tết dường như chẳng ai nhắc đến. Mong rằng trong những ngày Tết, chị em phụ nữ sẽ được để ý đến nhiều hơn. Nhất là trong các gia đình, các ông sẽ biết sắp xếp, thoả thuận sao cho các bà có thêm thời gian nghỉ ngơi thoải mái nhiều hơn. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị, đặc biệt là quí chị em phụ nữ, trong chương trình kỳ tới.
Những bài liên quan
- Không khí đón mừng Năm mới Bính tuất tại Việt Nam
- Á Châu hân hoan đón mừng Năm mới Bính Tuất
- Sớ táo quân Xuân Bính Tuất 2006
- Người Việt ở Quận Cam tưng bừng đón Tết Nguyên Ðán Bính Tuất
- Những mong mỏi của Hòa thuợng Thích Quảng Ðộ cho Năm Mới Bính Tuất
- Những sự kiện đáng chú ý với dân chúng Việt Nam trong năm qua
- Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong dịp Tết Bính Tuất
- Đê biển Việt Nam có nguy cơ bị vỡ nếu gặp phải những trận bão lớn
- Người dân tỉnh Bình Thuận không có điều kiện hưởng Tết Nguyên Đán
- Lời chúc Tết thính giả đầu năm Bính Tuất
- Lời chúc Tết của bà Libby Liu, Tổng giám đốc đài Á Châu Tự Do
- Trẻ khiếm thị tại Nhà Bừng Sáng ở Saigon và tất niên Ất Dậu
- Doanh nghiệp FDI Việt Nam ăn Tết
- Thị trường gia cầm và công tác phòng chống tái dịch trong dịp Tết nguyên đán
- Việt Nam tăng giá cước vận chuyển trong dịp Tết
- Văn hóa Trà Việt Nam
- Số lượng Việt kiều về nước ăn Tết qua ngã Tân Sơn Nhất gia tăng
- Nạn quà cáp biếu xén, tiệc tùng linh đình trong những ngày gần Tết
- Hoạt động của tiệm cầm đồ vào dịp năm hết Tết đến
- Biếu xén trong dịp Tết của người Việt ở trong nước