Làng trẻ em SOS ở Đà Lạt, Việt Nam


2005.10.13

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Hôm nay mời quí vị đến một ngôi làng có tên là Làng Trẻ SOS, nơi những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi và trẻ tàn tật không nơi nương tựa được những người mẹ chưa từng mang nặng đẻ đau nuôi nấng, chăm sóc, dạy dổ từ khi các em còn tấm bé cho tới lúc lớn khôn và có thể tự lập.

SosVillage200.jpg
Hình ảnh Làng Trẻ Em SOS ở Đà Lạt, Việt Nam. Hình của Thanh Trúc.

Làng Trẻ SOS là một sinh hoạt từ thiện quốc tế. Thoạt khởi thủy, đây là một khái niệm về nuôi nầng và dưỡng dục trẻ thơ không nơi nương tựa do một nhà hoạt động xã hội và từ thiện người Áo, ông Hermann Gmeiner, đề xướng.

Từ tư tưởng đến hành động, Làng Trẻ SOS lập trụ sở chính tại Áo, quê hương của ông Hermann Gmeiner, rồi lan an ra 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tính đến lúc này, Việt Nam có 10 làng trẻ em SOS từ Bắc xuống Nam là Việt Trì, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Nha Trang, Dalat, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cà Mau. Làng Trẻ SOS Đồng Hới ở miền Trung là điểm mới nhất đang được xây cất.

Hôm nay Thanh Trúc mời quí vị đi thăm Làng Trẻ SOS Dalat, với 150 em được chia ra thành từng gia đình. Mỗi gia đình trong Làng Trẻ SOS có một bà mẹ chăm sóc, có một ngôi nhà để ăn ở, có những bữa cơm do mẹ nấu nướng, có một ngôi trường gần đó em đi học.

Toạ lạc trên đường Hùng Vương thuộc phường 9 của thành phố du lịch thơ mộng Dalat, Làng Trẻ SOS Dalat và Làng Trẻ SOS Gò Vấp là hai làng SOS đầu tiên được thành lập ở Việt Nam từ năm từ năm 1967. Sau 1975, sinh hoạt của hai làng trẻ SOS này bị gián đoạn.

Năm 1987, nhờ sự vận động ráo riết của đại diện tổ chức Làng Trẻ SOS chuyên trách Đông Nam Á, ông Helmut Kutin, hai làng trẻ SOS Dalat và Gò Vấp được phép hoạt động trở lại. Cùng năm này, Làng Trẻ SOS miền Bắc thành hình tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

Mời bạn tham gia mục Người Việt Khắp Nơi do Thanh Trúc phụ trách. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Đến với Làng Trẻ SOS Dalat, qúi vị sẽ gặp một số trẻ vừa đi học về và một người làm việc rất lâu năm ở trong làng là chị Oanh, đang ra đón các cháu. Dịp này, chị Oanh, trong tư cách thư ký của làng, giải thích kỹ hơn: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Chị Oanh đã nhắc tới những bà mẹ, yếu tố thứ nhất để xây dựng một gia đình, một làng Trẻ Em SOS.

Tại ngôi nhà mang số C7 có tên Hướng Dương, một loài hoa Dalat, Thanh Trúc gặp chị Đào, đang nuôi dạy 8 em trong ngôi nhà này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bây giờ mời quí vị cùng Thanh Trúc bước sang căn nhà C8 kế cận, nơi chị Nở, trước kia là giáo viên nhà trẻ, nay về nuôi 9 em c trong gia đình của chị.

Được hỏi điều gì làm chị nhớ nhất khi nghĩ đến các con, người mẹ không một lần sanh đẻ nhưng dày công nuôi dưỡng này tự hào nói về con của mình: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trong tiếng hát thơ ngây trong sáng của các em thiếu nhi Làng Trẻ SOS Dalat giờ tan trường về, Thanh Trúc xin phép tạm ngưng Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi hôm nay ở đây.

Xin được cảm ơn Làng Trẻ Em SOS từ nước Áo sang đến Việt Nam, xin được cảm ơn những bà mẹ Việt Nam tuy không một lần mang nặng đẻ đau mà công ơn dưỡng dục các thiếu nhi bị bỏ quên thì cao tựa núi và rộng như biển. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.