Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam được báo động cả chục năm qua, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Ngày Tết nhu cầu thực phẩm chế biến gia tăng, báo chí Việt Nam vào cuộc với mối quan tâm lớn lao. Ứng xử của người dân với vấn đề này ra sao.

Hàn the trong giò chả, mì sợi tươi để sản phẩm có độ dai hấp dẫn. Muối diêm trong ba tê, xúc xích, lạp xưởng thực phẩm chế biến để có màu sắc đẹp, rồi phóoc môn trong bánh phở, mì sợi bánh ướt để chống thiu, chất tạo bọt xà bông pha vào cà phê để có cà phê đặc quánh nổi bọt. Cá tươi ướp phân urê để khỏi ươn.
Rồi gần đây nhất là chuyện chất tạo màu Sudan trộn vào thức ăn chăn nuôi, gà vịt ăn vào sẽ đẻ trứng có màu đỏ đẹp, còn da gà chân gà thì vàng như nghệ. Tất cả những hoá chất công nghiệp vừa nói không phải là phụ gia thực phẩm và hoàn toàn bị cấm trong sản xuất và chế biến thực phẩm.
Ngày càng nghiêm trọng
Đây là một câu chuyện dài năm này qua năm khác và tình trạng không cải thiện. Có lẽ vì độc chất trong thực phẩm tác hại lâu dài không làm người sử dụng ngã bệnh hay ngộ độc lập tức, nên người sản xuất vì lợi nhuận vẫn ngang nhiên sử dụng, và thị trường vẫn lưu thông không ngừng.
Cô Cẩm Tâm một phụ nữ gia đình trung lưu ở quận 10 TP.HCM nói về vấn đề này: "Nghĩ là sống chết có số nên cứ ăn, trước đây đã có vụ phóoc môn trong bay phở bây lại rộ lên nữa."
Phát biểu của người phụ nữ vừa nói có thể là tâm trạng và cách ứng xử của đại đa số người tiêu dùng ở các thành phố lớn của Việt Nam. Mời quí thính giả nghe tự sự của một doanh nhân trẻ cũng là cư dân của thành phố 8 triệu dân, thị trường tiêu thụ lớn nhất Việt Nam:
Có những món ăn đã trở thành văn hoá của người Việt Nam mà không thể nào bỏ qua được như phở hay hủ tiếu. Có những thứ không thể thay thế được như bánh ướt giò chả trong dịp Tết…sẽ phải tìm những cơ sở uy tín, nhưng mình không thể nào biết chắc là có an toàn hay không .
“Có những món ăn đã trở thành văn hoá của người Việt Nam mà không thể nào bỏ qua được như phở hay hủ tiếu. Có những thứ không thể thay thế được như bánh ướt giò chả trong dịp Tết…sẽ phải tìm những cơ sở uy tín, nhưng mình không thể nào biết chắc là có an toàn hay không .”
Hàm lượng phóoc môn và hàn the
Sự quan tâm của báo chí Việt Nam đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong những ngày cận tết được dư luận đánh giá cao. Riêng tờ báo Tuổi Trẻ đã chứng minh sự thật bằng cách đến các chợ mua bánh phở, mì sợi bánh ướt và gởi đi xét nghiệm ở Trung Tâm Y Tế Dự Phòng TP.HCM .
Kết quả thật đáng sợ, Trung Tâm xác định là hầu hết mẫu gởi phân tích đều có hàm lượng phóoc môn và hàn the ở mức rất cao. Các mẫu hàng chế biến từ bột được nhà báo mua ở các chợ Trần Hữu Trang quận Phú Nhuận, chợ Nguyễn Văn Trỗi Q3, chợ Tân Định quận 1, chợ Tân Sơn Nhất Gò Vấp. Cụ thể bánh phở và bánh ướt thì có phóoc môn hàm lượng 3 cộng (3 +++) tức là rất cao, còn mì sợi tươi và mì quảng thì có hàn the cũng ở mức 3 cộng.
Câu chuyện nhà báo tự mua các mặt hàng thực phẩm, tự trả chi phí xét nghiệm để làm bằng chứng cho thông tin của mình gây được sự chú ý của dư luận. Trước đó về mặt chính quyền, Viện Vệ Sinh Y Tế Công Cộng thực hiện giám sát thực phẩm Tết Đinh Hợi trên thị trường cũng cho thấy tình trạng báo động.
Theo đó ở nhóm thực phẩm chế biến từ bột như bánh phở, bánh ướt, các lọai mì sợi tươi, bún kiểm 18 mẫu thì có đến 13 mẫu xác định có phóoc môn. Còn ở nhóm thịt và sản phẩm thịt, tình trạng sử dụng hàn the là phổ biến.
Theo các thông tin được công bố, khảo sát của Trung Tâm Y tế Dự Phòng TP.HCM trong ba năm 2004, 2005 và 2006 cho thấy thực phẩm chế biến lọai nào cũng có phóoc môn hoặc hàn the, mức độ trung bình là khoảng một nửa các mẫu thử đều xác định hàm lượng các chất phụ gia bị cấm.
Giò sống, bánh giò, chả lụa, mì tươi đều pha hàn the để sản phẩm có độ dai theo thị hiếu. Còn các lọai bún, bánh phở bánh ướt bánh cuốn thì ướp phóoc môn để chống thiu.
Theo tôi nhà chức trách nhà quản lý phải mạnh tay hơn đối với nhà sản xuất chẳng hạn như kiểm tra đột xuất, thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh. Thí dụ tập trung vào một khu vực tất cả những người sản xuất kinh doanh bánh phở bánh hủ tiếu và kiểm định thường xuyên.
Những thông tin như thế cho thấy ngành quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm biết rõ tình hình nghiêm trọng. Nhưng các nỗ lực chấn chỉnh tình hình thì lại không có kết quả. Người tiêu dùng TP.HCM nhận xét như thế nào về tình trạng này: "Cũng có biện pháp luật lệ cả đấy nhưng không hiểu sao dân chúng không sợ không nghe theo."
Cần phải mạnh tay hơn
Nhà doanh nghiệp trẻ ở cùng thành phố thì nhận ra những bất cập trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và đề ra những biện pháp để tháo gỡ.
“Theo tôi nhà chức trách nhà quản lý phải mạnh tay hơn đối với nhà sản xuất chẳng hạn như kiểm tra đột xuất, thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh. Thí dụ tập trung vào một khu vực tất cả những người sản xuất kinh doanh bánh phở bánh hủ tiếu và kiểm định thường xuyên.
Hiện nay kiểm tra những cơ sở nếu vi phạm có chất hoá học bị cấm thì chỉ bị xử phạt hành chánh, nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh, hầu như không có chế tài hình sự, hoặc phạt tiền thật nhiều để có tính cách răn đe.”
Về mặt chính quyền, ông Huỳnh Lê Thái Hoà trưởng phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc sở y tế TP.HCM phát biểu trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 7/2 rằng, với một thành phố 8 triệu dân ngành chức năng chỉ có 60 người để làm công tác quản lý một nguồn thực phẩm khổng lồ đa dạng.
Theo ông Hoà, chưa có chuyển biến thay đổi gì nhiều về guồng máy và đội ngũ nhân sự chuyên môn, trong khi muốn quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm thì bộ máy quản lý phải đủ sức đáp ứng về con người, về trình độ và trang thiết bị.
Không hiểu trong số 16 ngàn câu hỏi gởi tới báo Cộng Sản để đối thoại trực tuyến với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có người tiêu dùng nào đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như một mục tiêu quốc gia hay không.