Nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng từ nhiều ngày nay
2006.04.18
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Tổng công ty cấp nước Sài gòn gọi tắt là SAWACO vừa kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp hành động với các tỉnh Bình Dương và Tây Ninh để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cung ứng cho thành phố.
Báo Người Lao động cho biết, hoá chất độc hại cùng cá thối rữa đã hoà vào nước sông Sài gòn từ nhiều ngày nay. Tình hình ấy xẩy ra vào cuối tháng ba vừa qua trên thượng nguồn sông, khi nuớc bị ô nhiễm, chuyển sắc màu đen, làm cho hàng trăm tấn cá chết, xác nổi trắng mặt sông khiến nước sông bị ô nhiễm nặng.
Đây là một thảm họa cho cả người nuôi cá lẫn người sinh sống trong khu vực vì phải chịu mùi hôi thối triền miên, rất khó chịu.
Bài báo trên tờ Người Lao Động trích dẫn lời ông Nguyễn Chính Trường, phó chủ tịch xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh, rằng có bốn nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước: là nhà máy cao su Dầu Tiếng, một cơ sở làm mì tư nhân, công ty khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng, và nhất là nhà máy mì Miwon.
Người dân ở gần nhà máy này khẳng định rằng, lâu lâu nhà máy lại xả nước một lần, mỗi khi xả làm hôi thối cả một vùng rộng lớn.
Về hiện tượng cá chết hàng loạt gây thiệt hại cả tỷ đồng cho những người nuôi cá bè, do nước sông bị ô nhiễm do nước thải từ nhà máy cao su Dầu Tiếng và nhà máy chế biến bột mì Mi-Won, một cư dân cho đài Á Châu Tự Do chúng tôi biết ý kiến: “Cá chết vì nước bẩn do lò mì thải ra, chứ trước đây đâu có những chuyện thua lỗ bạc tỷ như vậy.”
Ngay sau khi phát hiện cá chết hàng loạt, các hộ nuôi cá đã trình báo với chánh quyền sở tại để xin giải quyết, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả gì: “Dù nhận được phản ảnh của dân chúng địa phương nhưng cơ quan chức năng khồng hề nói năng hay đề ra biện pháp khắc phục cụ thể nào.”
Theo phản ảnh của dân chúng địa phương, thì để giúp các hộ dân có thể nuôi cá trở lại thì chỉ còn có cách là yêu cầu các nhà máy trong vùng ngưng xả nước bẩn ra sông và bắt buộc phải lập hệ thống nước thải. “Muốn hộ dân đầu tư nuôi cá thì phải cấm lò chế bột mì đừng xả nước thải ra sông nửa, vì nếu cứ tiếp tục làm như vậy thì người bị mất trắng hết của cải, vốn liếng dành dụm.”
Vậy ai là người chịu trách nhiệm trước tình trạng mùi hôi thối xông lên cả một vùng và gây nạn cá chết hàng loạt, hơn nửa vấn nạn môi trường này kéo dài đã trên một tháng qua, gây thiệt hại đáng kể về sức khỏe của dân chúng cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm, kiếm sống của họ, nhưng người ta vẫn chưa rõ đến bao giờ sinh hoạt bình thường mới được tái lập.
Theo tờ Thanh Niên thì sở Tài Nguyên Môi Trường giải thích là đã cử nhân viên đến tận nơi kiểm tra rồi, tuy nhiên về phía các nhà máy thải chất độc hại thì chưa thấy có biện pháp bảo đảm đúng tiêu chuẩn về môi trường như đã được khuyến cáo.
Những bài liên quan
- Sài Gòn báo động trước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng
- Việt Nam chuẩn bị cho tình trạng khô hạn trong mùa hè năm nay
- Người dân khốn khó vì không bán được trấu
- Cá chết hàng loạt, nông dân vỡ nợ
- Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở tỉnh Bình Dương qua lời kêu cứu của một Việt kiều
- Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2005 (phần 1)
- Nguyên nhân khí hậu ở khu vực TPHCM ngày càng nóng hơn
- Chất thải rắn, vấn đề lớn cho môi trường của TP. HCM
- Hóa chất Không dính: Teflon
- Những vấn đề Thủy lợi ở Ðồng bằng sông Cửu Long (phần 4)
- Tình hình khô hạn đáng ngại tại Miền Bắc Việt Nam
- Những vấn đề Thủy lợi ở Ðồng bằng sông Cửu Long (phần 3)
- Đào rừng tại vùng Tây Bắc Việt Nam có nguy cơ biến mất
- Hậu quả của việc lấn chiếm sông rạch để cất nhà tại Sài Gòn
- Nghịch lý trong phát triển kinh tế Bắc - Nam
- Khoa học & Môi trường - một năm nhìn lại
- Miền bắc Việt Nam đối mặt với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng
- Người dân địa phương phong tỏa một nhà máy sản xuất tấm gỗ nhân tạo tại Nghệ An
- Chất lượng nguồn nước cung cấp cho khu vực Sài Gòn ngày càng xấu đi.
- Sông Thị Vải ô nhiễm: cá chết, người khóc