Sài Gòn: các ngân hàng thương mại thận trong khi cho vay tiền đầu tư bất động sản

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Các ngân hàng thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thận trong hơn khi cho vay tiền đầu tư bất động sản. Quyết định được thục hiện vào đúng thời điểm thị trường địa ốc ở Việt Nam nói chung và tại thành phố nói riêng đang ở trong tình trạng đóng băng. Từ Bangkok, Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi về tường trình sau đây.

0:00 / 0:00
BuildingSaigon150.jpg
Toà nhà mới xây ở Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Thời vàng son đã qua

Cách đây 3 năm, các viên chức thành phố Hồ Chí Minh dự đoán vào năm 2010, phải có thêm ít nhất 954,000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu cho người dân, trong khi mõi năm chỉ có chừng 50,000 căn hộ mới được xây dựng.

Dự đoán này đã khiến cho thị trường nhà đất của thành phố bùng mạnh hơn bao giờ hết, và tất cả các ngân hàng đều chủ trương dễ dãi với khách hàng cũng như với các dự án.

Có thể nói rằng thời vàng son đó đã đi qua. Hầu hết các ngân hàng thương mại đang hoạt động ở thành phố bắt đầu than vãn về chuyện tiền cho vay bỏ ra thì nhiều, tiền nợ đọng lại, trong đó có cả những khoản nợ được gọi là nợ xấu khó đòi cũng mỗi ngày một tăng.

Và khi tỷ lệ nợ xấu có khuynh hướng tăng lên, chuyện phải điều nghiên kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định cho vay là điều đương nhiên phải xảy ra.

Các món nợ khó đòi tăng cao

Bản chiết tính mới nhất cho thấy tính đến cuối tháng 8 năm nay trong tổng số tiền nợ khó đòi, tới hơn 15% khoản nợ xấu này là tiền cho vay bất động sản.

Các viên chức ngân hàng nhà nước nói nếu tính thành con số thì số nợ xấu ở khu vực bất động sản lên đến gần 29 ngàn tỷ đồng, và không ai có thể chối cãi được đây quả là một số tiền khổng lồ, một gánh nặng cho các ngân hàng thương mại, buộc Ngân Hàng Nhà Nước phải đi đến quyết định cảnh báo các ngân hàng cần thận trọng hơn nữa trước khi bỏ tiền ra để cho vay đầu tư vào lãnh vực địa ốc.

Trước đó, bản nhận định của Bộ Tài Nguyên Môi Trường gửi cho chính phủ nhắc lại lần đóng băng nhà đất vào các năm 1994-1996 “đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngân hàng gặp khó khăn” và đưa ra dự đoán lần đóng băng này “có quy mô rộng lớn hơn, hậu quả cũng có thể sẽ nghiêm trọng hơn”.

Với ý kiến của Bộ Tài Nguyên Môi Trường như vừa nói và với khuyến cáo do chính Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra, các ngân hàng có đủ lý do cần thiết để từ chối không cho vay thêm, và nỗ lực hơn trong công tác đòi nợ.

Người trong cuộc nói gì?

Ông Lâm Văn Chúc, Tổng Giám Đốc Công Ty Địa Ốc Phúc Đức cho rằng quyết định của các ngân hàng đương nhiên gây ảnh hưởng rât lớn với thị trường địa ốc, vì hầu như không có doanh nghiệp nào có đủ vốn để đầu tư vào dự án, thành ra sự hỗ trợ của ngân hàng là điều cực kỳ cần thiết.

Ông Chúc cũng cho biết trong giai đoạn đầy khó khăn hiện tại, chuyện phá sản thì chưa xảy ra nhưng các doanh nghiệp đang nghĩ đến việc phải bán cổ phần của công ty để kiếm thêm vốn. Nhưng vẫn theo lời ông Chúc, điều đó cũng không dễ thực hiện.

Lời cảnh báo của Ngân Hàng Nhà Nước và quyết định của các ngân hàng thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra và thực hiện vào đúng ngay thời điểm thị trường địa ốc đang trì trệ, khiến nhiều người lo ngại tình trạng đã xấu lại trở nên xấu hơn trước.

Ảnh hưởng đến thị trường địa ốc

Ảnh hưởng đầu tiên mà ai cũng thấy là ngân hàng không muốn cho vay thêm tiền, các dự án có thể phải tạm ngưng hoạt động, và người dân chẳng dại gì bỏ tiền ra mua những căn hộ chưa xây xong.

Điều này sẽ dẫn đến cái vòng lẩn quẩn là vì không có sản phẩm để bán, doanh nghiệp sẽ không có tiền trả nợ cho ngân hàng, và rốt cuộc chính ngân hàng cũng gặp khó khăn. Khoản nợ khó đòi sẽ lớn hơn, và chuyện ngân hàng gặp khủng hoảng có thể sẽ không tránh khỏi.

Một vị Tổng Giám Đốc của một công ty địa ốc khác yêu cầu được dấu tên cũng nói với Ban Việt Ngữ chúng tôi rằng lời khuyến cáo mà Ngân hàng Nhà Nước đưa ra ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu có ảnh hưởng sâu rộng hơn, liên hệ đến các dự án xây dựng ở các địa phương khác.

Vị Tổng Giám Đốc này thắc mắc tại sao các giới chức của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam không đưa ra những biện pháp cứu nguy thị trường địa ốc, mà lại gây thêm khó khăn trong lúc tình huống vỗn dĩ đã có quá nhiều trở ngại.

Giải pháp?

Các giới chức của Việt Nam từ chối không trả lời yêu cầu được phỏng vấn mà Ban Việt Ngữ chúng tôi đưa ra, cho hay đây là một vấn đề đầy tế nhị phải đợi chỉ thị từ viên chức cao nhất.

Kinh nghiệm thu thập được từ các quốc gia trong vùng như Nhật Bản, Thái Lan hay những nước khác trên toàn thế giới từng gặp trở ngại ở thị trường địa ốc cho thấy Ngân Hàng Nhà Nước của họ luôn luôn có những bản phân tích thị trường để hướng dẫn giới đầu tư và hoạt động của các ngân hàng, trước khi đưa ra lời khuyến cáo.

Rất tiếc điều này đã được thực hiện ngược lại ở Việt Nam: Ngân Hàng Nhà Nước chỉ đưa ra lời khuyến cáo và hình như không hề hay chưa hề có một cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về thị trường địa ốc được thực hiện chính phủ thực hiện cả. Đổ lỗi cho ai bây giờ? Với các nhà kinh doanh, câu trả lời không phải là tìm người để đổ lỗi, mà phải tìm lối thoát cũng như hy vọng thị trường sẽ sống động trở lại.

Nhưng liệu thị trường nhà đất có tốt hơn hay không? Câu trả lời là không ai biết. Điều ai cũng nhìn thấy trước mắt là khi một thị trường bị trở ngại, sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến những dịch vụ khác, tạo thêm áp lực cho ước mong đạt chỉ tiêu phát triển 8,5% mà Việt Nam đã đề ra cho năm nay.

Nguyễn Khanh tường trình từ Bangkok, Thái Lan