Có hay không chuyện hàng trăm học sinh Bình Thuận bỏ học?

Ðằng Phong, phóng viên đài RFA

Mới đây nguồn tin trong nước cho biết tại tỉnh Bình Thuận, hàng trăm học sinh đã không đến trường vào niên học năm 2005–2006. Vấn đề nêu ra là các trường học và địa phương sẽ làm gì để đem các em trở lại học đường? Đằng Phong đã trao đổi với ông Võ Thành Huy, chuyên viên văn hoá xã hội của ủy ban nhân dân Bình Thuận để tìm hiểu vấn đề. Mời quý thính giả theo dõi.

0:00 / 0:00

Ở tuổi thanh niên, tâm trạng muốn trốn học không phải là một điều gì bất thường. Cúp cua ở nhà hoặc đi chơi đâu đó là một trong những kỷ niệm vui nhất của tuổi còn đi học. Nhưng hiện nay tại tỉnh Bình Thuận, hàng trăm trẻ em đã bỏ dở dang việc học để ở nhà, vì nhiều lý do như không xem trọng việc học, mặc cảm vì học yếu và phải lập lại khoá học với những bạn nhỏ tuổi hơn mình, hay là vì phải ở nhà để giúp gia đình làm kinh tế.

Chính quyền địa phương nói gì?

EducationBook150.jpg
Học sinh Việt Nam đang tìm mua sách cũ bày bán trên vỉa hè để chuẩn bị cho năm học mới. AFP PHOTO.

Báo chí trong nước cho biết năm ngoái, Bình Thuận có hơn 6.690 học sinh ở 3 cấp đã bỏ học nửa chừng. Nhưng khi hỏi thăm ông Võ Thành Huy, chuyên viên Văn Hoá Xã Hội của ủy ban Nhân Dân Bình Thuận thì ông cho rằng là tình trạng không đến nỗi trầm trọng như thế.

Ô. Võ Thành Huy: Cái số đó không có lớn, không có bao nhiêu đâu, anh ạ.

Đằng Phong: Con số đó hôm nay khoảng bao nhiêu anh có biết không?

Ô. Võ Thành Huy: Cụ thể thì tôi không có nắm được, nhưng tỷ lệ đó rất là nhỏ. Ở đối tượng là trẻ em khó khăn. Và mùa này là mùa làm kinh tế, nên là đa số muốn ở nhà để phụ giúp gia đình. Nên cũng có khó khăn. Tại địa phương hiện nay đang vận động hổ trợ về kinh phí để các cháu có điều kiện để đi học.

Tuy nhiên ông Huy cũng công nhận là có một số em đã bỏ học, dù theo ông thì con số không có bao nhiêu. Nhưng dù ít hay nhiều, chính quyền cũng phải có trách nhiệm để giúp các em bỏ học trở lại học đường. Hỏi về những kế hoạch này thì ông Huy cho biết:

Ô. Võ Thành Huy: "Song song với chương trình chính quy thì cũng có chương trình phổ cập trung học cơ sở. Nhưng chủ chương của mình là nên vận động các em ra học lớp chính thức. Chứ học phổ cập thì cũng là một hình thức tốt, nhưng nó chỉ dành cho những đối tượng quá tuổi đến trường.

Các em ngại học chung với những người nhỏ tuổi hơn mình, thì vận động nó ra lớp phổ cập để nó hoàn tất chương trình học. Còn cái chính thì các em đang trong độ tuổi đi học thì phải vận động cho các em đi ra lớp. Nói chung thì công sức mà các em góp vào cho kinh tế thì cũng không có đáng kể, cho nên khả năng của địa phương có thể hổ trợ được để các em có thể ra lớp”.

Đồng thời báo chí trong nước cho biết cụ thể là tại trung học cơ sở Tân Bình tại huyện Hàm Tân, 110 em đã bỏ học vào năm ngoái, và trong năm học mới này, các giáo viên của trường đã rất quan tâm đến vấn đề làm sao để các lớp có đầy đủ số học sinh.

Ðâu là sự thật?

Ðể tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã gọi điện thoại đến trường trung học Tân Bình, nhưng người nhân viên trả lời điện thoại có vẻ không biết gì về tình trạng vừa kể.

Đằng Phong: Allô, đây có phải là trường trung học Tân Bình không ạ?

Nhân Viên: Dạ phải.

Đằng Phong: Tôi gọi hôm nay để hỏi thăm về tình trạng tại Bình Thuận có nhiều em năm nay không trở vào lớp học đó.

Nhân Viên: Dạ.

Đằng Phong: Xin hỏi là bà có thể xác nhận thông tin đó không?

Nhân Viên: Dạ cũng không biết nữa.

Đằng Phong: Cô không biết hả?

Nhân Viên: Đâu có biết đâu!

Sự mâu thuẫn giữa những bài báo trong nước và thái độ của hai người đã được tiếp xúc về vấn đề này khiến cho chúng ta phải đặt dấu hỏi. Có phải chăng báo chí trong nước đang dựng chuyện? Hay là những người tại Bình Thuận muốn che dấu vấn đề này? Trường hợp nào cũng là một trường hợp đáng buồn cho đất nước.

Như dù sự thật nằm ở đâu, một điều biết chắc là hiện nay tại Việt Nam đang có những trẻ em phải bỏ học vì nhu cầu đời sống ép các em phải lớn lên trước tuổi, đối phó với cái thực tế trước mặt, thay vì có thể chăm chú vào việc học vấn.

Con số này ít hay nhiều thì không thể biết, nhưng cho dù chỉ có một trẻ em phải hy sinh cái tương lai để lo cho cái hiện tại, thì có nhiều người kết luận là tương lai đất nước sẽ khó tươi đẹp nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Hoa Thịnh Đốn.