Lớp học tình thương ở Vạn Đò, Kim Long, Huế
2006.02.28
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào thời mở cửa, Việt Nam càng ngày càng phát triển về mọi mặt…Từ thành thị cho đến thôn quê, đâu đâu cũng mở mang đường xá, nhà cửa, quán ăn, nhà hàng, vũ trường, khu vui chơi mọc lên như nấm. Đa số đều cho rằng, đời sống người dân được nâng cao và cải thiện. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức xã hội từ thiện ở nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhiều lớp học tình thương cho trẻ em nghèo được mở ra…Riêng ở thành phố Huế, tại khu định cư Kim Long, có một lớp học tình thương ban đêm rất đặc biệt, nguyên thủy đã được mở ra từ 30 năm qua, do một phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình phụ trách. Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay, Phương Anh xin mời quí vị nghe về lớp học này.
Cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh
Thưa quí vị và các bạn, 30 năm trước, tại khu Bến Me, bên bờ sông Hương, trước mặt Phú Vân Lâu, nổi tiếng với các tệ nạn xã hội, trong cơ sở của một hợp tác xã bỏ hoang, một lớp học bình dân học vụ ra đời, người đứng lớp là cô gái mới tròn 18 tuổi, tên Bạch Thị Ngọc Hạnh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải nghỉ học khi hoàn tất lớp 10, ban ngày làm vườn, trồng rau, ban đêm lặng lẽ tự nguyện đến lớp dậy cho bà con vạn đò đánh vần từng chữ…
Chúng ta hãy nghe chị kể lại: “Lúc đầu là dậy cho những người độ chừng 30 tuổi trở xuống, những người đó không biết chữ…Đến năm 1980, chị có hướng dậy cho trẻ em vì đa số con của những người dân Vạn Đò không biết chữ, các em phải đi lao động với cha mẹ trên thuyền, trên sông nước…
Lớp đầu tiên chỉ có 10 em thôi, các em rất muốn học nhưng không có điều kiện, vì tụi nó phải đi theo đò…Chị cũng dụ cho tụi nó ở nhà, cha mẹ của các em thấy chị đối đãi các em cũng như chị em trong nhà vậy, nên họ yên tâm, dần dần lớp học đông lên.
Hồi xưa, người dân vạn đò đi lặn, đi lấy cát sạn…các em chỉ chừng 12, 13 tuổi, nhưng các em phải đi theo đò để vừa tát nước ở trong lòng đò ra, vừa phải cào cát vào trong đôi quang gánh lên bờ đổ…”
Lúc đầu là dậy cho những người độ chừng 30 tuổi trở xuống, những người đó không biết chữ…Đến năm 1980, chị có hướng dậy cho trẻ em vì đa số con của những người dân Vạn Đò không biết chữ, các em phải đi lao động với cha mẹ trên thuyền, trên sông nước…
Năm 1984, chị lập gia đình, vì hai vợ chồng cùng nghèo nên dựng một căn chòi ở một thửa đất thuộc công viên Phú Văn Lâu. Ngày ngày, chồng theo con bò kéo xe cải tiến để chở hàng thuê, chị thì làm vườn, trồng rau, khoai, môn…Sau một năm gián đoạn, thấy con em của các gia đình vạn đò vẫn không có một ai dậy chữ, chị lại tình nguyện dành thời gian ban đêm của mình cho các em.
Thế là lớp học tình thương ở khu nhà kho ẩm mốc của hợp tác xã lại vang tiếng đánh vần mỗi đêm. Năm 1995, sau 20 năm dậy cho trẻ em và người lớn ở khu vạn đò, cùng với những gia đình khác, vợ chồng con cái chị, theo diện giải toả, đến định cư ở phường Kim Long, chị nói:
“Khi khu dân cư ở bờ sông Hương giải tỏa, họ cấp cho 100 mét vuông đất, và chị dùng sân nhà của chị để dậy khoảng 3, 4 chục em… Nhưng thời gian sau, vì đông quá, nên chị mượn nhà dân để dậy. Từ năm 2000 cho đến bây giờ thì có một trường tiểu học, mình xin ra trường dậy, và có một dự án Plan nhảy vào.
Dự án này hễ nơi nào có trường, có lớp tình thương thì họ đầu tư, cho một số sách vở, nhưng nhu cầu quá cao, bắt buộc mình phải dậy giống như chương trình học phổ thông chính qui vậy. Tổ chức Plan này thông qua Uỷ Ban Dân Số Gia Đình của tỉnh. Từ năm 2000 đến 2002, mỗi giáo viên được 300 ngàn nhưng đòi hỏi phải dậy đúng 12 tháng, nhưng chỉ nhận lương 9 tháng thôi…Từ năm 2003 đến nay thì lên được 400 ngàn, còn về các em thì họ cho sách vở…”
Cuộc sống của người dân vạn đò
Khi hỏi thăm về cuộc sống của người dân vạn đò sau khi tái định cư và ý kiến của họ về vấn đề giáo dục, chị cho hay:
“Dân vạn đò đời sống ở trên sông nước, bây giờ cấp đất cho họ làm nhà, đời sống của họ bị thay đổi một cách quá đột ngột, nên cuộc sống của họ còn nhiều bấp bênh. Họ phải lên nhà ở mà ruộng vườn thì không có, đất đai bị thu hồi để làm nhà hết rồi…
Họ vừa đi đánh cá, vừa làm cát sạn, lên bờ, họ bị thay đổi hết, họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Có một số gia đình được xoá đói giảm nghèo, được mượn vốn làm ăn, nhưng chỉ có vay được một, hai triệu thì không cách chi mà làm được hết…
Thí dụ như bà con mượn vốn để làm cát sạn, nhưng họ phải mua dầu, đóng đò…thì một, hai, triệu đi một cái vèo…Cát sạn đổ lên bãi, bãi lại nợ lại, nên họ lại đi vay vốn để ăn, nợ này lại chồng lên nợ kia…lại trắng tay. Nhà nước không đời nào cho vay nhiều…nếu anh muốn vay 5 triệu, thì trong người anh phải có 3 triệu.
Dân vạn đò đời sống ở trên sông nước, bây giờ cấp đất cho họ làm nhà, đời sống của họ bị thay đổi một cách quá đột ngột, nên cuộc sống của họ còn nhiều bấp bênh. Họ phải lên nhà ở mà ruộng vườn thì không có, đất đai bị thu hồi để làm nhà hết rồi…
Hiện tại, bà con ở đây có phương tiện làm ăn, nhưng nguồn vốn lại eo hẹp. Một số phụ huynh họ không muốn cho con đi học vì dân đò họ cần con cái của họ để đi phụ…Ban ngày các em đi làm cát sạn, đi lượm chai bao, một số em phải làm thuê, làm mướn… nên họ cho rằng không cần học, học cũng tốt, mà không học cũng được.
Có một số em học rất được, mình đi xin các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho các em hoà nhập vào lớp ban ngày, một số phụ huynh thì đồng ý, một số thì không…Nhưng các em nào muốn học quá, thì chị tìm cách vận động gia đình…” Hiện tại, lớp học tình thương của chị có tới 60 em, chia làm 3 cấp lớp: lớp Một, lớp Bốn và lớp Năm, và chỉ duy nhất có một thanh niên, 23 năm trước, từng là học trò của chị, đến tình nguyện giúp chị một tay. Chị nói:
“Không có ai hết, hoàn cảnh của mình cũng nghèo, nhưng không đặc biệt quá, ban ngày thì đi canh tác, trồng rau, trồng khoai, vừa bán, vừa đi làm, tối thì có thời gian đi dậy. Có những người hỏi chị là một tháng được bao nhiêu? Chị nói là trước đây thì không có gì hết, còn bây giờ hợp đồng với dự án Plan, không biết khi nào họ cắt, và trước mắt lương chỉ có thế thôi…
Có những người nói: làm như vậy mà đêm mô nào cũng đi…nên cuối cùng chị không dám hỏi ai giúp nữa. Có một người ở bên Mỹ, Tết vừa rồi có gửi về cho các cháu 50 dollars, học trò thì 60 chục em, nên chị chỉ biết mua mũ len cho các em đội trong mùa giáng sinh vừa rồi.”
Tâm sự của các phụ huynh
Với anh Linh, năm nay 42 tuổi, trước đây cũng từng đến lớp tình thương, nhưng vì gia đình quá cực khổ, phải ngưng, theo cha mẹ đi đò tát nước, cào cát…Rồi lớn lên, lập gia đình và hiện có hai con nhỏ đang theo học nơi cô Hạnh, tâm sự:
“Em sống ở vạn đò, em làm nghề xúc cát, xúc sạn…ngày kiếm chẳng được bao nhiêu…Chi phí không đủ, cho con đi học trường thì không có ai làm…nên gửi con cho cô Hạnh để cho nó được chừng nào thì hay chừng đó.”
Chị Tôn Thị Dung, năm nay 25 tuổi, hiện đang sinh sống ở khu tái định cư cho hay:
“Lúc đó gia đình rất khó khăn, em không biết chữ, và nhờ cô Hạnh, em học tới lớp 6, sau đó theo bố mẹ đi làm ăn. Hiện nay, tuy gia đình khó khăn, nhưng vợ chồng em cũng ráng cho con đi học, tới trường tới lớp. Em thấy cô Hạnh là một người hiếm có, luôn có tình thương cho các em nhỏ, giúp cho các em biết chữ…”
Mời quý vị tham gia mục Câu chuyện hàng tuần. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Mong ước của học sinh
Anh Nguyễn Hồng Lâm, người học trò cũ, nay quay trở lại tình nguyện giúp cô Hạnh nói:
“Năm 9 tuổi, em đâu có biết chữ mô, nhà không có tiền, biết cô Hạnh mở lớp, nên ba mẹ cho em đến học. Em học nơi cô Hạnh hếp lớp 6, sau đó, được đưa lên học hết lớp 12, rồi nghỉ học và học nghề chụp ảnh, và rồi học photocopy, vi tính và bây giờ đi làm thuê cho người ta, mỗi tháng kiếm được 500 ngàn …
Buổi đêm, em đi dậy thêm giúp cho cô, em nghĩ là trước kia, em cũng khổ, nhờ cô mà em biết chữ, nên em phải giúp lại cho mấy em. Những người vạn đò vì không hiểu biết, nên không cho các em đi học…và hoàn cảnh của họ cũng khó khăn nên không thể cho các em đi học được, vì đi học thì nộp một khoản tiền rất nhiều.”
Được hỏi anh có mong ước gì cho lớp học tình thương của cô Hạnh, anh nói: “Có nhiều lắm, những em học ở lớp này không được đủ điều kiện…Thực chất lớp này xoá được mù chữ thì rất tốt…Nhưng có lẽ điều đó là hi hữu, vì đa số những người đi học lớp tình thương ban đêm là lớn tuổi, có những anh 20 tuổi rồi mới đang học lớp một.
Những người lớn như vậy cũng phải biết chữ vì hiện nay, ra ngoài xã hội thì phải biết chữ, không nhiều thì biết ít, để tránh những tình trạng bị lừa gạt, vì thủ đoạn lừa gạt hiện nay rất tinh vi…những thông tin cũng đăng trên báo, nhưng họ không cầm được tờ báo mà đọc.
Điều kiện vật chất ở lớp tình thương còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, ví dụ như sách vở, viết…đôi lúc các em dùng lại mà nhàu nát hết, có chữ còn, có chữ mất..
Học sinh phổ thông thì 4, 5 cuốn vở, còn lớp tình thương thì chỉ có 1 cuốn vở mà chia ra nhiều môn học, nên rất khó khăn cho việc giảng dậy của cô. Em chỉ mong sao các em đi học ở lớp tình thương này cũng được hưởng tiêu chuẩn như các em bình thường ở các lớp học phổ thông khác và người dân vạn đò cho các em đi học đúng tuổi.”
Thưa quí vị, với em Tuấn, 13 tuổi, đi theo cha làm nghề xúc cát ở trên sông nước từ một, hai giờ sáng đến 3, 4 giờ chiều mới về đến nhà. Tuy mệt mỏi, nhưng vẫn ao ước được đến lớp mỗi đêm về.
Chúng ta hãy nghe em kể mong ước thật nhỏ nhoi của em: “Em đang học lớp một, em học cô Hạnh hai năm rồi, em biết đọc biết viết, em biết coi truyện tranh nữa…Em rất thích đi học, thích có đầy đủ sách vở và áo quần để đi học.”
Thưa quí vị và các bạn, vừa rồi là câu chuyện về lớp học tình thương của cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh, người đã tự nguyện, miệt mài, lặng lẽ với ước mơ trẻ em vạn đò được biết đọc, biết viết và được hội nhập vào lớp học phổ thông.
Mong sao, trong một ngày không xa, ước mơ bình thường của cô cùng các em vạn đò sẽ biến thành hiện thực. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Tổng giám đốc trường SITC bị bắt tại Ðài Loan
- 5 học sinh tự tử, hồi chuông cảnh báo về tâm lý
- Trung Tâm Phân Tích ADN và công nghệ di truyền ở Việt Nam
- Hiện tượng thanh thiếu niên rủ nhau tự tử tập thể
- Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (phần 2)
- “Sống lâu lên lão làng”, căn bệnh của nền hành chính Việt Nam
- Bệnh “sống lâu lên lão làng”
- Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (Phần 1)
- Hàng ngàn học viên bị thiệt hại sau khi trường SITC đóng cửa
- ‘Chợ Người’, những mảnh đời bị rao bán ở Việt Nam
- Hàng ngàn học viên bị lừa gạt qua vụ sập tiệm của các trường ngoại ngữ SITC
- Xem bói ngày Tết
- Nhiều bé gái Việt Nam bị bán sang các động mãi dâm ở Cambodia
- Không còn tình trạng Tây balô dạy Anh văn ở Sài Gòn
- Hoạt động của tiệm cầm đồ vào dịp năm hết Tết đến
- Biếu xén trong dịp Tết của người Việt ở trong nước
- Phản ứng của học sinh và giáo viên về việc bãi bỏ quy chế điểm thưởng
- Hệ thống điểm thưởng cho học sinh giỏi Việt Nam sắp được quyết định
- Các em cô nhi thành phố Hồ Chí Minh hưởng Tết như thế nào?
- Vấn đề xin con nuôi ở Việt Nam