Hướng nhìn mới về Nghị định thư Kyoto


2005.03.02

Mai Thanh Truyết

Như tất cả chúng ta đều hay là Quốc hội Nga Sô phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vào tháng 10/2003. Cùng với sự phê chuẩn này, Nghị định thư đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận với tỷ lệ 62%.

Xe đang chạy trên một đoạn đường ở thành phố Miami, Florida, hôm 16-2-2005. AFP PHOTO /Roberto SCHMIDT >>See larger image

Do đó, Nghị định thư này sẽ trở thành luật vào ngày 16/2/2005 theo quyết định của LHQ. Hoa Kỳ, cho đến nay, vẫn không chấp nhận Nghị định thư này.

Nếu đi vào áp dụng, các quốc gia trên thế giới phải giảm lượng thán khí thải hồi vào không khí 8% vào năm 2012, so với định mức thải hồi vào năm 1990. Trên chương trình Tạp chí Khoa học & Môi trường, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã từng chia xẻ vần đề này nhiều lần trong thời gian qua.

Hỏi: Hôm nay, chúng tôi xin trở lại với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết về vần đề này. Trước hết Tiến sĩ có thể tóm tắt cho thính giả của Đài ACTD biết lý do chính tại sao Hoa Kỳ vẫn không chịu phê chuẩn Nghị định thư Kyoto.

Đáp: Ngay từ khi bảng dự thảo Nghị định thư ra đời năm 1997, Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối về định mức trách nhiệm khí CO2 thải hồi vào không khí cho Hoa Kỳ là 36% vì Hoa Kỳ đã sản xuất 36% tổng sản lượng trên thế giới ở năm này, Ấn Độ, tung Quốc, và hơn 100 quốc gia đang phát triển khác đều được miễn trách nhiệm làm cho tòan cầu nóng dần.

Vào năm 2001, chính Tổng thống Bush đã công bố sau khi tham khảo với các tính toán mới của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ là Hoa Kỳ chỉ chịu trách nhiệm 21% lượng khí thải vào không khí mà thôi. Chính Trung Quốc và Ấn Độ, là hai quốc gia có mức phát triển nhanh nhất thế giới trong khoảng 5 năm trở lại đây phải chịu trách nhiệm lần lượt là 7% và 5%.

Hỏi: Như vậy thì Nghị định thư đang đi vào bế tắc mặc dù đã đưiợc trên 55% tổng số các quôc gia thông qua và đã thành luật vào ngày 16/2 sắp tới, phải không thưa Tiến sĩ?

Đáp: Hiện tại, trên nguyên tắc, các quốc gia của Cộng đồng chung Âu Châu và Nga Sô vẫn căn cứ vào các điều luật trong Nghị định thư và có những bước thi hành. Các cơ sở nào có kế hoạch giảm thiểu khí CO2 so với định mức của năm 1990 thì có thể bán lượng khi này qua các cơ sở có kế hoạch sản suất nhiều hơn.

Trong lúc đó Hoa Kỳ tuy không tuân thủ Nghị định thư nhưng từ lâu đã có kế hoạch làm giảm lượng CO2 vào không khí trong công cuộc phát triển quốc gia. Quan điểm của Hoa Kỳ về định lượng mức thải hồi CO2 vào không khí khác hơn quan điểm của Nghị định thư.

Hỏi: Tiến sĩ vừa nói cácquốc gia trong cộng đồng Âu Châu đã làm dịch vụ buôn bán khí CO2 là thế nào? Xin Tiến sĩ nói rõ hơn?

Đáp: Thưa anh, lấy thí dụ một công ty A theo ước tính của Nghị định thư vào năm 1997 đã phóng thích ra 10 triệu tấn khí CO2 vào không khí. Như vậy cho đến năm 2012, công ty này chỉ phóng thích tối đa là 9,2 triệu tấn CO2 mà thôi (giảm 8%).

Tuy nhiên nếu hiện tại công ty này chỉ phóng thích 7 triệu tấn hàng năm thì họ có thể bán ra 2,3 triệu tấn cho công ty nào sản suất cao hơn định mức ban đầu. Hiện tại dịch vụ mua bán khí thải này đã lên đến 3 tỷ Mỹ kim cho năm 2004 với giá cả 1 tấn CO2 là 7 Mỹ kim.

Trong lúc đó Hoa Kỳ đặt tiêu chuẩn trên một nguyên lý khác là dựa theo tính hữu hiệu và bảo tồn năng lượng trong việc sản xuất cũng như việc xử dụng năng lượng tái tạo để từ đó định mức khí thải vào không khí. Từ nguyên tắc trên, Hoa Kỳ cố gắng làm cho chi phí về năng lượng trong sản xuất cùng một số lượng thành phẩm ngày càng giảm dần.

Điều này có nghĩa là với cùng một số năng lượng đã tiêu dùng trong năm 1990, lượng sản phẩm vật chất góp phần vào thế giới sẽ nhiều hơn. Đó là quan điểm của Hoa Kỳ trong việc giảm thiểu tiến trình hâm nóng toàn cầu.

Thí dụ như Cty Dow Chemical đã giảm mức CO2 thải hồi từ 28 triệu m3 trong năm 1994, còn 26 triệu trong năm 2002. Trong lúc đó mức sản xuất sản xuất ra tăng 50% trong thời gian này. Thiết nghĩ quan điểm của Hoa Kỳ có vẻ thực tế hơn các luật định trong Nghị định thư Kyoto.

Hỏi: Vì lý do gì mà Tiến sĩ có kết luận vừa rồi?

Đáp: Thưa anh, thật giản dị. Xin nhắc lại là hàng năm, căn cứ theo Nghị định thư thì dịch vụ buôn bán trao đổi CO2 lên đến 7 tỷ ở các quốc gia Âu Châu. Ngay chính điều này đã nói lên tính cách không hợp lý của vấn đề.

Chúng tôi lấy thí dụ, nếu cty A được quy định cho phép thải hồi 1 triệu tấn CO2 trong năm 2005. Nhưng trong năm này. vì một lý do gì đó, không sản xuất. Do đó họ có thể bán định mức này cho một cty khác. Và cty A này dù không làm gì cả cũng được hưởng lợi là 7 triệu Mỹ kim.

Hỏi: Như Tiến sĩ vừa nói thì Hoa Kỳ đã có tầm nhìn khác về vấn đề giải quyết sự hâm nóng toàn cầu, trước hết xin Tiến sĩ nói rõ ra thêm cho thính giả về quan điểm của Hoa Kỳ trong vấn đề này.

Đáp: Thưa anh, Ủy hội Quốc gia về Chính sách Năng lượng (National Commission on Energy Policy) mới vừa thành lập cách đây 3 năm. Ủy hội vừa đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ một chiến lược mới về chính sách năng lượng gồm 148 trang.

Trong chính sách này nhiều vấn đề được lưu tâm đến như: sự thay đổi thời tiết, các khí thải nhà kính, tính hữu hiệu trong việc xử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo cùng những loại năng lượng đang dùng. Nói chung, Ủy hội, một tập trung trí tuệ của nhiều nhà khoa học do William và Flora Foundation tài trợ, có mục đích nhấn mạnh quan điểm đúng đắn trong việc xử dụng năng lượng theo phương hướng bảo tồn, tính hữu hiệu, và năng lượng tái tạo.

Hỏi: Định hướng trên có vẻ thích hợp với chiều hướng toàn cầu, Tiến sĩ có thể đi vào một vài chi tiết hay không?

Đáp: Trước hết Ủy hội đề nghị đồng thời với việc khai triển thành quy mô công nghệ những năng lượng tái tại như năng lượng mặt trời, gió, rác, và thủy triều cùng sóng biển. Các loại năng lượng này cần phải được đầy mạnh vá áp dụng theo quy mô lớn càng sớm càng tốt.

Đối với công nghệ than đá, hiện nay Hoa Kỳ đang khai triển kỹ thuật biến than thành khí và từ khí chuyển thành điện năng. Với kỹ thuật này, công nghệ than sẽ giảm thiểu lượng khí CO, CO2 vào không khí rất nhiều.

Hỏi: Ủy hội có ý kiến gì về các dịch vụ buôn bán khí thải hồi CO2 của cộng đồng chung Âu Châu hay không thưa Tiến sĩ?

Đáp: Dạ có thưa anh. Chính vì chính sách bất hợp lý của vấn đề buôn bán chúng tôi vừa trình bày trên, Ủy hội khuyến cáo lên Quôc hội đề nghị là cho đến năm 2010, các cơ sở sản xuất phải giảm thiểu định mức lượng khí thải vào không khí. Định mức này dựa theo: lượng số tấn khí thải so với mức tăng trưởng lợi tức quốc gia, chứ không lấy quy định do Nghị định thư Kyoto đề ra là giảm 8% tổng số lượng khí thải vào năm 2012 so với mức ở năm 1990.

Nếu Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn chiến lược này thì Hoa Kỳ có thể giảm lượng khí thải 1,8% hàng năm so với tổng lượng khí thải của năm 1990, và lợi tức quôc gia vẩn tiếp tục tăng tối thiểu 3% hàng năm. Ủy hội còn nhấn mạnh là định mức phải trở thành luật chứ không là một định mức tự nguyện như trước đây nữa.

Hỏi: Thưa Tiến sĩ, thế giới đã lưu tâm nhiều đến sự hâm nóng toàn cầu, Việt Nam có tham gia vào chương trình này của Nghị định thư Kyoto hay không?

Đáp: Như đã nói ở phần trên, ngay khi Nghị định thư biến thành luật, Ấn Độ và Trung Quốc, cùng hơn 100 quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam được miễn thi hành luật này. Tuy nhiên Việt Nam cũng đã phê chuẩn luật vào ngày 25/9/2002. Câu hỏi Việt Nam có tham gia vào chương trình này hay không quả thật chúng tôi không biết.

Tuy nhiên, qua thông tin và báo chí bên nhà đăng tải nhiều tin tức về tình trạng bịnh về đường hô hấp của cư dân ở các thành phố lớn tăng cao gần đây dựa theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam. Cũng như phẩm chất không khí ở những nơi này cũng được báo cáo là bụi bặm, các khí thải độc hại cao hơn định mức gấp nhiều lần, và dân chúng khi di chuyển đều phải mang “khẩu trang”.

Những điều trên đây chứng tỏ rằng Việt Nam chưa lưu tâm đến Nghị định thư Kyoto. Thêm nữa sự hiện diện của trên 30.000 cơ sở sản xuất trong Tp HCM hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải đã nói lên sự góp phần của Việt Nam vào hiện tượng hâm nóng toàn cầu rồi.

Tuy nhiên, nhân ngày ban hành Nghị định thư Kyoto 16/2 vừa qua, Ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục bảo vệ Môi trường đã tuyên bố rằng: "Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia vào quá trình ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu toàn cầu mà không phải xử dụng đến những biện pháp mạnh có thể tác động đến quà trình phát triển kinh tế."

Và Ông còn nói thêm là: "Việt Nam có thể tính trước ngưỡng cũa phát thải khí nhà kính để chủ động nhập những công nghệ sản xuất thích hợp, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát hiệu quả lượng khí thải nhà kính.” Theo lời Ông THHà, cơ hội để Việt Nam tham gia vào sự hâm nóng toàn cầu là gì? và làm cách nào để Việt Nam có thể tính trước được lượng khí thải nhà kính? Thiết nghĩ hai câu hỏi trên phải còn mất nhiều năm trước khi Việt Nam có thể trả lời xuyên suốt được.

Hỏi: Như vậy để kết luận, Tiến sĩ có ý kiến như thế nào về vấn đề này đối với Việt Nam?

Đáp: Thưa anh, nhân dịp đầu năm Ất Dậu, Thủ tướng Việt Nam hiện tại, Ông Phan Văn Khải có tuyên bố là: "Mỗi Việt kiều là một đại sứ kinh tế, cũng như chính phủ Việt Nam cần đến ý kiến của Việt kiều”. Nhưng với Nghị quyết Bảo vệ bí mật quốc gia về

Môi trường ký vào tháng 10/2003, thử hỏi làm thế nào để cho một Việt kiều làm đại sứ kinh tế, hay góp ý kiến về những sai trái trong việc quản lý Đất Nước trong phát triển và bảo vệ môi trường mà tránh khỏi vi phạm luật Bảo vệ quốc gia.

Chúng tôi nghĩ với tư duy hiện tại của lãnh đạo Việt Nam, Đất Nước sẽ không mở đủ để hội nhập và hấp thụ tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới.

Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.