Nguồn lợi thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ cạn kiệt


2006.11.04

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Vùng ven biển Trà Vinh thuộc các huyện Cầu Ngang và Duyên Hải trong mấy năm gần đây rộ lên phong trào đi săn bắt các loại cua, sò nghêu và cá kèo giống. Những lọai hải sản này sinh sôi nẩy nở tại các bãi bồi ven biển nơi rừng phòng hộ được phục hồi.

Tuy nhiên do việc khai thác bừa bãi như hiện nay, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản này là một điều không thể nào tránh khỏi trong thời gian tới nếu không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

FishFarmer150.jpg
Ruộng cá ở Việt Nam. AFP PHOTO.

Sự việc không phải chỉ xảy ra tại Trà Vinh mà còn tại các tỉnh khác thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nữa. Trường Văn có bài tường trình sau đây về tình trạng này.

Chuyện xảy ra ở Trà Vinh

Vùng bãi biển thuộc xã Mỹ Long Nam huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là nơi sinh sôi nẩy nở của lòai cua biển được người tiêu thụ ưa thích và có gia cao. Do đó thương lái các nơi tụ hội về đây để mua cua giống bán cho các hộ nuôi ở các tỉnh ven biển.

Cung cấp cua giống là dân nghèo xóm biển Mỹ Long Nam, những người không có đất cũng như không có đủ tiền để mua sắm thuyền bè làm ăn ngòai biển xa. Từ trẻ em cho đến phụ nữ, nếu chịu khó lặn lội dưới bùn đen và nước mặn là có thể kiếm được mười lăm, hai mươi ngàn đồng một ngày.

Một người dân tại đây cho biết: “Mỹ Long Nam là vùng bãi, bần trồng lên nên cua đến làm hang làm ổ rồi người ta bắt cua nhỏ có lọai bằng như chân nhang, lớn hơn một tí hoặc bằng đầu đủa, bán 500 đồng hay 1000 đồng con tùy theo lớn nhỏ. Có khách hàng, mối đến đặt hàng và mua mang đi các tỉnh.”

Tại huyện Duyên Hải, ngòai việc bắt cua giống, cư dân còn phát triển thêm việc bắt cá kèo và nghêu, sò huyết giống nữa. Do nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường, các thương lái từ các tỉnh khác như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bặc Liêu đến thu mua. Giá cả một kí cá kèo giống lên xuống từ 150 ngàn cho đến 600 ngàn đồng tùy theo thời điểm.

Do việc khai thác tràn lan như vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Trà Vinh lo ngại là một ngày không xa, các lòai hải sản này sẽ bị cạn kiệt.

Tuy nhiên việc cấm khai thác hết sức khó khăn vì đa số tham gia đánh bắt là dân nghèo, không đất đai sản xuất cũng như không có một nghề nghiệp nào khác cả: :Cấm không được vì dân ở Mỹ Long Nam nghèo nàn, thuộc thành phần con cán bộ, gia đình liệt sĩ, cách mạng. Họ làm liều mạng , không có ăn phải làm thôi, giữ đầu này, đầu kia họ làm, đâu có thể bắn giết họ được, chỉ ra giáo dục thôi. Đợt mấy năm rồi sò huyết sò con cũng không giữ được.”

Một cư dân ở huyện Duyên Hải cũng có ý kiến: “Mấy người đi bắt là những ngườii không có đất đai mới đi bắt. Những người có đất đai họ nuôi tôm, nuôi cua. Đất cát của nhà nước mấy ổng tăng thuế nên làm ăn cũng khó khăn lắm.”

Nguy cơ cho cả một vùng sông nước

Không chỉ tại Trà Vinh mà các tỉnh khác thuộc vùng ĐBSCL, nguồn thủy hải sản càng ngày càng sụt giảm trầm trọng.

Một người dân thuộc huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang phát biểu: “Dưới sông bây giờ im phăng phắc, không có một tiếng động của con cá. Con rắn, những con có lợi, con ếch con cóc người ta bắt hết chỉ còn con sâu con bọ thôi>”

Một cư dân thuộc huyện Phụng Hiệp tỉnh Cần Thơ cũng đồng ý với nhận xét này: “Giờ bằng đầu đủa bị triệt bằng lưới, bằng điện. Hồi tôi mới ở Cà Mau lên cách đây muời mấy năm ở dưới sông mò một lát ăn không hết, bây giờ không có cá mà mò. Hồi đó bắt mười bây giờ không được một. Cá hết rồi, giăng câu, giăng lưới cũng không có nữa.”

Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên đồng thời với việc nâng cao đời sống của dân nghèo là một vấn đề lớn cần phải có sự đầu tư về trí tuệ và công sức của các nhà kinh tế và khoa học.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.