Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 1 tháng 2 vừa qua, chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng một điều luật trong đó qui định toàn bộ công dân thành phố, nhất là những nhân viên bán hàng, phải có thái độ lịch sự và tươi cười với khách hàng.

Điều này khiến chúng ta không khỏi liên tưởng tới tình trạng ở Việt Nam, khi người dân có nhu cầu tiếp xúc với những người có trách nhiệm trong công việc hành chánh, giấy tờ. Đa số họ đều có khuôn mặt lạnh lùng và thái độ quan liêu.
Chẳng hạn, một nơi từng được phê phán là có thái độ “mặt lạnh như tiền”, không hề có nụ cười trên môi bao giờ, là cửa khẩu hải quan. Vào thời mở cửa, hội nhập với thế giới, nhà nước đã và đang cố gắng chấn chỉnh, sửa đổi, bỏ thái độ quan liêu, ra nghị định với các cán bộ có thẩm quyền phải có sự đối xử hoà nhã, lịch sự khi tiếp xúc với người dân.
Thái độ lạnh lùng
Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin mời quí vị nghe ý kiến của một số người dân ở TPHCM, và của một người Việt Kiều vừa mới về Việt Nam thăm nhà, về thái độ của những người làm trong các cơ quan của nhà nước ra sao khi tiếp xúc với dân.
Trước hết, anh Cao Văn Thành, một giám đốc công ty tư nhân về xây dựng ở TPHCM cho biết rằng, hiện nay, khi phải đi xin giấy phép, hay đến các cơ quan liên hệ thì các nhân viên vẫn còn giữ thái độ rất quan liêu. Anh cho hay rằng cứ 10 vụ anh phải đi liên hệ thì: "Có tới 7 vụ lạnh lùng rồi. Hồi xưa, thái độ quan liêu rõ lắm, nhưng bây giờ cũng bớt chút đỉnh rồi. Cũng có lúc người ta gắt gỏng nhưng thái độ hoà nhã thì cũng vẫn ít lắm…"
Một chị tiểu thương khác, buôn bán ở chợ Tân Định, thì nói rằng khi có việc đến các cơ quan nhà nước thì luôn luôn phải biết cách, việc gì nhỏ hay to cũng vậy, tốt nhất là phải “biết điều” với các nhân viên thì mới xong việc. Chị nói:
Cũng tuỳ, khi làm giấy tờ đến Ủy Ban thì khác, có “Bác”( tiền) dẫn đường thì thái độ người ta sẽ khác! (cười) Hầu hết như vậy, nhưng đỡ hơn lúc trước…họ không lộ rõ lắm. Chẳng hạn như đến làm giấy khai sinh, hay giấy tờ nhà…thay vì người ta chỉ chị phải làm phần A, phần B ở chỗ nào, thì người ta không chỉ, chỉ lên quận, thay vì phải làm ở phường, phường thì chỉ lên quận…
“Cũng tuỳ, khi làm giấy tờ đến Ủy Ban thì khác, có “Bác”( tiền) dẫn đường thì thái độ người ta sẽ khác! (cười) Hầu hết như vậy, nhưng đỡ hơn lúc trước…họ không lộ rõ lắm. Chẳng hạn như đến làm giấy khai sinh, hay giấy tờ nhà…thay vì người ta chỉ chị phải làm phần A, phần B ở chỗ nào, thì người ta không chỉ, chỉ lên quận, thay vì phải làm ở phường, phường thì chỉ lên quận…thì cứ đi tới đi lui hai nơi đó, đến khi nào mà gặp người biết, thì họ sẽ chỉ đi đúng, hoặc là có “Bác” thì sẽ đúng đường hơn.”
Khi hỏi thăm chị về thái độ của những nhân viên nhà nước, liệu có thân mật, cởi mở với dân chúng hay không? Chị cho hay:
“Cũng còn hách dịch..Họ có đường dây nóng ở mỗi Ủy Ban, gọi vào đường dây nóng thì tạm thời lắng lại thôi, chứ sau đó thì vẫn đâu vào đó. Dân thì muốn yên để người ta làm cho xong giấy tờ, chứ ít có người mà muốn nói lên điều đó.”
Chính quyền cấp địa phương cởi mở hơn
Theo lời của ông Năm, ở Gò Vấp, thì bây giờ, việc xin giấy tờ cần thiết tại chính quyền địa phương cũng giảm thiểu được nhiều thời gian, không còn phải chờ đợi như lúc trước, nhưng thái độ cởi mở hay không thì tùy còn phải theo người. Ông nói:
“Độ rày làm việc cũng tích cực hơn lúc trước…Thái độ thì tùy theo mấy ông ở xã. Năm nay thì có vẻ tích cực hơn mấy năm trước…”
Riêng với anh Minh, ở đường Lý Thường Kiệt, chủ nhân của một cơ sở dệt, thì cho biết rằng các nhân viên ở cấp chính quyền địa phương tương đối cởi mở, nhưng khi đi lên cấp cao hơn thì lại khác. Anh kể rằng, có một lần, theo giấy hẹn, anh đi đóng thuế, phải ngồi chờ hơn 4 tiếng đồng hồ, phải làm “căng” với nhân viên thụ lý hồ sơ mới được giải quyết để nộp tiền thuế. Anh nói:
“Theo tôi thì tùy nơi, tuỳ chỗ, ở ngay địa phương tôi thì nhân viên của phường rất vui vẻ, dễ chịu…Nhưng đi lên quận thì khác. Hôm đó tôi đi đóng thuế, có lẽ do áp lực công việc hay sao đó nên thái độ, cử chỉ, lời nói của người ta cũng không được tốt, cứ y như ra lệnh cho tôi vậy.
Tôi mất thời gian chờ đợi lâu lắm, nên đề nghị xem lại hồ sơ, vì tôi đến từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, gần giờ nghỉ mà tôi vẫn chưa được đóng tiền…Nhưng cô tiếp nhận hồ sơ thì cứ nói là không biết, và cứ phải chờ, không cho hỏi.”
Theo tôi thì tùy nơi, tuỳ chỗ, ở ngay địa phương tôi thì nhân viên của phường rất vui vẻ, dễ chịu…Nhưng đi lên quận thì khác. Hôm đó tôi đi đóng thuế, có lẽ do áp lực công việc hay sao đó nên thái độ, cử chỉ, lời nói của người ta cũng không được tốt, cứ y như ra lệnh cho tôi vậy.
Lần khác, anh đi nộp tiền phạt giao thông theo đúng qui định. Đến nơi, mới hay rằng: để đỡ mất thời gian và không bị nhân viên đối xử hoạch hoẹ, thì phải biết cách ngoại giao, anh kể:
“Tôi đi nộp phạt giao thông thì phải có người giới thiệu mới được nhanh nhẹn, dễ dàng… Còn cứ đi thẳng vào thì thế nào cũng bị xếp bỏ đó, đến khi hỏi thì sẽ bị trừng mắt..đối xử rất quan liêu.”
Ngoài ra, anh cũng cho biết rằng, cách đây không lâu, anh đã đọc được một tờ báo trong nước có đăng tin chính quyền Bắc Kinh mới ban hành luật cười. Về điều này, anh phát biểu: "Mới đây, tôi được biết ở bên Trung Quốc có ra một điều luật cho tất cả cán bộ, công an, khi tiếp xúc với dân chúng phải theo luật gọi là "luật cười"…có sự gần gũi với dân chúng. Tôi nghĩ là ở đâu cũng thế thôi, nụ cười là 10 thang thuốc bổ, huống hồ nhà nước Việt Nam mình sao y bản chính, hay sửa đổi đôi chút chính sách của Trung Quốc, bao lâu nay tôi sống dưới chế độ này nên cũng chẳng lạ gì chuyện ấy…
Nhà nước mình cũng có công văn chỉ thị cán bộ công an phải có thái độ lịch sự, hoà nhã hơn, thì hy vọng những người đại diện cơ quan chính quyền của nhà nước áp dụng sớm chứng nào thì tốt chừng ấy. Xét cho cùng, cán bộ hay công an cũng là người bình thường thôi, nếu họ có thái độ thân thiện thì người dân cũng thoải mái khi có chuyện cần đến gặp.”
Khó khăn lắm
Đó là một số ý kiến của người dân ở trong nước. Riêng đối với ông Huy, hiện đang sinh sống ở thành phố Houston, bang Texas, vừa mới về Việt Nam thăm gia đình thì cho rằng để có được sự hoà nhã, nụ cười thân thiện của những người làm việc trong các cơ quan chính quyền nhà nước, hay bệnh viện đi chăng nữa, thì thật là khó khăn lắm. Ông nói:
“Chắc là còn khó lắm và lâu lắm mới có được như mọi người mong đợi. Tôi nghĩ là do đời sống xã hội tác động lên mỗi một con người, không riêng gì hải quan, mà các cơ quan công quyền, những nơi giao tiếp với người dân, vì trong một hệ thống chính trị lâu ngày quen thái độ cứng nhắc như thế…
Đến khi bây giờ mở cửa tiếp xúc với bên ngoài thì đòi hỏi phải có thái độ thân thiện, nhất là những người có công tác giao dịch, tiếp xúc với mình thì họ chưa quen việc nở một nụ cười để những người tiếp xúc cảm thấy thoải mái, dễ dàng trao đổi công việc…bên lãnh vực hành chính, bệnh viện, cơ quan đều như nhau.
Chính phủ cũng đang cố gắng chấn chỉnh và sửa đổi nhưng mà còn lâu lắm, phải đào tạo, giáo dục từ nhà trường, phải huấn luyện từ ngành nghề, chuyên môn riêng, không thể nào một sớm một chiều mà có được.”
Chắc là còn khó lắm và lâu lắm mới có được như mọi người mong đợi. Tôi nghĩ là do đời sống xã hội tác động lên mỗi một con người, không riêng gì hải quan, mà các cơ quan công quyền, những nơi giao tiếp với người dân, vì trong một hệ thống chính trị lâu ngày quen thái độ cứng nhắc như thế…
Khi được hỏi về vấn đề nhà nước Việt Nam cũng đang tích cực cố gắng sửa đổi quan niệm về cách hành xử, cũng như cố gắng chấn chỉnh thái độ quan liêu của các cán bộ nhà nước, ông cho rằng:
“Cái gì hay thì phải học, nhưng không phải cứ thấy người ta làm là làm theo, phải chủ động từ trong nước của mình, phải tìm hiểu tại sao nhân viên của mình không cười được, phải do nguyên nhân vì đâu thì mới sửa được.
Tôi thí dụ nhất là gần đây, bệnh viện Chợ Rẫy, là một trong những bệnh viện đa ngành lớn nhất ở Việt Nam, mà người ta vẫn phải nhờ những chuyên môn của ngọai quốc về tâm lý xã hội, huấn luyện cho những người trưởng ngành để tập thân thiện và cười với bệnh nhân…huống hồ là những nơi khác, nhất là vì nhiều năm, nhiều tháng như thế rồi, nên khuôn mặt lúc nào cũng lạnh lùng lắm.
Có thể trong tâm của họ không muốn thế, nhưng do nguyên nhân sâu xa nào đó, họ không cười được và chung quanh cũng không cười, mà mình cười, vui vẻ, tiếp xúc thì nhiều khi bạn đồng nghiệp lại nghi kỵ.
Cho nên khi nào người ta xóa bỏ được quá khứ và hiểu rằng trách nhiệm của những người tiếp xúc ở lãnh vực nào cũng phải có sự thân thiện và sự thân thiện đó bắt đầu bằng nụ cười. Phải có sự giáo dục lại từ đầu, phải có nhiều năm tháng mới xây dựng được!”
Qúi vị vừa nghe ý kiến của một số người dân trong và ngoài nước về liên quan đến việc ban hành “luật cười” ở Trung Quốc, cùng thái độ của những cán bộ nhà nước khi tiếp xúc với dân chúng. Để chuẩn bị cho đại hội thể thao thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh, nhà nước Trung Quốc đã ra luật cười này.
Mong rằng Việt Nam sẽ không phải có một luật lệ nào tương tự như thế, nhưng một ngày gần đây, trên gương mặt của những người có trách nhiệm tiếp xúc với dân sẽ có được nụ cười xuất phát từ đáy lòng của họ. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần sau.