Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Cambodia là một trong những quốc gia còn số mìn bẫy sót lại cao nhất thế giới. Hiện nay có từ 4 triệu đến 6 triệu quả mìn còn nằm sâu dưới mặt đất trên khắp lãnh thổ xứ này, từng bị tàn phá bởi cuộc chinh chiến kéo dài suốt hơn 30 năm, mà chỉ mới chấm dứt năm 1998.

Tin mới phát xuất từ Phnom Penh cho hay bảy nhân viên tháo gở mìn bẫy đã thiệt mạng hôm thứ Sau, khi một hay hai quả mìn chống tăng phát nổ, trong lúc họ đang công tác tại tỉnh Battambang, nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 250 km về hướng Tây Bắc.
Mời quý vị nghe thêm chi tiết qua phần trình bày của Đỗ Hiếu. Ông Khem Sophoan tổng giám đốc trung tâm rà sóat mìn bẫy của Cambodia cho biết những nạn nhân xấu số gồm có ba phụ nữ và 4 đàn ông bị nạn trong khi họ tháo gở mìn. Có ba người bị mìn phá tan xác.
Trong cuộc trao đổi với đài Á Châu Tự Do, ông nói chưa bao giờ xảy ra thiệt hại nhân mạng cao như lần này. Ngoài số người 7 chết, có thêm hai người khác bị thương trong vụ nổ mìn này. Ông Sophoan cho biết khu vực xảy ra tai nạn là bãi mìn do các du kích quân Khmer Đỏ cài hồi năm 1980 khi họ kiểm soát khu vực này.
Trong năm 2006 vừa qua, trung tâm rà soát mìn bẫy ghi nhận 418 trường hợp tử vong do các loại mìn gây ra.
Vẫn theo giải thích của ông Khem Sophoan thì trung bình mỗi năm tại xứ Chùa Tháp có hơn 800 trường hợp chết hay bị thương tật vì bom mìn còn sót lại trên trận địa.
Tìm hiểu nguyên nhân
Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do chúng tôi, ông Khem Sophoan cho biết, trung tâm đã xúc tiến ngay cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khóc này, hầu tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Ông cũng hứa sẽ giúp đỡ và đền bù gia đình nạn nhân xứng đáng.
Mặt khác, qua cuộc điện đàm với phóng viên hãng thông tấn AFP, ông Chim Kim Hong, chỉ huy trưởng cảnh sát quận Kamrieng kể lại là máy dò của toán tháo gỡ mìn phát tín hiệu báo có chất sắt quanh đó, nhưng khi họ mới tiến gần để quan sát thì mìn chống tăng phát nổ tức khắc, nên không ai sống sót.
Đây là tổ nhân viên rà sóat mìn bẫy thuộc lực lượng bao gồm 150 người phục vụ tại trung tâm tháo gở mìn bẫy quốc gia Cambodia. Khu vực hoạt động của họ nằm sát biên giới với Thái Lan là nơi xảy ra giao tranh ác liệt giữa các phe phái vào các thập niên 80 và 90.
Công tác tháo gỡ mìn bẫy tại Cambodia bắt đầu được thực hiện từ năm 1992 và từ đó đến nay các chuyên viên chỉ mới xóa sạch chất nổ trên một diện tích hơn 252 kí lô mét vuông.
Như vậy trên tổng số diện tích gần 3000 kí lô mét vuông bị quân Khmer Đỏ được bộ đội Trung Quốc tiếp sức để cài mìn bẫy trên khắp lãnh thổ Cambodia, thì ước tính phải mất tới 150 năm nữa, người ta mới xóa sạch số mìn và chất nổ đủ loại còn nằm dưới lòng đất.
Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế lâu nay đã tài trợ tài chánh dồi dào cho chánh phủ Cambodia để xóa sạch các bãi mìn, nhưng vẫn chưa mang lại một kết quả đáng kể nào. Dư luận xứ Chùa Tháp nói rằng, nếu Trung Quốc trực tiếp tài trợ đồng thời tham gia vào các cuộc tháo gở mìn bẫy trên đất Cambodia, may ra kết quả sẽ hữu hiệu hơn.
Lý do theo họ la chính cố vấn quân sự của Bắc Kinh huấn luyện binh lính Pol Pot sử dụng mìn bẫy, thì chỉ có những huấn luyện viên Trung Quốc đó mới hiểu rõ mọi địa hình, địa vật, để dò tìm chính xác mà Cambodia không phải gánh chịu tai họa chết người hàng ngày xảy ra.