Các biện pháp chống phá giá


2005.07.19

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Ngày 7-7 vừa qua, Liên Minh Châu Âu EU đã quyết định mở cuộc điều tra bán phá giá đối với 33 mã mũ da giày của Việt Nam theo đơn kiện ngày 30 tháng 5 năm nay của ngành sản xuất da châu Âu. Xin mời quý thính giả cùng tìm hiểu vấn đề bán phá giá theo qui định của tổ chức Thương Mại Thế Giới.

ShoeDumping200.jpg
Bảng quảng cáo giày biti's trên đường phố Hà Nội. AFP PHOTO/ITI/HOANG DINH Nam

Theo qui định của WTO, nếu một công ty xuất khẩu một sản phẩm và bán với giá thấp hơn giá bán của sản phẩm này trên thị trường trong nước thì bị xem là bán phá giá.

Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO căn cứ vào một văn kiện có tên là Thỏa Hiệp Chống Phá Giá để hành động. Theo thỏa hiệp này các nước trong WTO được phép ban hành những biện pháp đối phó nếu thấy việc bán phá giá của hàng nhập khẩu làm tổn thương kỹ nghệ sản xuất mặt hàng tương tự trong nước.

Thế nào là dumping?

Thạc sĩ Kinh tế Lê văn Bỉnh cho biết: "Dumping tức là bán sản phẩm ra nước ngoài với giá rẻ hơn giá bán ở trong nước..."

Để được quyền ban hành các biện pháp chống phá giá, chính phủ quốc gia liên hệ phải chứng tỏ được rằng quả là có việc bán phá giá, phải tính tóan được mức độ bán phá giá, ví dụ như tính được giá hàng nhập khẩu thấp hơn cùng lọai hàng tại nước xuất cảng là bao nhiêu và phải chứng minh được rằng việc bán phá giá này gây nên thiệt hại trong hiện tại hay có thể gây nên thiệt hại trong tương lai.

Dumping tức là bán sản phẩm ra nước ngoài với giá rẻ hơn giá bán ở trong nước...

Thỏa hiệp chống phá giá cho phép quốc gia bị thiệt hại nâng thuế suất hải quan đối với mặt hàng bán phá giá để mang giá hàng bị coi là bán phá giá lên ngang mức bình thường hầu cho kỹ nghệ sản xuất hàng cùng lọai ở trong nước không bị thiệt hại.

Biện pháp trừng phạt

Thạc sĩ Kinh tế Lê văn Bỉnh khẳng định: "Biện pháp trừng phạt được áp dụng nhiều nhất là bằng hàng rào thuế quan..."

Có nhiều cách khác nhau để tính tóan là một món hàng được bán phá giá nhiều hay ít. Tựu chung có 3 phương thức để tính tóan giá cả bình thường của một món hàng.

Phương thức chính được căn cứ trên giá cả của món hàng đó tại thị trường nội địa của nước xuất cảng món hàng. Trong trường hợp phương thức này không áp dụng được ví dụ như Việt Nam và Trung Quốc chưa được công nhận là một nước có nền kinh tế thị trường thì nước nhập khẩu món hàng bị nghi ngờ là phá giá có thể chọn một nước thứ ba để so sánh giá cả của món hàng này.

Cách thứ ba là sự phối hợp giữa chi phí sản xuất của món hàng tại quốc gia xuất khẩu cộng những chi phí khác và tiền lời bình thường cho món hàng này. Thỏa hiệp cũng qui định làm thế nào để so sánh một cách công bằng giữa giá của món hàng xuất khẩu và giá được gọi là bình thường.

Tính tóan mức độ bán phá giá của một sản phẩm như thế nào cũng chưa đủ để một nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp đối phó. Các biện pháp chống phá giá chỉ có thể áp dụng nếu chứng minh được rằng việc bán phá giá đó gây thiêt hại cho kỹ nghệ sản xuất cùng lọai hàng được phá giá tại nước nhập cảng.

Điều tra chi tiết

Do đó trước tiên là một cuộc điều tra chi tiết phải được tiến hành theo những qui định rõ rệt. Cuộc điều tra này phải đánh giá những yếu tố kinh tế liên hệ đến kỹ nghệ sản xuất món hàng bị điều tra.

Nếu cuộc điều tra thu thập được những bằng chứng rõ rệt là có việc bán phá giá và kỹ nghệ tại quốc gia nhập khẩu bị thiệt hại, công ty xuất khẩu món hàng phải nâng giá món hàng lên tới một mức nào đó để tránh khỏi bị áp dụng mức thuế quan chống phá giá.

Thỏa ước cũng ấn định những thủ tục chi tiết về việc làm thế nào để nêu lên vấn đề bán phá giá, phương thức điều tra cũng như qui định những điều kiện để cả hai bên liên hệ có cơ hội trình bày chứng cứ và quan điểm của mình.

Các biện pháp chống bán phá giá sẽ hết hạn sau 5 năm tính từ ngày được công bố trừ khi các cuộc điều tra cho thấy nếu chấm dứt các biện pháp đó sẽ làm thiệt hại cho quốc gia liên hệ. Các cuộc điều tra chống phá giá phải được chấm dứt tức thì trong trường hợp giá bán phá gía chỉ cao hơn giá bình thừơng 2%.

Cuộc điều tra cũng chấm dứt khi khối lượng số hàng phá giá tương đối không đáng kể, ít hơn 3% số hàng nhập khẩu. Dù vậy cuộc điều tra có thể được tiến hành nếu có một vài quốc gia cùng nêu lên vấn đề bán phá giá tuy con số này của mỗi quốc gia chỉ vào khỏang 3% nhưng cộng chung lại này bằng hoặc hơn 7%.

Thỏa hiệp cũng cho biết rằng các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO phải báo cáo với Ủy ban về chống phá giá về những biện pháp đã được thực hiện và cũng phải báo cáo các cuộc điều tra hai lần trong năm. Khi có sự tranh chấp xảy ra, các nước thành viên được khuyến khích là tham khảo lẫn nhau hoặc dùng thủ tục giải quyết các cuộc tranh chấp theo qui định của WTO.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.