Thực chất công tác biên tập tại các nhà xuất bản ở Việt Nam


2006.10.29

Tam Nguyên & Nguyễn An, RFA

Theo các qui định về việc biên tập tại Việt Nam, chỉ những bản thảo minh hoạ cho đường lối biện pháp chính trị, né tránh mọi vấn đề gai góc của xã hội mới được nâng đỡ và dễ được duyệt in. Và đương nhiên, những tác phẩm có nội dung ngược lại hẳn đã bị từ chối.

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật kỳ này, Nguyễn An tiếp tục cuộc trao đồi với nhà văn Tam Nguyên ở trong nứơc về tình hình thực tế hiện nay của biên tập viên các nhà xuất bản.

BookCopyright200.jpg
Một hiệu sách ở Hà Nội. AFP PHOTO

Nguyễn An: Kính chào nhà văn Tam Nguyên. Trong những kỳ trước, chúng ta đã trao đổi với nhau về vai trò quyết định của biên tập viên các nhà xuất bản trong việc cho in và phát hành một tác phẩm. Ông đã nhận định rằng đây là khâu khó khăn nhất, gây phiền phức nhất cho nhà văn. Hôm nay xin đựơc bàn về phẩm chất của người biên tập.

Là nhà văn đã có những thành công nhất định trong sáng tác, theo ông, các biên tập viên cần có những tiêu chuẩn gì để có thể đóng vai trò "bà đỡ" cho các tác phẩm?

Nhà văn Tam Nguyên: Để viết nên một tác phẩm văn học, nhà văn phải huy động tổng lực vốn sống, vốn học vấn và năng lực sáng tạo nghệ thuật.

Để hiểu và cảm nhận được một tác phẩm văn học, biên tập viên phải hội đủ cả 3 loại vốn ấy. Có vậy, mới thẩm định được giá trị nghệ thuật của tác phẩm đạt tới cấp độ nào.

Nhưng ở Việt Nam, hiện tượng non yếu về cả 3 mặt ấy trong đội ngũ biên tập bộc lộ rất rõ qua mọi tập sách được xuất bản, các sai lầm dù nhỏ cũng bị tác giả phát hiện ra trước nhất.

Nguyễn An: Ông có thể đưa ra những thí dụ cụ thể về từng mặt?

Nhà văn Tam Nguyên: Về vốn sống: Biên tập viên ít quan sát và thiếu tinh tế sẽ không cảm thấy khâm phục nhà văn khi đọc ông tả người thợ rèn hút thuốc ra sao: Khi tiếp chuyện bạn ở nhà, bác phó hút thuốc lào bằng điếu bát. Nhưng ở chỗ làm bác lại dùng điếu cày (điếu bát rất dễ bị đổ - mà đổ điếu là rất xúi), lấy kìm cặp hòn than hồng trong lò đặt vào nõ điếu (mà không châm đóm như ở nhà).

Tuy nhiên, quan sát bác phó rèn có thể nhiều lần, nhưng để rung động qua đọc những gì nhà văn miêu tả bác ấy thì vẫn có một khoảng cách đối với một biên tập viên.

Về học vấn: Những năm gần đây các biên tập viên mới có trình độ đại học. Tuy nhiên đại học Việt Nam chưa bao giờ có đẳng cấp Đông Nam Á. Nên nó vẫn bộc lộ nhiều lỗ hổng mà dấu ấn của chúng không sao che giấu được trên các trang sách. Sách đã phát hành sẽ không còn dịp sửa sai của biên tập và bị độc giả qui lỗi cho tác giả, chứ đâu biết biên tập viên là ai.

Thí dụ: Ngày đàng gang nước" sửa thành "Ngày đàng ngang nước" "Cắn rơm cắn cỏ" thành "Cắn răng cắn cỏ". Thời bao cấp có rượu quốc doanh. Rượu do dân nấu lậu, gọi là rượu chui. Bợm rượu gọi là "quốc chui" nghe cho sang, sau thay "chui" bằng "lủi" - "quốc lủi".

Do vừa thiếu vốn học và vốn sống nên đoán "lủi" hẳn là động tác của con cuốc nên sửa thành rượu "cuốc lủi" (viết chữ c thay vì chữ q). Tác giả chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, còn biết làm gì hơn!

Do kiến thức sử quá mơ hồ nên đã coi trận cướp thóc ở một trang viên do một đảng cướp gồm những người đói ăn năm 1945 như một cuộc phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo do Việt Minh tổ chức. Rốt cuộc, đảng cướp bị lực lượng gia nhân trong trang viên xoá sổ. Thay vì vị địa chủ được ca ngợi, lại bị coi là tên Việt gian phá hoại cách mạng.

Tác giả phản bác sự quy chụp bằng những dẫn chứng trích từ sử sách hẳn hoi, nhưng vẫn không lại. Tác giả bị yêu cầu cắt trường đoạn ấy để khỏi "hiểu lầm". Còn tác giả coi vấn đề đã quá minh bạch, không nên làm gì thêm. Nhùng nhằng mãi và thế là bản thảo bị ngâm dài dài trong tủ nhà biên tập.

Nguyễn An: Ông vừa nêu 2 tiêu chuẩn căn bản là vốn sống và học vấn. Còn vốn nghệ thuật nữa, nó có là yêu cầu thiết yếu cho các biên tập viên không?

Nhà văn Tam Nguyên: Dạ, điều ông vừa nêu thực sự tối cần thiết. Nhưng đáng buồn và đáng lo là sự non kém về lĩnh vực này. Những bức xúc về nhân tình thế thái, những quan điểm về nhân sinh, tính nhân văn, nhân bản v.v… được tác giả trình bày bằng hình tượng nghệ thuật mà không nói thẳng ra, nếu năng lực cảm thụ của biên tập viên không đạt mức cần và đủ thì không sao hiểu được ý đồ kín đáo của tác giả.

Nguyễn An: Thưa nhà văn Tam Nguyên. Các nhà quân sự ngày xưa có nói đến chiến thuật “tương kế tựu kế”, nghĩa là nhân cái kế của địch lại thành cái kế của mình.

Những kỳ trước ông có nói đến việc biên tập viên luôn luôn dùng đèn đỏ chính trị soi chiếu vào từng chi tiết trong tác phẩm. Vậy đã có khi nào nhà văn dùng cái tinh tế của mình để mà tránh đựơc cái đèn đỏ đó chưa? Xin ông trở lại với tiếp với cái vốn nghệ thuật của biên tập viên.

Nhà văn Tam Nguyên: Ngoài ra, lại còn vấn đề bút pháp, thủ pháp, lối nói xa, nói bóng, cách chơi chữ, kỹ thuật thắt nút, cởi nút, gây bất ngờ v.v… cũng được tác giả tận dụng triệt để. Biên tập viên không tinh cái tinh của tác giả thì cũng không thể nhận ra.

Như thế, biên tập viên cần phải đạt trình độ ngang tầm với tác giả mới mong thẩm định đúng tác phẩm. Thế nhưng biên tập đạt chuẩn ấy ở Việt Nam chỉ thấy lác đác. Nên luôn xảy ra hồ đồ, ngộ nhận, võ đoán… dẫn đến đánh giá sai lệch không ít tác phẩm, thậm chí cho chìm xuống những tác phẩm của các nhà văn vốn có tính nhu mì và rất ngại đối đầu.

Nguyễn An: Như vậy phải chăng là hễ cứ tác phẩm nào mà biên tập viên thấy có vẻ không ổn là cho chìm xuồng luôn, theo nghĩa là thà đánh lầm hơn bỏ sót chăng?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.