Làm mẹ một mình
2007.03.12
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Hiện nay ở Việt Nam, với hoàn cảnh xã hội thay đổi, quan niệm sống về tình yêu, hôn nhân, gia đình cũng thay đổi theo. Nhiều thanh niên thiếu nữ đã có quan hệ tình dục trước khi chính thức lấy nhau, nhưng lại không được chuẩn bị đủ, nên có khi đưa đến cảnh dở dang mà hậu quả thì hầu như chỉ người phụ nữ gánh chịu.
Đó là những bào thai trong bụng, những đứa con không được mong chờ. Có những người đi phá thai, và cũng có những người chấp nhận mọi đắng cay của cuộc đời để nuôi con một mình. Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe những tâm tư của những người phải làm mẹ một mình.
Bị chê trách
Chị Nguyễn thị Thanh Thuỷ, hiện đang sống ở tỉnh Đồng Nai, cách đây 8 năm, khi biết mình có thai với người bạn trai, đã vô cùng hãi sợ và trình bày với cha mẹ. Thế nhưng, chị không hề được sự cảm thông của cả gia đình. Cả nhà xúm lại chửi rủa và nhiếc móc chị, đến nỗi có lần chị đã nghĩ đến các chết.
Cuối cùng, cha mẹ chị quyết định đưa chị đi thật xa để sinh con và sau khi sanh xong, đứa con ấy sẽ được giao cho người chị ruột của chị để làm con nuôi. Tuy thế, ở môi trường mới, chị vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chị tâm sự:
“Em không ở với gia đình nữa, em phải sống ở một môi trường khác, có những người họ cảm thông, nhưng có những người dè bỉu lắm, mặc dù em không phải là hàng xóm cuả họ, họ vẫn khinh miệt em.”
Ngoài nỗi chịu đựng vì bị láng giềng khi dể, những cái nhìn xoi mói, chị còn phải chịu những sự đay nghiến của chị em ruột mình, nhất là trong gia đình có tới 7 chị em gái:
Tất cả những người kia chính họ cũng là đàn bà cũng khinh em dữ lắm, cha mẹ thì khỏi nói rồi. Riêng em, em rất buồn, cái người mình thương yêu làm mình đau khổ như vậy, còn người thân trong gia đình thì cũng không thông cảm, nên cứ phải sống như thế.
“Tất cả những người kia chính họ cũng là đàn bà cũng khinh em dữ lắm, cha mẹ thì khỏi nói rồi. Riêng em, em rất buồn, cái người mình thương yêu làm mình đau khổ như vậy, còn người thân trong gia đình thì cũng không thông cảm, nên cứ phải sống như thế.”
Cho đến bây giờ, đã nhiều năm trôi qua, con chị nay đã sắp lên 9, nhưng chị vẫn không được quyền nhận con mình. Cho dù được phép trở về sống với cha mẹ, nhưng chị vẫn phải nén nỗi đau mỗi khi thấy con đến nhà thăm ông bà.
Thèm được nghe con gọi tiếng “mẹ” thay vì “dì ơi!” nhưng chị vẫn phải chôn chặt nỗi lòng, chị nói:
“Em không được quyền đó, phải hy sinh tuyệt đối, không được thể hiện quyền làm mẹ, nhiều chỗ đông người em không dám đứng gần nữa. Em chỉ muốn sao cho xã hội có những người nhìn vào những hoàn cảnh như tụi em, đâu phải là tip người có nhiều bạn trai, khi xảy ra chuyện thì họ không cảm thông thì em không biết làm thế nào nữa.
Ở đây sự cảm thông không hề có, họ vẫn còn nghi kỵ lắm…Có thầy cô giáo cũng nghi kỵ nữa. Thí dụ em muốn đi họp cho cháu cũng không dám đi, sợ người ta phát hiện thì khổ cho con mình.”
Gia đình ruồng bỏ
Đó là trường hợp của chị Nguyễn thị Thanh Thủy ở Đồng Nai, còn riêng với chị Lê thị Ngọc Mỹ, năm nay 26 tuổi, hiện đang được một vị nữ tu Công Giáo ở Bình Triệu cưu mang, thì cho biết rằng:
“Lúc đó em ở nhà trọ, không có tiền, không biết làm sao, mấy người hàng xóm thương tình cho em tiền đi phá thai, em đi siêu âm, thấy hình dạng em bé rồi, thế là em quyết định không phá nữa….Lúc đó em cũng phân vân và lo lắng lắm, cuối cùng nhờ nhỏ bạn em, giới thiệu em với một Sơ…
Sau khi em sinh nở xong, được hai tháng em về nhà, nhưng về nhà thì má sau của em khó chịu, bà cứ đuổi đi miết…Gần Tết bà âý lại đuổi đi nữa, em thì không sao, nhưng con không được như mấy đứa trẻ khác.. (khóc) Ba em thì chấp nhận em, nhưng má sau em thì không…Ba em nói là nếu thương ba thì phải hiểu cho ba, nên em phải tự sắp xếp đi…”
Lúc đó em ở nhà trọ, không có tiền, không biết làm sao, mấy người hàng xóm thương tình cho em tiền đi phá thai, em đi siêu âm, thấy hình dạng em bé rồi, thế là em quyết định không phá nữa….Lúc đó em cũng phân vân và lo lắng lắm, cuối cùng nhờ nhỏ bạn em, giới thiệu em với một Sơ…
Bây giờ, ngày ngày chị Ngọc Mỹ đi bán vé số để kiếm tiền nuôi đứa con vừa tròn ba tuổi. Trong suốt ba năm qua, chị vất vả một mình nuôi con, còn cha đứa bé thì bặt tăm. Nhìn lại những ngày qua, chị luôn ân hận vì đã một lần lầm lỡ. Mỗi khi nhìn thấy cảnh vợ chồng con cái người ta ấm cúng, chị lại tủi phận và thương cho con mình.
Bên cạnh đó, chị vẫn còn phải đối diện với những sự khinh miệt của mọi người, với những lời dè bỉu với mẹ con chị. Chị chỉ mong rằng: “Em chỉ cầu xin sao cho xã hội đừng xa lánh tụi em, haỹ đón nhận tụi em..”
Một trường hợp khác, chị Bùi Anh Thư, năm nay 28 tuổi, quê ở Bình Định, vào thành phố HCM làm công nhân. Ngay sau khi biết chị có thai, người bạn trai lập tức lánh mặt. Chị trở về gia đình xin tha thứ nhưng bị cha mẹ bắt phá thai vì xấu hổ với xóm làng. Nhưng quyết tâm giữ gìn đứa con trong bụng, chị gạt nước mắt bỏ làng ra đi.
Trở lại thành phố HCM, chị lang thang trên hè phố, làm đủ mọi việc để nuôi thân. Gần đến ngày sinh nở, chị được giới thiệu đến nhà Giêrađô của các linh mục dòng Chúa Cứu Thế ở Thủ Đức. Giờ đây, con chị đã tròn hai tuổi, ngày ngày đi bán trái cây rong, nhìn con mỗi ngày một lớn, chị ngậm ngùi:
“Mẹ em biết nhưng mẹ không cho nuôi… Mặc cảm thì em không thể nào tả nổi… cùng trang lứa với con em, thì có cha có mẹ, mà nó thì không có…Em cảm thấy mình là một người mẹ không xứng đáng. Em mong xã hội bớt kỳ thị em hơn.”
Hàng xóm chê cười
Riêng trường hợp chị Nguyễn thị Hạnh, quê ở Hải Dương, hiện đang làm y công trong một bệnh viện ở TPHCM thì cho hay rằng con chị nay đã lên 4. Suốt bao năm qua, chị vẫn không được gia đình chấp nhận, cũng chỉ vì sợ hàng xóm chê cười.
Chị tâm sự: “Gia đình em mới biết cách đây chừng mấy tháng thôi, em gọi điện thoại về, gia đình không chấp nhận, không cho về, mẹ em thì mất rồi, bố em lấy vợ sau nên bố em không cho về, đuổi em đi. Em đã về quê rồi, nhưng lại phải đi, bố em sợ xấu hổ với làng xóm…sợ mất mặt.
Đợt vừa rồi, con em bị bệnh cũng mất nhiều tiền, em cầu xin bố nhưng cũng không được. Vì em ở quê nên bố em cũng quan trọng vấn đề danh tiếng, danh dự…Em chỉ buồn là em đã sai lầm và bây giờ muốn trở lại, gia đình không chấp nhận…
Tất nhiên con em sau này không có cha, moị người chung quanh sẽ nhìn với một ánh mắt khác, nhưng em nghĩ xã hội bây giờ người ta cho phép phụ nữ có quyền có con, em chỉ cần nghĩ là con em biết rằng, tuy không có cha, nhưng vẫn ăn học đàng hoàng…Em không lo được cho con em mới là điều đáng sợ.
Em sanh con em ra, em sẽ cố gắng nuôi con em không lớn. Mặc dù bây giờ gia đình chưa chấp nhận, nhưng em nghĩ một lúc nào đó, tư tưởng thay đổi đi, thì gia đình cũng chấp nhận thôi…”
Theo lời chị, hầu hết, những người phụ nữ nuôi con một mình trong hoàn cảnh hiện nay rất khó khăn, gia đình không chấp nhận, xã hội không giúp đỡ, đã vậy lại còn bị bao điều dèm pha, chê bai, nhưng chị cho rằng:
“Tất nhiên con em sau này không có cha, moị người chung quanh sẽ nhìn với một ánh mắt khác, nhưng em nghĩ xã hội bây giờ người ta cho phép phụ nữ có quyền có con, em chỉ cần nghĩ là con em biết rằng, tuy không có cha, nhưng vẫn ăn học đàng hoàng…Em không lo được cho con em mới là điều đáng sợ.”
Lỡ lầm
Bên cạnh những người lên án các bà mẹ nuôi con một mình, thì cũng có những người rất thông cảm cho các trường hợp đáng thương của họ. Chị Thúy, một y tá ở quận Phú Nhuận phát biểu:
“Mình là người Việt Nam nên vẫn còn phong kiến nhiều. Nhưng hiện giờ ở Việt Nam, các cô không chồng có con cũng nhiều lắm…Các cô ấy lỡ lầm thì xã hội cũng không lên án nhiều nữa.
Nhưng chỉ có một số người nào đó chấp nhận thôi. Xã hội mình đang dần dần đổi mới, mình nghĩ là tư tưởng cũng dần dần phải theo. Nhưng Việt Nam thì cũng vẫn là Việt Nam, đâu ai chấp nhận phụ nữ không chồng mà có con…
Mình cũng thăm dò ý kiến, cũng có một số lớp trẻ không đồng ý như thế. Mình nghĩ các cô ấy lỡ lầm rồi thì phải phấn đấu thôi, sống để làm một cái gì tốt, thì người ta sẽ nhìn vào mà quên đi cái vướng mắc của mình, phải vươn lên thì quá khứ sẽ đi qua thôi.”
Quí vị và các bạn vừa nghe những lời tâm sự của các phụ nữ không may phải nuôi con một mình. Có lẽ vì quan niệm không được cởi mở cho lắm với những thiếu nữ không chồng mà có con, lại không được sự ủng hộ của xã hội, nên khi phát hiện mình có thai, lập tức, đa số các gia đình hay bản thân các cô gái đều nghĩ ngay đến cách giải quyết mau lẹ bằng phá bỏ.
Thế nên, tỉ lệ phá thai ở Việt Nam ngày càng cao. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối của xã hội và cho những người quan tâm. Trong khi đó, những cô gái can đảm đón nhận mọi cực khổ và cay đắng đến với mình để giữ đứa con trong bụng thì lại không được thông cảm và chấp nhận.
Mong rằng sẽ đến lúc, quan niệm về chuyện “làm mẹ một mình” sẽ được cởi mở hơn. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Các tin, bài liên quan
- Vai trò của người Phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày nay
- Bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay
- Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trả lời phỏng vấn đài RFA từ nơi bị giam lỏng
- Quốc Tế kêu gọi chấm dứt bạo hành và kỳ thị đối với nữ giới
- VN gia tăng nữ đại biểu Quốc hội: Lượng và Chất?
- Sự bạo hành đối với các nhà báo nữ trên thế giới đang gia tăng
- Tình hình phát triển của phụ nữ trên thế giới hiện nay
- Nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ - Người phụ nữ được trao giải Hellman/Hammet
- Câu lạc bộ chống bạo hành trong gia đình (phần 1)