Nhiều cầu thủ bị bắt trong vụ cá độ bóng đá kỳ SEA GAMES 23


2005.12.30

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Vụ cá độ bóng đá trong kỳ SEA GAMES 23 vừa rồi khiến một số cầu thủ trong đội tuyển U23 Việt Nam đã bị bắt, và một số huấn luyện viên bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn. Điều đáng nói là vụ tai tiếng này xem chừng như là khởi điểm của nhiều rắc rối nghiêm trọng khác trong làng bóng đá Việt Nam mà người ta hy vọng sớm bị phanh phui.

QuocVuongSoccer200.jpg
Cầu thủ Quốc Vượng. AFP PHOTO

Thanh Quang tìm hiểu về diễn biến đó qua cuộc trao đổi với một chuyên gia bóng đá ở Saigòn. Trước hết, chuyên gia này cho biết tình hình tổng quát như sau.

Chuyên gia bóng đá: Công an TPHCM vừa đưa ra loạt bài đầu tiên về vụ bán độ ngày xưa phát xuất từ lò SLNA. Người ta đặt câu hỏi là Văn Quyến và Quốc Vương có lẽ chỉ là “nhải nhép” thôi.

Còn cả bộ sậu phát xuất từ SLNA, kể cả ông Nguyễn Hồng Khanh từng là trưởng đoàn bóng đá SLNA, rồi Nguyễn Hữu Thắng đương kim Huấn luyện viên trưởng SLNA, mà bằng chứng cho thấy, là đã móc nối bán độ từ năm 2001. Cho nên nó liên quan tới vụ Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh…vừa rồi, có lẽ đó chỉ là vụ nhỏ thôi.

Thanh Quang: Liên quan vụ tai tiếng ở SEA Games vừa rồi, cho tới giờ đã có bao nhiêu cầu thu bị bắt?

Chuyên gia bóng đá: Hiện Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Quốc Anh đã bị bắt, trong số này, Quốc Vượng tổ chức, móc nối bán độ và nghe nói cá độ tiền trong đó nữa. Hiện dư luận đang chờ có thể sẽ có thêm những cầu thu khác bị bắt, nhất là Văn Trương, Hải Lâm.

Bạn nghĩ gì về vụ bán độ này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Thanh Quang: Thế còn về phía Huấn luyện viên thì sao, nghe nói có một số Huấn luyện viên đã bị công an thẩm vấn, như ông Nguyễn Hữu Thắng của đội SLNA, ông Đinh Thế Nam của đội Hải Phòng?

Chuyên gia bóng đá: Những trường hợp này có liên quan các vụ móc nối, bán độ hồi mùa giải 2001.

Thanh Quang: Trong vụ tai tiếng ở SEA GAMES 23 vừa rồi có liên hệ tới Huấn luyện viên Việt Nam nào không?

Chuyên gia bóng đá: Chưa thấy. Nhưng người ta đang đặt vấn đề với Huấn luyện viên phó của Huấn luyện viên Alfred Riedl, là ông Hải. Trước vụ việc còn đang trong vòng điều tra, thì ông Hải tỏ ra thách thức với báo chí, và khẳng định là không cầu thủ nào của ông ta ban độ. Nhưng sau đó ông này nói là biết tin U23VN bán độ, 2 tiếng đồng hồ trước khi U23 Việt Nam gặp Miến điện.

Và ông Hải chỉ báo với ông Lê Thế Thọ, trưởng đoàn bóng đá Việt Nam 2 phút trước khi quả bóng lăn trên sân cỏ thôi. Nên người ta đặt nghi vấn là trong 2 tiếng đồng hồ mà ông Hải biết trước như vậy, ông ta đã làm gì? Tại sao ông không báo ngay? Đó là những câu hỏi mà trợ lý Huấn luyện viên Hải vẫn chưa trả lời được.

Thanh Quang: Nhắc tới ông Lê Thế Thọ, một viên chức cao cấp trong bóng đá Việt Nam vừa từ chức, thế các quan chức khác trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam có ai khác nhận trách nhiệm về vụ vừa rồi không?

Chuyên gia bóng đá: Chưa có. Nhưng vấn đề là riêng ông Lê Thế Thọ phụ trách đội bóng đá Việt Nam trong kỳ SEA GAMES vừa rồi, nên ông phải trực tiếp có trách nhiệm.

Thanh Quang: Hiện có tin gì về Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá Châu Á, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á can thiệp trong vụ bán độ của các cầu thủ U23VN?

Chuyên gia bóng đá: Không thấy. Nhưng đây là chuyện nội bộ của bóng đá Việt Nam. Trước đây có tin là Văn Quyết, Quốc Vượng, mỗi người có thể bị nộp tiền phạt cho FIFA, nhưng đó chỉ là tin đồn thôi.

Thanh Quang: Hiện dư luận trong nước phản ứng ra sao về vụ tai tiếng của các cầu thủ Việt Nam vừa rồi?

Chuyên gia bóng đá: Giới hâm mộ hoàn toàn mất niềm tin ở bóng đá Việt Nam. Trong những ngày sắp tới, họ không biết là trong những trận thi đấu, các cầu thủ của Việt Nam đá thật hay đá giả!

Thanh Quang: Cảm ơn ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.