Ô nhiễm nguồn nước, mối lo bức thiết hàng ngày của người dân TP HCM
2007.10.30
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Ô nhiễm nguồn nước đã trở thành mối lo bức thiết hàng ngày của người dân thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn nước sinh hoạt cho hơn tám triệu con người đang từng bước bị đe dọa nghiêm trọng vì không còn tinh khiết như trước bởi nhiều yếu tố, mà chủ yếu do chất thải công nghiệp dọc hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai gây ra.

Mặc Lâm phỏng vấn Giáo Sư Tiến Sĩ Lâm Minh Triết, Viện trưởng viện nước và công nghệ môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm phương cách mà nhà nước chuẩn bị đối phó, mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, báo chí đã liên tục báo động về việc nguồn nước bị ô nhiễm nặng trong tòan thành phố. Là một người trực tiếp nghiên cứu và theo dõi vấn đề này, xin Giáo Sư cho biết nhà nước đã có động thái nào đối với việc này?
Giáo Sư Lâm Minh Triết: Đúng ra thì nhà nước vẫn biết được tất cả mọi thứ và nhà nước cũng có những quyết tâm chứ không phải là thả nổi. Theo như tôi biết thì nhà nước đã có những cảnh báo thậm chí đóng cửa nhiều xí nghiệp gây ô nhiễm chứ không phải là không làm nhưng vấn đề ở chỗ là trình độ quản lý và phương tiện để quản lý còn quá thiếu.
Mặc Lâm: Theo giáo sư thì nguyên nhân nào mà các xí nghiệp trong nước không thi hành đúng những quy định về xử lý chất thải công nghiệp, vì ý thức tự giác thấp hay vì họ tin rằng có thể mua chuộc được các kiểm soát viên thậm chí là những phái đoàn thanh tra?
Giáo Sư Lâm Minh Triết: Họ bị trở ngại vì vấn đề giá cả và kinh phí đầu tư cho vấn đề xử lý nước thải rất tốn kém nên họ ngại và khi thanh tra kiểm tra đến thì họ hoạt động theo kiểu đối phó, cái đó cũng có.
Mặc Lâm: Để đối phó hữu hiệu hơn đối với những doanh nghiệp thường xuyên vi phạm thì nhà nước đã có những hoạt động nào, thưa Giáo sư?
Giáo Sư Lâm Minh Triết: Hiện nay thì nhà nước đã thành lập nhiều đơn vị cảnh sát môi trường nhưng quả thật chưa đủ mạnh để cưỡng chế hay phạt.
Mặc Lâm: Có một tâm lý rất dễ thấy là nhà nước tỏ ra lúng túng khi phạt vạ hay có những biện pháp nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp thành công vì nể nang hay bởi nhiều lý do tế nhị khác, Giáo sư nghĩ sao về khía cạnh này?
Giáo Sư Lâm Minh Triết: Nhà nước cũng không muốn nhà đầu tư phiền lòng thành ra cũng có nể nang, cũng có thế này thế khác nhưng mà hậu quả về lâu về dài thì nguy hiểm vô cùng.
Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, chúng ta không thể khoanh tay ngồi chờ các diễn tiến xấu. Là nhà khoa học trách nhiệm trong vấn đề này ông và các cộng sự đã có kế hoạch hay đề tài nào nhằm ngăn chặn mức ô nhiễm hiện nay cũng như giải pháp nào để có nguồn nước dự phòng khi tình trạng xấu xảy ra?
Giáo Sư Lâm Minh Triết: Tụi tôi có xây dựng mấy dự án để trình nhà nước liên quan đến việc bảo vệ trên các dòng sông đặc biệt là những sông lớn như sông Đồng nai chẳng hạn, và chúng tôi đã gửi đi cho UBND thành phố nhưng chưa thấy trả lời.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Lâm Minh Triết, Viện trưởng viện nước và công nghệ môi trường Thành Phố Hồ Chí Minh đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Những bài liên quan
- Nhà máy đường Hiệp Hoà bị đề nghị ngừng hoạt động
- Rải thải y tế, một vấn đề lớn gây nhức nhối lâu nay
- Nhiều con sông đang hứng chịu ô nhiễm vì chất thải từ các nhà máy
- Ô nhiễm môi trường chung quanh các khu công nghiệp tỉnh Quảng nam
- Giếng Nước Vinh Sơn, nguồn nước sạch cho người dân Sài Gòn
- Bát nháo thị trường nước uống đóng chai
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị kiểm tra chất thải ý tế trên cả nước
- Tình trạng ô nhiễm tại các bãi biển ở Đà Nẵng
- Tiềm năng về những nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam