Thy Nga, phóng viên đài RFA
Quý vị và các bạn ăn Tết vui chứ. Đầu năm nay ở Việt Nam, mạn Bắc bị giá rét nhưng thế nào chăng nữa thì các lễ hội truyền thống vẫn diễn ra như hằng năm. Nàng Xuân Mậu Tý đến hơi chậm nhưng còn ba tháng Xuân kia mà. Vả lại, cô gái xinh đẹp như thế, có trễ chút đỉnh, cũng chẳng mấy ai phàn nàn.

"Du Xuân" Loan Châu hát …
Sau những ngày bận rộn sửa soạn cho Tết, người nào cũng mong đi lễ để cầu xin năm mới được an mạnh, gia đạo thuận hòa, hạnh phúc, mọi việc may mắn hanh thông.
Trang "Chuyên đề" có bài viết rằng "Du Xuân vãn chùa là dịp cho con người hòa hợp với khí trời, là dịp hiểu thêm về sự tích, lịch sử một vùng đất, một ngôi chùa, ngôi đình, về sự tích thành hoàng làng, công đức vị anh hùng mà dân địa phương thờ phượng … Cái thú du xuân vãn cảnh, từ lâu đã trở thành nhu cầu, thành sinh hoạt vǎn hóa không thể thiếu, đặc biệt là dịp đón nǎm mới."
Hòa vào dòng người đi lễ đầu Xuân, giữa cảnh sắc giao hòa của đất trời, con người cảm thấy gần với nhau hơn, thương yêu nhau hơn.
Với lứa trẻ, du Xuân trong tiết trời se lạnh, là cơ hội để chàng trai đi sát hơn nữa bên người yêu. Hình ảnh thật dễ thương và trong không gian mà có những hạt mưa xuân li ti giăng mắc nữa thì tuyệt!
"Tình Xuân" ca khúc của Lê Đức Long, giọng hát Vũ Khanh
Thy Nga đọc thấy một bài viết hay về phong tục truyền thống Việt Nam, tựa đề là "Đầu năm đi lễ hội" của tác giả Hà An đăng trên tờ Nhân Dân, xin trích lược:
“Ðã thành lệ, sáng mùng một Tết, chuyến xuất hành năm mới của nhiều người là đi lễ. Ở Hà Nội, chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, Voi Phục, ... từ sớm đã tấp nập người.
Vào ngày này, các đền chùa sáng đèn, nến, hương trầm thơm ngát, tinh tươm đón khách viếng thăm. Ðồ lễ có thể là xôi, là gà, cũng có khi đơn giản chỉ là bông hoa, nén hương, hay mấy quả cam, quả quýt để tỏ lòng thành kính.
Cũng có người đã lên chùa từ ngay sau Giao Thừa để rồi về nhà mang theo chút lộc: cành lá, hay hoa quả để cả nhà quanh năm may mắn, phát lộc, phát tài.
Cầu xin chưa biết được hay không, nhưng từ chùa bước ra, lòng đã thấy nhẹ nhõm, trong trẻo, nao nức hòa vào niềm vui mênh mang của đất trời sang Xuân.
Quanh năm tất bật làm ăn kiếm sống, ngày Tết người người thong thả nghỉ ngơi. Có người cả năm chẳng đến chùa, ngày Tết cũng sắm sửa đồ lễ. Bước chân vào sân chùa, sân đền, tự dưng ai cũng đi nhẹ, nói khẽ như khỏi phá vỡ không gian linh thiêng nơi đây. Tiếng chuông chùa, mùi nhang phảng phất, những lời cầu khấn thầm thì, làm cho lòng người cũng thanh thản, ai cũng từ tốn hơn thường khi.
“Thanh tịnh khúc”
Ra Giêng là tháng đi trẩy hội đền, chùa. Trong tâm thức nhiều người, đầu năm được đặt chân tới đất linh thiêng, là sẽ được mát mẻ cả năm cho nên năm nào, hội Xuân chùa Hương, và hội Xuân Yên Tử cũng tưng bừng.
Hành trình vào động chính chùa Hương, trên chiếc thuyền lá nhẹ lướt trên giòng suối Yến, người đi lễ chùa thỏa sức ngắm cảnh trời mây non nước vào Xuân.
“Réo rắt suối đưa quanh ven bờ, ngọn núi xanh Nhịp cầu xa nho nhỏ Cảnh đẹp gần như tranh.”
"Chùa Hương" của Hoàng Quý, Khánh Ly hát …
Núi Yên Tử tại Quảng Ninh từng là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt nên ai cũng mong được một lần trong đời hành hương về cái nôi của đạo Phật Việt Nam. Trèo lên được đỉnh Yên Tử cao 1068 mét là cả chặng đường gian nan như thử thách đức tin của người đi lễ Phật.
Hội Cổ Loa thì du khách được xem thi bắn nỏ, ngắm lại Loa thành và những di tích gắn với câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy …”
"Tiếng trống hội Xuân" …
Mỗi lễ hội thể hiện các nét đặc trưng của vùng mình với những cuộc thi đua tranh tài đủ mục, những trò chơi dân dã, lồng trong tiếng đàn, điệu hát cổ truyền.
"Nét ca trù ngày Xuân" Trần Thu Hà trình bày …
Chắc có bạn đặt câu hỏi vì sao nước ta có nhiều lễ hội dân gian như vậy? xin thưa, Việt Nam vốn là quốc gia nông nghiệp nên giữa những hoạt động canh tác, có các khoảng thời gian mà nhà nông có thể ngưng làm lụng.
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi …" những lễ hội Xuân của các vùng miền, của các sắc dân thiểu số góp phần tô điểm cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Sau ba ngày Tết Mậu Tý, Thy Nga xem thấy đã có ít ra là các lễ hội sau đây:
- Mồng 4 Tết, hội "Xuống đồng" ở Sa Pa. Đây là ngày lễ truyền thống của các sắc dân Tày, Dao, H'mông để cầu xin Trời Đất cho mùa màng được tốt tươi.
"Hẹn hò" qua tiếng sáo Mèo của người H'mông, do nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thổi …
- Mồng 5 vừa qua, những người Pà Thẻn ở Hà Giang lên Hà Nội, trình diễn "Đêm nhảy lửa" tại sân trước Bảo Tàng Dân tộc học Việt Nam. Dân chúng hết sức thán phục khi xem thấy họ biểu diễn, lao vào đống lửa.
Trong 54 sắc dân thiểu số tại Việt Nam, chỉ người Pà Thẻn mới có lễ "Nhảy lửa" mang tính cách thần bí như vậy.
- Sáng mồng 6, như hằng năm, là lễ khai hội chùa Hương.
"Đi chùa Hương" Thanh Lan hát …
"Thuở trước, có một người con gái, mùa Xuân theo cha mẹ đi trẩy hội chùa Hương, đã phải lòng chàng trai tài hoa phong nhã …" bài viết của Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương đã mở đầu như thế về câu chuyện của cô gái trong bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Nhược Pháp.
XINJIANG UYGHUR AUTONOMOUS REGION - Tối mồng 6, lễ hội "Cội nguồn dân tộc Việt Nam" được khai mạc tại tỉnh Phú Thọ là nơi có đền thờ Mẹ Âu Cơ, và từ mồng 7 tháng Giêng, như hằng năm, dân chúng lại nô nức hành hương về nơi đất thiêng này. Hội sẽ kết thúc vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, 10 tháng Ba âm lịch.
- Và rồi, như câu ca dao
“Mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu, mồng 9, đâu đâu trở về hội Gióng …”
- Ðến rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm âm lịch, là ngày vía của Phật Tổ. Các cụ có câu
“Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, chỉ nghe đã thấy cái rộn ràng của lễ hội và của lòng người hướng về cõi tâm linh trong các ngày đầu năm.
Những lời cầu xin, chẳng biết có được như ý nguyện không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi đi lễ đầu năm trở về, tâm hồn của họ như được thắp sáng hơn và ngày mai, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.”
"Khúc Xuân" của Võ Thiện Thanh …
Trong âm thanh nhạc bản "Khúc Xuân" Lam Trường hát, Thy Nga mến gửi đến quý thính giả và các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất của mùa Xuân.