Cổ phiếu sụt giá, "tâm lý đàn bầy"

0:00 / 0:00

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Chuyện suy trầm hay khởi sắc của các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên đối với người Việt đầu tư ở trong nước thì diễn tiến hôm thứ Ba có lẽ là lần đầu tiên mới được quan tâm theo dõi. Lê Dân thu nhặt thêm một số thông tin xoay quanh sự kiện đó để trình bày cùng quý vị.

ChinaStockMarket150.jpg
Những nhà đầu tư Trung Quốc đang xem giá tại sàn chứng khoán ở Thượng Hải hôm 1-3-2007. AFP PHOTO

Hôm thứ Ba, tin tức về Thị trường Chứng khoán Tổng hợp Thượng Hải sút giảm 9,2% được loan ra, gây một làn sóng chấn động vòng quanh thế giới.

Trước hết là các thị trường Tokyo, Xơ-un, Hồng Kông, rồi lan sang Jakarta, Bangkok, Mumbai....Thị trường châu Âu Dow Stoxx mất 3% và sau cùng là các thị trường Dow Jones, S&P....tất cả đều sụt giảm.

Tối thứ Ba tại New York, ông Todd Leone, giám đốc giao dịch chứng khoán của công ty đầu tư Cowen&Co. cho biết là cả buổi chiều tại Thị trường Chứng khoán New York chỉ có một hoạt động duy nhất là bán, bán ra tất cả mọi loại cổ phiếu, mà không ai mua vào. Ông kể là mà hình máy vi tính của ông chỉ toàn màu đỏ, nhóm chứng khoán nào cũng chỉ xuống và xuống.

Cao nhất kể từ thập niên qua

Các nhà phân tích lý giải việc thị trường chứng khóan Thượng Hải và Thẩm Quyên sụt giảm 9%, cao nhất kể từ thập niên qua, là hệ quả của thông tin về việc Bắc Kinh sắp ra tay "chấn chỉnh" những hoạt động mà họ gọi là bất hợp pháp, đã khiến giá cổ phiếu bị nâng quá cao, hơn giá trị thực của chúng.

Bản thông cáo trên trang điện tử của chính phủ Trung Quốc cho biết một ủy ban đặc nhiệm sẽ được thiết lập nhằm đưa ra những biện pháp để "chỉnh đốn" các hoạt động mua bán cổ phiếu trái phép.

Sáng thứ Tư tại Trung Quốc, các nhà đầu tư lại xôn xao với tin cho hay chính quyền sẽ áp thuế lợi tức cá nhân tới 20% đánh trên lợi nhuận do cổ phiếu mang lại. Dù chưa có gì là chính thức, nhưng tin đó lại khiến giá cổ phiếu tại các thị trường Thẩm Quyên, Thượng Hải và cả Hồng Kông thêm một phen long đong.

Điểm lại tình hình phát triển của thị trường chứng khoán Trung Quốc, người ta sẽ thấy dễ dàng là thị trường chứng khoán Việt Nam hiện cũng đang theo con đường này.

TaipeiStockMarket150.jpg
Màn hình có chỉ giá thị trường chứng khoán ở Đài Bắc hôm 1-3-2007. AFP PHOTO

Thị trường chứng khóan Trung Quốc dù đã thành hình từ cả thập niên trước nhưng chỉ mới khởi sắc trở lại kể từ tháng Sáu năm ngoái. Đó là sau khi Bắc Kinh trở lại cho phép các doanh nghiệp được đưa cổ phần khởi điểm ra bán ngoài công chúng, thường gọi tắt là IPO.

Đã có những cổ phiếu của các doanh nghiệp được xem là "hot", tăng giá từng ngày trên thị trường chứng khoán của Hoa Lục. Kế tiếp, Nhà nước Trung Quốc còn quyết định bán cổ phiếu do nhà nước làm chủ, tổng trị giá tới 200 tỷ đôla. Vài doanh nghiệp hàng đầu của nhà nước còn niêm yết ra thị trường chứng khoán nước ngoài, chẳng hạn như của Ngân hàng Công-Thương Trung Quốc.

Trong năm ngoái, thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng 130%, và chỉ từ đầu năm nay cho đến trước Tết cũng tăng thêm 12% nữa.

Thị trường chứng khoán nóng như vậy đã khiến Nhà nước Bắc Kinh quan ngại. Đầu tháng Hai, phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc công khai tuyên bố rằng hai thị trường Thẩm Quyên và Thượng Hải đã tăng quá mức thực tế nên ông lo ngại tình trạng bóng xì hơi có thể xẩy ra.

Ngay trong tuần đó, hai thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt mất 11%, nhưng rồi lại nhanh chóng tăng tiếp, lên những kỷ lục mới. Để rồi xảy ra ngày 'thứ Ba đen" vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 100 tỷ đôla trị giá cổ phiếu, kéo theo sự suy giảm tại các thị trường tòan cầu.

Lời cảnh báo nghiêm khắc

Thủ tướng Úc John Howard hôm qua cho biết sự kiện đó chưa đáng quan ngại, nhưng rõ ràng nó là một lời cảnh báo nghiêm khắc.

Lời cảnh báo đó có thể được áp dụng cho Việt Nam hay chăng ? Xin thưa là đã có lời cảnh báo nghiêm trọng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gởi đến bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam hôm mùng 7 Tết, tức 23 tháng Hai vừa qua.

Bản báo cáo của định chế tài chính quốc tế này so sánh thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường tương tự trong khu vực khi có đợt lên giá cổ phiếu mạnh.

Ông Vũ Bằng, chủ tịch Ủy ban Chứng khóan Nhà nước Việt Nam, cho báo chí biết bản báo cáo của IMF viết là "kể cả khi so sánh tỷ lệ phần trăm và chỉ số P/E thì mức P/E bình quân của thị trường Việt Nam đều cao hơn mức bình quân của các nước trong những thời điểm cao nhất của họ".

Chúng tôi xin giải thích thêm, P là Purchase, còn E là Earning theo tiếng Anh. Tỷ số đó có nghĩa là giá cổ phiếu khi mua, tỷ lệ trên tiền lãi cổ tức được chia trong 1 năm.

Nếu mua 1 cổ phiếu giá 100 ngàn và mỗi năm được chia cổ tức 10 ngàn, chỉ số P/E là 100/10. Có nghĩa là bỏ tiền mua cổ phiếu đó thì sẽ lấy lại vốn trong vòng 10 năm, sau đó là ngồi không hưởng lợi. Con số bình quân được xem là lành mạnh nằm trong khoảng từ 8 đến 15 mà thôi.

Tuy nhiên hiện đã có nhiều cổ phiếu gọi là "hot" ở Việt Nam có chỉ số P/E cao tới hàng mấy chục lần, chẳng hạn 360/8, hay 268/ 5 thì thử hỏi bao nhiêu thập niên nữa mới lấy đủ vốn, chưa nói tới lời ? Đó là những cổ phiếu không thực tế, mà khi hiện tượng bóng xì hơi xảy ra thì những kẻ đầu tư chậm chân sẽ phải gánh hết hậu quả thua lỗ.

Tổng số thua lỗ đó chỉ trong ngày thứ Ba vừa qua trên thị trường chứng khoán Trung Quốc ước lượng là 100 tỷ đôla. Nhưng nền kinh tế khổng lồ của Hoa Lục có thể dần dần bù đắp được, còn nếu xảy ra ở Việt Nam thì sẽ ra sao ? dù là với tổng trị giá cổ phiếu thua lỗ có ít hơn nhiều lần đi chăng nữa.

Đó là lời cảnh báo nghiêm khắc mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa gởi tới bộ Tài Chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam hôm mùng 7 Tết.