Chuyện dài về nạn quan quyền chiếm đất tại Việt Nam

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Lấy đất công để chia cho gia đình , bà con mình là một hiện tượng phổ biến từ Nam chí Bắc hiện nay. Tại Huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang, báo chí phanh phui ra các chuyện động trời của các quan chức trong huyện. Điển hình là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện, có con mới 10 tuổi cũng được cấp gần 4 hecta đất và sau đó cũng được phép bán lô đất này.

0:00 / 0:00
DongThapLandDispute200.jpg
Nhiều vụ khiếu kiện nhà đất tiếp diễn không thôi và chưa có cách giải quyết thỏa đáng. @ RFA Photo

Một ông lớn khác là bí thư một thị trấn trong huyện có con mới 16 tuổi cũng sở hữu hơn 24 ngàn mét vuông đất. Tỉnh Thái Nguyên miền Bắc cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Tại xã Tân Cương thuộc thành phố Thái Nguyên, theo một quuyết định từ năm 1997, 50 hécta đất tại khu vực Soi vàng 1 và 3 được giao cho các hộ dân tại đây để trồng vải thiều nhưng phần lớn số đất này đã vào tay các vị lãnh đạo Thành Phố.

Theo phản ánh của người dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thì gần 3000 hécta đất của Nông Trường Ấp Bắc sau khi giải thể được giao cho xã Tân Hoà Tây quản lý.

Một thời gian sau người dân được biết những chủ nhân của các lô đất của nông trường toàn là cán bộ cao cấp trong huyện. Hơn thế nữa ngoài vợ, ngay cả con của những vị này dù trong độ tuổi từ 10 đến 14 cũng nghiễm nhiên trở thành chủ đất.

Điều kỳ lạ là các chủ đất tí hon này cũng được phép bán những lô đất do mình đứng tên. Trong khi đó người dân cần đất lại không đuợc cấp đất. Nếu được cấp đất thì sau đó cũng bị thu hồi vì những lý do này nọ.

Đứa con nhỏ xíu mười mấy tuổi cũng đứng giấy. Coi như đứng đỡ rồi sau đó đem đi bán. Hồi trước của dân sau nông trường trả lại cuối cùng mấy ông chia cho nhau chứ không có dân ở ngoài.

Hỏi về chuyện chiếm đất công của mấy ông lớn trong huyện Tân Phước, một cư dân tại xã Tân Hoà Tây cho biết: "Đứa con nhỏ xíu mười mấy tuổi cũng đứng giấy. Coi như đứng đỡ rồi sau đó đem đi bán. Hồi trước của dân sau nông trường trả lại cuối cùng mấy ông chia cho nhau chứ không có dân ở ngoài."

Một người trẻ tuổi cũng kể về chuyện đất đã cấp rồi bị thu hồi trở lại như sau: "Số người không có nhà cửa được cấp, cấp đả rồi lại thu hồi. Thường mấy ông cơ quan như vậy đó. Mấy ông có đất đai còn mình không có miếng đất."

Một viên chức nhà nước huyện Tân Phước quả quyết là chuyện này đã được giải quyết xong rồi nhưng không nêu rõ chi tiết. "Dân chúng ta đồn như vậy chứ coi lại không có. Ở ngoài Ủy ban Nhân Dân tỉnh có vô giải quyết giờ xong hết rồi đâu có gì đâu."

Tuy nhiên khi đuợc hỏi là việc này báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật mới đăng gần đây và Tỉnh Tiền Giang cũng mới chỉ cử Chánh Thanh Tra Nhà Nước đến huyện Tân Phước xem xét vụ việc vào đầu tháng ba thì làm sao giải quyết nhanh chóng như thế thì lúc ấy ông mối thú nhận là không đọc các báo khác ngoài báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân nên không biết rõ những diễn biến kế tiếp:

“Báo tuổi trẻ ở đây không có coi, coi báo Quân Đội và Nhân Dân thôi vì là công nhân viên chức nhà nước nên có qui định phải coi báo đó.”

Trở ra ngoài Bắc, tại thành phố Thái Nguyên, dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu vực bãi Soi Vàng, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên được phê duyệt vào tháng 8 năm 1997.

Theo dự án này, với sự hỗ trợ của nhà nước, đất Soi vàng được biến thành các trang trại kinh tế gia đình. Mỗi hộ được giao từ một đến hai hécta đất và thời gian giao đất là 30 năm.

Ngoài ra các hộ dân được trợ giá 30% giá cây trồng, được miễn thuế đất 3 năm đầu và được sử dụng 300 mét vuông đất để xây dựng nhà cửa.

Tuy nhiên trong một cuộc điều tra gần đây của báo Lao Động thì hầu hết các trang trại tại vùng Soi Vàng do các viên chức cao cấp của Tỉnh, Thành Phố như Bí Thư Thành Ủy, Phó Ban tổ chức Tỉnh Ủy, Phó Công An Thành Phố.., Giám Đốc mỏ than… làm sở hữa chủ. Các viên chức này hầu hết đều có từ năm đến 7 hécta đất trong khi theo qui định mỗi hộ chỉ có thể sở hữu 2 hécta đất.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Một người dân cư ngụ tại xã Tân Cương xác nhận: "Đa số mấy trang trại đều là của người ngoài xã. Báo đăng như vậy là đúng. Đa số đều của các quan chức còn dân thì không có mấy."

Trong khi đó một cán bộ làm việc tại Thành Phố Thái Nguyên có ý kiến trái ngược: "Thời điểm năm 96, 97 nhân dân ở đây đất đai rất nhiều người ta có dùng đến đâu. Lúc bấy giờ người ta mua rồi hiệu quả cây vải không thành công rồi ngươi ta bán cho người khác. Chớ không phải người ta qui họach để bán lại cho lãnh đạo thành phố. Việc xảy ra hàng chục năm nay rồi không thể so sánh với bây giờ."

Việc chiếm đất công chia chác cho gia đình rồi bán lấy tiền bỏ túi tại huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang cũng như việc xây trang trại trên đất lẽ ra dân được cấp tại xã Tân Cương , thành phố Thái Nguyên đã làm cho các vụ khiếu kiện nhà đất tiếp diễn không thôi và chưa có cách giải quyết thỏa đáng.