Nguy cơ thiếu đói của nông dân ở những vùng bị ảnh hưởng bão số 7

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Bão số 7 gây thiệt hại cho nhiều vùng ở Bắc Việt Nam cả về nông và ngư nghiệp. Mùa màng thất bác dự báo trước tình trạng đói kém trong thời gian tới. Vậy vấn đề gạo để có thể giúp người dân tại những vùng bị nguy cơ trong thời gian tới thế nào? Gia Minh trình bày vấn đề trong phần sau.

FarmerRice200.jpg
Bão số 7 gây thiệt hại cho nhiều vùng ở Bắc Việt Nam cả về nông và ngư nghiệp. Mùa màng thất bác dự báo trước tình trạng đói kém trong thời gian tới. AFP PHOTO

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương hôm đầu tuần qua đưa ra thống kê sơ khởi về những thiệt hại do trận Bão số 7 gây nên là có 69 người chết và mất tích, hơn 4,700 căn nhà bị đổ trôi, đê biển và đê cửa sông sạt lở, hơn 77 ngàn 800 mét, hoa màu bị thiệt hại đến hơn 300 ngàn héc ta.

Những người đến chứng kiến tại chỗ mới thấy rõ sự hoang tàn và nhận ra rằng tác động của những thiệt hại do bão gây ra sẽ kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm tới.

Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn, thuộc Ủy Ban Bác ái- Xã hội Công giáo có nhận xét sau khi ông đến cứu trợ khẩn cấp tại những nơi bão đi qua: "Ruộng vườn nhiễm mặn như vậy sẽ đói kém đến mấy năm."

Nguy cơ đói không phải là một nhận định bi quan, bởi vì hầu hết dân chúng vùng ven biển Bắc Bộ là những người ‘gạo chợ, nước sông’. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, hoặc đi biển. Thế rồi ngược lên mạn trung du và thượng du Bắc phần, hầu như tất cả cũng dựa vào nghề nông là chính. Nay hoa màu bị hư hại, đất đai nhiễm mặn thì không thể một sớm một chiều có thể khôi phục lại sản xuất.

Trông nhờ vào nhà nước

Trong lúc khốn khó như thế, người dân chỉ trông nhờ vào nhà nước. Vậy số gạo dự trữ có thể cứu đói cho dân hay không? Cũng vào ngày đầu tuần, chính phủ trung ương cơ bản đồng ý với các cơ quan chức năng về việc xuất 294 tỷ đồng và 3700 tấn gạo để giúp nhân dân vùng bị ảnh hưởng Bão số 7.

Khi có thiên tai thì cục xuất gạo, lương thực ra theo chỉ thị nhà nước. Bình thường thì thu mua vào và bảo quản theo phương pháp khí trơ chân không để được lâu. Chuyện gạo mốc ở Bình Thuận là của các doanh nghiệp chứ không phải của Cục.

Liên quan đến vấn đề gạo thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có tờ trình với chính phủ đề nghị tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Lý do là sợ nếu cho xuất ào ạt như cũ thì sẽ có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.

Ngay sau đó, hiệp hội của những nhà xuất khẩu gạo Việt Nam Vietfoods lên tiếng nói là chính phủ nếu cần chỉ nên giữ lại từ 200 ngàn đến 300 ngàn tấn gạo thôi; số còn lại vẫn cho tiếp tục ký xuất khẩu. Hiệp hội này lập luận là đến đầu tháng 10 vừa qua lượng gạo tồn kho vẫn còn khoảng 900 ngàn tấn, đó là chưa kể lúa vụ ba đang thu hoạch. Dự kiến trong tháng 10 này các doanh nghiệp sẽ xuất từ 250 ngàn đến 300 ngàn tấn, và theo hiệp hội như vậy vẫn còn từ 650 ngàn đến 700 ngàn tấn.

Chủ tich Vietfoods, ông Trương Thanh Phong, nói rằng năm nay vụ đông xuân xuống giống sớm và có thể bắt đầu thu hoạch vào tháng giêng sang năm; cho nên nêu yêu cầu các doanh nghịêp giữ lại số lượng gạo lớn thì dẫn đến giá lúa giảm; thế rồi gạo hè thu giữ trong kho lâu sẽ giảm chất lượng.

Gạo trong kho dự trữ

Nói đến chất lượng gạo trong mùa cứu trợ, làm người ta nghĩ đến vụ cấp gạo cứu đói mốc cho người dân ở Bình Thuận sau đợt hạn hán nặng nề vừa qua. Vậy gạo trong kho dự trữ của nhà nước được bảo quản ra sao, và luân chuyển thế nào để không phải để cho gạo mốc đi?

Một viên chức tại Cục Dự Trữ Hà Nội cho biết: "Khi có thiên tai thì cục xuất gạo, lương thực ra theo chỉ thị nhà nước. Bình thường thì thu mua vào và bảo quản theo phương pháp khí trơ chân không để được lâu. Chuyện gạo mốc ở Bình Thuận là của các doanh nghiệp chứ không phải của Cục."

Dân gian Việt Nam có câu ‘cám treo, heo nhịn đói’. Vào lúc này câu nói đó thật ý nghĩa, không lẽ người dân của quốc gia từng vươn lên hàng thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới, lại phải đói khát trong những lúc thế này.

Dù rằng lâu nay trong thực tế người nông dân cũng không thể khá lên từ hạt gạo, như nhận định của ông Bùi Chí Bửu, Trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long: "Làm lúa ở Việt Nam thì đâu giàu được, mục tiêu 50 triệu một héc ta chưa đạt được."

Người nông dân làm ra hạt gạo để nuôi sống bản thân; tuy nhiên lâu nay họ vẫn chưa hưởng lợi đúng mức theo công sức bỏ ra. Nhà xuất khẩu thì mong làm sao bán được nhiều để kiếm lãi. Làm thế nào để hài hoà được hai mục tiêu đó là nhiệm vụ của nhà nước trong điều tiết, đặc biệt vào những lúc thất bát, mất mùa đói kém như hiện nay.

Sáu mươi năm trước cũng vào năm Ất Dậu, do chiến tranh- địch hoạ có đến hai triệu người dân Việt ở miền Bắc phải chết đói. Thảm họa đó hẳn không thể nào tái diễn trong năm Ất Dậu hiện nay trên diện rộng, nhưng từng mảnh đời riêng lẽ có thể sẽ gặp nếu như họ không được nhà nước, xã hội quan tâm.