Gia Minh, phóng viên đài RFA
Thêm một cơn bão đang tiến vào Biển Đông và theo dự báo có khả năng nhắm đến các tỉnh miền Trung Việt Nam, nơi vừa chịu sự tàn phá của trận bão số 6 hay còn gọi là Bão Xangsane. Gia Minh tổng hợp tin tức và trình bày.
Tin dự báo thời tiết cho hay có khả năng bão Cimaron, theo tiếng Philippines là Bò Rừng, sắp đổ bộ vào miền trung Việt Nam.

Các cơ quan khí tượng trong khu vực như Trung Tâm cảnh báo bão của Hải quân Hoa Kỳ, rồi của Hong Kong, vào đêm 30 tháng 10 vừa qua đưa ra nhận định là bão Cimaron trong ngày 31 tháng 10 mạnh lên với sức gío cấp 16 tức gần 200 cây số giờ.
Một viên chức thuộc Cơ quan khí tượng Thủy văn Trung ương Việt Nam xác nhận về các thông tin dự báo đối với cơn bão Cimaron, đối với Việt Nam là trận bão số 7 trong năm nay:
“Chúng tôi luôn cập nhật thông tin vì tính chất phức tạp của bão này, và đưa ra cho các cơ quan để phối hợp theo chỉ đạo của thủ tướng.”
Tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại
Mỗi khi có tin báo bão sẽ đổ bộ, thì nhiệm vụ hàng đầu là phải phòng chống bão để giảm thiểu thiệt hại. Như cơn bão Xangsane vừa qua, dù Việt Nam đã nhận biết trước và có phương án chủ động phòng tránh, thế nhưng do bão quá mạnh nên mức thiệt hại đối với những tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 như Đà Nẵng, Quảng Nam cũng lớn.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam hôm thứ hai ra công điện khẩn chỉ đạo cho ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang phải theo dõi sát diễn biến của bão Cimaron; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, và kêu gọi mọi tàu thuyền đang còn ngòai khơi phải tìm nơi tránh, trú bão.
Ngoài ra, các bộ ngành liên quan như Thủy sản, Tài Nguyên- Môi trường, Giao thông- Vận tải, Quốc phòng, Ngọai Giao phải phối hợp và thực hiện chức năng của ngành trong công tác phòng chống bão sắp đến.
Cùng ngày thứ hai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm người cứu nạn cũng có công điện gửi cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung- Tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, và các tỉnh.
Ban phòng chống lụt bão trung ương của Việt Nam vào ngày thứ hai cũng lại thành lập Ban chỉ huy tiền phương ở Đà Nẵng. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trực tiếp chỉ huy ban tiền phương này. Một công tác quan trọng phải thực hiện trước mắt là việc sơ tán dân phải hòan thành trườc ngày 2 tháng 11 này.
Bộ Y Tế cũng có công điện khẩn về xuất cấp cơ số thuốc phòng chống lụt bão năm 2006. Bộ Y tề yêu cầu các sở y tế trong vùng có thể chịu ảnh hưởng của bão phải tổ chức trực 24/24, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do bão lũ gây ra không được thu bất cứ khỏan phí nào.
Người miền Trung gồng mình chống bão
Đối với người dân trong vùng dự báo sắp hứng chịu cơn bão số 7 thì vấn đề thông tin đến với họ ra sao và mọi công tác chuẩn bị theo nhận xét của họ thế nào?
Một cư dân ở Đà Nẵng cho biết: "Mọi người chuẩn bị hơn lần trước, nhưng mới nghe bão tới giá cả lên rồi."
Tại vùng biển Quảng Nam thì sao? "Nhà bị tốc mái trong cơn bão số 6, nay phải đưa vơ con đi đến nhà kiên cố; vì bị cái chớm của bão số 9 rồi nên giờ yếu."
Và ở Thừa thiên- Huế: "Nhà ven đầm phá thì không cho ra đầm nữa; nơi nào có khả năng bị ảnh hưởng thì cho di dời dân. Loa phóng thanh của huyện, xã, thành phố loan tin bão cho dân."
Có thể nói các tỉnh, thành phố ở ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… hiện vẫn chưa thể khắc phục hết những thiệt hại do trận bão số 6 gây nên cho họ; nay tin bão số 7 với cường độ mạnh hơn khiến mọi người đều lo lắng.
Vào ngày 28 tháng 10 vừa qua, tại cuộc làm việc với ba địa phương thiệt hại nặng nề sau bão số 6 là Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng, thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến phải tập trung giúp dân thóat cảnh màn trời chiếu đất, thiếu đói, gây dựng lại nhà ở. Về lâu về dài, cần phải có quy họach chống bão trên cấp 12, xây dựng cơ chế ưu tiên cho các tỉnh vùng bão lũ miền trung.