Nhận định về làn sóng đình công tại Việt Nam (phần 3)
2006.03.08
Trần Thanh Hiệp
Tại Việt Nam từ trước Tết đến nay, đã xảy ra một loạt các cuộc đình công quy mô lớn, tại các xí nghiệp vốn nứơc ngoài cũng như vốn trong nứơc, tại miền Nam cũng như tại miền Trung, miền Bắc. Để tìm hiểu thêm ý nghĩa của hiện tượng bất thường này, BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris.

Trong hai kỳ trứơc, ông Hiệp cho rằng phải có một giải pháp chính trị cho các cuộc đình công này và đã phân tích khía cạnh pháp lý của chúng. Đây là phần thứ ba và cũng là phần chót của cuộc trao đổi, trong đó luật sư Hiệp phân tích ý nghĩa các cụôc đình công về mặt nhân quyền. Mời quý thính giả theo dõi.
Yếu tố Nhân Quyền
Nguyễn An: Cho đến nay, Luật sư chỉ nhấn mạnh trên mặt chính trị của hiện tượng đình công hiện đang diễn ra ở Việt Nam, không thấy Luật sư đề cập tới mặt nhân quyền của hiện tượng này. Như vậy, Luật sư đã cố ý hay vô tình bỏ quên mặt nhân quyền?
Ls Trần Thanh Hiệp: Tôi không cố ý hay vô tình bỏ quên không bàn đến mặt nhân quyền của đợt đình công hiện nay ở Việt Nam. Thật ra tôi chưa bàn vì tôi đã nhận định vấn đề đình công theo sát với bản chất của nó. Tức là đình công ở Việt Nam, trước hết và trên hết, là một vấn đề chính trị.
Chính sách lao động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa cầm quyền hiện nay không là gì khác hơn sự thể hiện đường lối chính trị đấu tranh giai cấp để cải dụng bằng cách thô bạo định hướng nền kinh tế thị trường tự do, kìm giữ nó ở trong giới hạn nhất định, chỉ để phục vụ cho quyền lợi riêng của Đảng Cộng sản mà thôi.
Tất nhiên đường lối đảng trị có qui mô cả nước này đã bắt cả nước, trong đó đa số là những người lao động, phải trả giá bằng đời sống và thực tế cho thấy giá này rất đắt.
Một quan sát viên quốc tế về lao động người Thụy Điển, bà Elin Gauffin, thành viên Ủy Ban Công Nhân Quốc Tế Thụy Điển, đã nói đó là một biến cố làm rung chuyển cả chế độ, thì tất đã phải có những lý do rất đặc biệt.
Trên cơ sở đó, nếu muốn nói vi phạm nhân quyền thì trước hết hãy nói tới nguồn gốc chính trị của nó tức là đường lối cai trị của nhà cầm quyền. Sau mới xét đến mặt pháp lý để coi xem nhân quyền đã bị vi phạm ra sao.
Tôi cần nói thêm một điều không thể bỏ qua theo đó quyền đình công là một nhân quyền được cả hai Công ước quốc tế 1966 về nhân quyền dự liệu và bảo đảm về đủ các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Ở các nước dân chủ có nền kinh tế thị trường tự do, thật ra mỗi khi có đỉnh công, chỉ cần giải quyềt trên bình diện kinh tế và xã hội là đủ. Nhưng ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì đình công là một vấn đề của chính trị.
Nguyễn An: Trong khi chờ đợi có giải pháp chính trị, có thể bắt đầu giải quyết trên bình diện pháp lý hay không?
Ls Trần Thanh Hiệp: Theo lẽ, các điều khoản của luật quốc tế về quyền đình công đã phải được áp dụng tại Việt Nam nếu các quy phạm của luật quốc tế này đã được hội nhập vào luật quốc nội. Nhưng chính vì lý do chính trị mà luật quốc tế không được áp dụng nên đình công đã bị chi phối bởi luật phi nhân quyền của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khi tôi nói cần tìm giải pháp chính trị là có ý nói nhà cầm quyền Hà Nội phải thi hành nghĩa vụ quốc tế của mình, khởi đầu bằng việc hội nhập thực sự chứ không phải một cách hoàn toàn hình thức, các quy phạm của hai Công ước quốc tế 1966 về nhân quyền vào luật quốc nội.
Có như vậy thì quyền đình công mới được tôn trọng và sử dụng như là một biện pháp tìm kiếm và thực hiện công bằng trong lãnh vực lao động góp phần xây dựng công bằng xã hội. Còn như cứ duy trì nguyên vẹn pháp chế lao động xã hội chủ nghĩa hiện hành thì nạn bóc lột còn tiếp diễn để đưa tới những hậu quả không thể lường trước được.
Quyền đình công theo luật pháp quốc tế
Nguyễn An: Nếu có thể được, xin Luật sư nói rõ thêm về quyền đình công theo luật quốc tế?
Ls Trần Thanh Hiệp: Luật quốc tế về nhân quyền có một nội dung khá rộng, ở đây tôi chỉ xin giới hạn vào hai Công ước quốc tế 1966 về hân quyền là Công ước về các quyền dân sự và chính trị (CUCQDSCT) và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CUQTCQKTXHVH). Đồng thời tôi cũng chỉ tóm tắt rất sơ lược nội dung của phần luật quốc tế quy định quyền đình công trong ba điểm.
Luật lao động ở Việt Nam chỉ cho phép nói tới đình công trên cơ sở thuần túy lao động và bắt buộc có hình thức tranh chấp tập thể thông qua công đoàn. Nhưng ở Việt Nam không có công đoàn tự do, chỉ có công đoàn do Đảng chỉ đạo. Bà chủ tịch của Tổng công đoàn Lao động là một Trung ương ủy viên của Đảng Cộng sản.
Điểm thứ nhất liên quan tới sự công nhận và những bảo đảm của luật quốc tế đối với quyền đình công. Điều 8 của CUQTCQKTXHVH đã minh thị công nhận quyền đình công như một quyền của người lao động, quyền vừa cá nhân vừa tập thể, hành sử trong khuôn khổ một loạt nhân quyền gồm có quyền tự do công đoàn trên địa bàn quốc nội cũng như trên bình diện quốc tế, quyền có việc làm, quyền được trả lương một cách thỏa đáng, công bằng, trong những điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, quyền được huấn luyện kỹ thuật và hướng nghiệp, quyền được đảm bảo một cuộc sống đầy dủ cho mình và gia đình mình.
Luật quốc nội, dĩ nhiên nếu cần, có thể hạn chế quyền đình công nhưng phải vì lý do an ninh quốc gia hay trật tự công cộng xuất pháp từ nhu cầu của một xã hội đã dân chủ chứ không phải hãy còn độc tài. Và, trong mọi trường hợp, không một điều khỏan nào của Công ước này cho phép một nước thành viên giải thích quá rộng để vi phạm Công ước 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế về tự do lập hội, tự do công đoàn.
Cũng nên nói thêm rằng quyền tự do công đoàn này còn được dự liệu và bảo đảm bởi cả CUQDSCT, nơi điều 22 nữa. Nói cách khác, quyền đình công là một nhân quyền vừa có tính chính trị lại vừa có tính kinh tế, xã hội và văn hóa.
Điểm thứ nhì là để duyệt xét nghĩa vụ của nước thành viên Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong việc áp dụng hai Công ước quốc tế về nhân quyền. Một điều đáng kể là trong việc áp dụng luật quốc tế về quyền đình công, nhà cầm quyền Hà Nội, ngoài những nghĩa vụ pháp lý còn có thêm nghĩa vụ chính trị vì các quyền được dự liệu trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là loại nhân quyền đời thứ hai, không cho phép Nhà nước được tự quyền lựa chọn đường lối cai trị bất chấp nhân quyền của dân.
Điểm thứ ba là để nhận định về những hành vi vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội trên địa hạt lao động. Trước sự thật khách quan là công nhân và người lao động tại Việt Nam bị Nhà nước bóc lột một cách tàn tệ, trực tiếp trong khu vực quốc doanh, gián tiếp trong khu vực vốn đầu tư nước ngoài, mức độ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội trên địa hạt lao động phải nói là còn trầm trọng hơn cả trong địa hạt chính trị. Đó là điều mà đợt đình công đã xảy ra đầu năm nay, lần đầu tiên, đã làm hiện rõ.
Giải pháp cho Việt Nam?
Nguyễn An: Luật sư tiên đoán như thế nào triển vọng giải quyết ổn thỏa vụ đình công hiện nay ở Việt Nam?
Ls Trần Thanh Hiệp: Tôi không thấy có cơ sở nào để có thể lạc quan, nhất là đình công đã lây lan sang khu vực quốc doanh. Muốn chấm dứt đình công thì Hà nội sẽ phải hoặc gia tăng đàn áp để ngăn ngừa bằng mọi giá đình công, hoặc thỏa mãn đầy đủ các yêu sách chính đáng của công nhân và người lao động.
Đó là điều mà Hà Nội không làm vì không làm được, chừng nào Hà Nội vẫn còn bám trụ vào đường lối cai trị phi nhân quyền tàn dư của một thời đã qua và còn vì bị vướng mắc bởi áp lực quốc tế, một đường lối cai trị hoàn toàn trái ngược với cả hai Công ước quốc tế 1966 vế nhân quyền mà Hà Nội đã tham gia từ trên 20 năm qua. Cho nên những gì đã xảy ra, kể cả đình công, sẽ tiếp diễn trong không khí tiền-biến-chuyển.
Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Trần Thanh Hiệp.
Các tin, bài liên quan
- Nhận định về những cuộc đình công xảy ra hàng loạt tại Việt Nam (phần 1)
- Ai sẽ nắm chức tổng bí thư đảng trong nhiệm kỳ sắp tới?
- Ông Lê Hồng Hà nhận định về bài viết của ông Nguyễn Đức Bình
- Vai trò của liên đoàn lao động tại Việt Nam
- Đi chợ Tân Thanh ở Lạng Sơn
- Chuyện dài về nạn quan quyền chiếm đất tại Việt Nam
- Nhà báo Bùi Tín tổng kết những đóng góp ý kiến về Dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội 10
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 3)
- Công an bố ráp những người chờ khiếu kiện đang ở tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng
- 8 công nhân thiệt mạng trong một vụ nổ hầm mỏ ở Quảng Ninh
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 2)
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 1)
- Tiến sĩ Phan Ðình Diệu bàn về một hướng ra cho Việt Nam
- Tiến sĩ Phan Ðình Diệu góp ý với Dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội 10
- Nguyên nhân của làn sống đình công lan rộng trên toàn quốc
- Sinh viên Việt Nam du học tại Pháp đóng góp ý kiến vào bản dự thảo báo cáo chính trị đại hội X
- Giới báo chí được nhắc nhở phải “thông tin có liều lượng” về các cuộc đình công
- Vì sao những vụ đình công qui mô lớn gần đây liên tục xảy ra?
- Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X thiếu trung thực (phần 2)
- Doanh nhân trong nước nhận xét gì về tình trạng đình công lãn công hiện nay?
- Tiếng kêu cứu của những gia đình tại tỉnh Bình Dương đã được lưu tâm
- Chủ tịch Trần Đức Lương xin lỗi các doanh nghiệp Nhật Bản về việc công nhân đình công
- Dịch vụ viễn thông và điện thoại ngày càng phát triển tại Việt Nam
- Công nhân các khu công nghiệp ở Đồng Nai và Tây Ninh tiếp tục đình công
- Nông dân Quảng Nam phải phá quế trồng các lọai cây khác