Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Lâu nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng về hoạt động sản xuất cá tra và basa, nhưng hầu như chưa nghe nói tới việc nuôi cá chạch lấu – lòai cá có kích thước khá lớn, thịt ngon, bổ dưỡng.

Mới đây, được tin Bộ môn Thủy Sản thuộc Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên của Trường Đại Học An Giang đã nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo cá chạch lấu, tạo triển vọng mới cho ngành thủy sản trong vùng.
Người thực hiện công trình nghiên cứu này là Thạc Sĩ Phan Phương Loan thuộc Bộ môn Thủy sản vừa nói. Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Thạc Sĩ Phan Phương Loan cho biết:
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Việc này do tôi tự nghiên cứu. Kinh phí ban đầu do tôi bỏ tiền túi ra cho nên nuôi mấy chục con cá chạch lấu thôi. Nuôi cá trong bễ dã chiến – tức hồ nhỏ có lót cao su. Từ lúc bắt đầu nuôi vỗ cho tới lúc cá có trứng thì mất khỏang 4 tháng. Tôi cho cá đẻ mới có 3 cặp thôi. Tỷ lệ thụ tinh của nó tương đối thấp thôi, nhưng tỷ lệ sống của cá con rất tốt, khỏang trên 80%.
Hôm nay đàn cá nhỏ, đang ương ở Trường Đại Học An Giang, được khỏan một tháng rưởi rồi, đang sống tốt. Sau một tháng rưởi, chiều dài của những cá con hiện nay khỏang trên 5 cm.
Thanh Quang: Như vậy là đầu tiên Thạc sĩ chọn cá bố mẹ…
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Chọn mấy con đó là do tôi mua từ môi trường tự nhiên, nơi người ta đặt vớ, giở chà…bắt được. Rồi đem về nuôi lên. Hiện nay tôi đang được trường hỗ trợ để làm tiếp.
Thanh Quang: Xin Thạc sĩ giải thích rõ hơn phương pháp sinh sản nhân tạo này ?
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Phương pháp thụ tinh nhân tạo có nghĩa là nuôi cá lớn lên rồi chích cho nó đẻ; Mình vuốt trứng ra, vuốt tinh ra, rồi cho thụ tinh và cho nó nở ra. Sinh sản nhân tạo là do con người hòan tòan can thiệp vô tất cả các khâu.
Thanh Quang: Như vậy cá được sinh sản nhân tạo và cá tự nhiên có gì khác biệt không, nhất là về thời gian tăng trưởng, về chất lượng thịt ?
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Đối với lòai này thì cuộc nghiên cứu chưa hòan tất. Nhưng nếu cho nó sinh sản nhân tạo, thì mình phải chủ động được giống. Nếu ở ngòai môi trường tự nhiên thì nó có thể đẻ một vụ, nhưng nếu mình đưa vào nuôi vỗ, cho nó ăn tốt, thì nó có thể tăng lên hai, ba vụ trong một năm. Thứ hai là nếu mình cho sinh sản nhân tạo thì mình có thể làm được một số lượng lớn đồng loạt cùng một lúc để cung cấp cho người dân nuôi.
Thanh Quang: Thời gian tăng trưởng của cá sinh sản nhân tạo có giống như cá ở môi trường tự nhiên không ?
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Trong điều kiện mình làm phương pháp nhân tạo thì có thể cá tăng trưởng nhanh hơn vì mình cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá trong khi ở ngòai tự nhiên nó phải đấu tranh sinh tồn, bị chết…
Thanh Quang: Như vậy hiện cá chạch lấu nuôi theo phương sản sinh sản nhân tạo chưa có con nào trưởng thành nên vẫn chưa rõ chất lượng thịt cá ra sao ?
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Chưa. Việc này tôi mới làm lần đầu.
Thanh Quang: Cá nuôi theo phương pháp nhân tạo này có dễ nuôi không, có cần mức đầu tư gì nhiều không, hay nói chung có thể gặp khó khăn ra sao ?
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Hiện giờ cuộc nghiên cứu chỉ mới bước đầu và rất là thuận lợi. Nếu muốn đưa con giống về cho người dân thì mình phải nhân rộng ra. Hiện nay Đại Học An Giang đang đầu tư cho tôi làm việc này để có thể hòan thiện quy trình khép kín từ đầu tới cuối, rồi lúc đó sẽ công bố sau.
Thanh Quang: Như vậy thì chừng bao lâu nữa thì chu trình nuôi khép kín này sẽ hòan tất ?
Thạc Sĩ Phan Phương Loan: Chậm nhất là một năm. Còn có thông tin sớm chừng nào sẽ công bố chừng nấy.
Thanh Quang: Cảm ơn Thạc sĩ Phan Phương Loan rất nhiều.