Giá đường trong nước cao hơn so với hàng nhập khẩu
2005.05.23
Gia Minh, phóng viên đài RFA
Thông tin giá cả trong nước vào trung tuần tháng năm vừa qua cho thấy giá đường tinh luyện RE hay còn gọi là đường cát trắng ở mức từ 7200 đến 7400 đồng một ký, đường vàng RS ở mức 7,000 đến 7,100 đồng một ký. Tỷ lệ tăng giá được tính toán là từ 20 đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó đường từ bên Kampuchia đưa sang bán tại chợ biên giới chỉ từ chừng 5 ngàn đến năm ngàn ruỡi đồng một ký mà thôi. Mà giá cả chênh lệch như thế là điều kiện thật hấp dẫn để người dân đi buôn đường từ nước ngoài đưa vào.
Hẳn nhiên tình hình giá đường tăng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và các công ty sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu đường. Giám đốc công ty TNHH Đông Á chuyên sản xuất kẹo dừa tại Bến Tre cho biết về mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp: "Giá đường tăng nên lợi nhuận phải giảm thôi."
Nguyên nhân
Nguyên nhân giá đường trong nước cao được giải thích là vì tình trạng hạn hán kéo dài trong thời gian qua khiến vụ mía không được dồi dào; thế rồi giá vật tư xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí vận chuyển, tất cả đều tăng khiến giá thành phải tăng lên.
Ngành mía đường thì cho rằng họ vẫn có thể sản xuất đủ lượng đường cho tiêu dùng trong nước. Và Hiệp hội Mía Đường đề nghị với nhà nước không cho nhập khẩu đường vào.
Một chuyên viên trong ngành mía đường cho biết lý do mà ngành mía đường kiến nghị không cho nhập khẩu đường hiện nay: "Người ta muốn giữ bình ổn cho giá đường. Thực chất 40 nhà máy đường đối với VN không phải là nhiều."
Tuy nhiên nhiều người không đồng ý với lối giải thích của ngành mía đường vì trong thực tế ngành này đang trong cơn khủng hoảng cả chục năm qua và lối thoát vẫn còn le lói như ánh sáng cuối đường hầm.
Cổ phần hoá các nhà máy đường
Bạn nghĩ gỉ về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam công bố hôm ngày 17 tháng tư rằng có 22 nhà máy đường bị thua lỗ, thực chất thì số này chết đã lâu và trông chờ vào sự hà hơi tiếp sức của nhà nước.
Theo kế hoạch của chính phủ Hà Nội thì trong năm nay phải cổ phần hoá hết các nhà máy đường để đến sang năm tất cả đều kinh doanh sản xuất có lãi.
Ông Nguyễn Xuân Thảo, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư phát biểu là nếu nhà máy nào không cổ phần hoá được thì sẽ tiến hành giao, bán, khoán, cho thuê. Còn các nhà máy nào đã cổ phần hoá được mà sau hai ba năm không có lãi dứt khoát phải cho phá sản.
Tuy nhiên có những nhà máy rao mà bán không phải dễ. Nhà máy đường Kiên Giang nợ đến 358 tỷ đồng và nay muốn bán. Có Việt kiều Australia ngỏ ý mua trả chậm, công ty Mía đường Cần Thơ cũng muốn mua, và cán bộ, công nhân viên của chính nhà máy để nghị cho họ mua. Tuy nhiên những quyết định về giá bán, người được mua và khi nào thì cho bán còn cần chờ ý kiến cấp trên.
Những khoản nợ chồng chất
Vấn đề lớn của những nhà máy đường hiện nay là khoản nợ chồng chất mà họ đang gánh. Làm sao để giải những khoản nợ này? Thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết tính đến cuối năm 2003, dư nợ của các doanh nghiệp chế biến đường là gần 5 ngàn tỷ đồng, ngoại tệ nợ đến gần 75 triệu đô la Mỹ và nợ các khoản thu ngân sách đến hơn 85 tỷ đồng.
Hồi giữa tháng tư vừa qua, công tác kiểm toán các nhà máy đường được cho biết đã cơ bản hoàn thành. Đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho công tác tiếp theo là xử lý tài chính, rồi cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê theo kế hoạch của nhà nước.
Thiếu nguyên liệu mía
Tuy vậy, theo nhiều người nguyên nhân sâu xa khiến nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, hay phá sản vì do quy họach xây dựng nhà máy tại những vùng không thể phát triển nguồn nguyên liệu mía.
Ông Dương Công Tiễn, giám đốc nhà máy đường Cam Ranh, tại Khánh Hoà thừa nhận về tình trạng thiếu nguyên liệu mía của công ty ông: "Cam Ranh đang tích cực đầu tư để mở rộng nguồn nguyên liệu, thiếu nên hoạt động không hết công suất. Con đường mở rộng diện tích đáp ứng cho nhà mày là đường mà công ty đang làm."
Trong thập niên trước, do tâm lý người ta làm được thì mình cũng làm nên nhiều nhà máy đường được xây dựng mà không tính đến khả ngăn nguồn cung ứng nguyên liệu.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên viên cấp cao cố vấn Bộ Kế hoạch- Đầu Tư, cho biết về tình trạng quy hoạch sai lệch đó: "Những vùng như Quảng Trị gió Lào lại đi trồng mía nên lá mía bị khô; nay phải điều chỉnh lại."
Như thế ngoài công tác xử lý tài chính, biện pháp qui hoạch vĩ mô là bài học lớn cần phải được rút ra để không chỉ giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay mà còn đón đầu để có thể xuất khẩu đường trong tương lai. Thị trường tiềm năng là nước láng giềng Hoa Lục với lượng dân trên một tỷ ba trăm triệu người.
Những bài liên quan
- Anh Quốc giúp Việt Nam trả nợ: có lợi hay hại nhiều hơn?
- Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có giúp thế giới thịnh vượng?
- Đông Á bất an
- Đầu tư vào Việt Nam
- Đông Á bất an
- Kinh tế Việt Nam, 30 năm sau chiến tranh, dưới mắt một ký giả ngoại quốc
- Miền Nam: Đầu Máy Tăng Trưởng
- Thành phố cảng Đà Nẵng có nhiều khả năng cạnh tranh hơn so với Bangkok
- Kinh tế Việt Nam sau 30 có những thay đổi gì?
- Ba mươi năm kinh tế học
- Chi thu của Kinh tế Hoa Kỳ
- Nguyên nhân bất ổn của kinh tế toàn cầu
- Viễn ảnh Kinh tế Thế giới
- Cải cách Ngân hàng
- Cải tổ Ngân hàng Thế giới