Nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long khó bán được mía dù giá giảm mạnh


2006.12.31

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ và huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng đang như ngồi trên lửa vì mía đã chín quá lứa và trổ cờ trắng xóa nhưng không thấy thương lái hoặc các nhà máy đường trong vùng đến thu mua dù giá mía tụt dốc thê thảm.

OldwomanSugar150.jpg
AFP PHOTO

Đầu mùa, giá mía vào khoảng 380 ngàn đồng một tấn, nay chỉ còn 220 ngàn đồng một tấn nhưng nông dân vẫn không bán được. Tình trạng mang công nợ vì cây mía đang tiếp diễn tại những vùng đất mà nông dân hy vọng sẽ xóa đói, giảm nghèo nhờ cây mía.

Vào cuối vụ ép mía năm 2005, do thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy đường tranh nhau thu mua mía khiến giá một tấn mía có lúc lên cao đến hơn 750 ngàn đồng một tấn.

Do đó tại nhiều địa phương, nông dân phá bỏ các ruộng lúa, triệt hạ các lọai cây khác để trồng mía. Chẳn hạn như tại Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nông dân đốn bỏ nhãn sắp ra trái để trồng mía. Theo tính tóan của người dân Cù Lao Dung, mỗi hécta nhãn chỉ thu lãi 15 triệu đồng trong khi một hécta mía có thể được 60 triệu đồng tiền lãi.

Hoặc như tại Kiên Giang, nhiều nông dân phá lúa, phá khóm để trồng mía. Trong khi đó tại Hậu Giang nông dân phá tràm để trồng lại cây mía mà trước đó họ đã từng đốn bỏ để trồng tràm vì mía rớt giá.

Thừa mía

Tình trạng đua nhau trồng mía đã khiến cho vào cuối tháng 8 năm nay, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đưa ra nhận xét là trong những tháng cuối năm 2006 có khả năng là thừa mía nguyên liệu. Đặc biệt là tại vùng ĐBSCL, các nhà máy đường phải chạy đến 140% công xuất họa may mới có thể tiêu thụ hết mía của nông dân.

Bây giờ mía nó rẻ, mía nó lên cờ dữ lắm, nó khô nó rẻ, nó dội mía, nó dư nhà máy chạy không hết. Gía ba trăm tám không bán sụt riết còn hai trăm ba, hai trăm tư, giá cả từ từ nó xuống chớ không mắc đâu.

Cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trở thành sự thật khi vào những ngày trong tháng 12, nông dân trồng mía như ngồi trên lửa nhìn ruộng mía của họ trổ cờ nhưng không thấy có thương lái hoặc người của nhà máy đường đến mua.

Giá mía từ 380 ngàn đồng một tấn bây giờ chỉ còn 220 ngàn đồng một tấn.

Một nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ cho biết: “Bây giờ mía nó rẻ, mía nó lên cờ dữ lắm, nó khô nó rẻ, nó dội mía, nó dư nhà máy chạy không hết. Gía ba trăm tám không bán sụt riết còn hai trăm ba, hai trăm tư, giá cả từ từ nó xuống chớ không mắc đâu.”

Một chủ vườn mía tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cũng than thở: “Ở đây chỉ có lúa và mía thôi, không trồng thì lấy gì mà sống, trồng các lọai cây khác cũng thất bại, không được tốt như những vùng khác.”

Giá giảm

Trong khi đó ông Ngoan, phó giám đốc phụ trách nguyên liệu của nhà máy đường Phụng Hiệp cho biết tình trạng thu mua mía tại hai huyện Phụng Hiệp và Tân Hiệp:

“Tại Phụng Hiệp tình hình hiện tại giờ bà con nông dân giờ cũng thu họach ổn rồi, không còn bao nhiêu. Hiện giờ là tình hình các nhà máy đường ở Sóc Trăng và Trà Vinh. Hiện ở địa bàn thị xã Tân Hiệp và huyện Phụng Huyệp khi chúng tôi thống kê cách đây 10 ngày thì còn khoảng 200 ngàn tấn chúng tôi bao tiêu nhà máy Phụng Hiệp và nhà máy Vị Thanh chúng tôi chạy hết tháng một là dứt điểm mía của bà con nông dân.

Chủ yếu hiện tại mía có thừa là thừa ở Cù Lao Dung với Trà Vinh. Chúng tôi mua 400 đồng mười chỉ đường tại nhà máy còn nếu chữ đường có rớt thì chúng tôi bảo đảm 300 đồng 7 chữ. Hiện tại chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương cho ưu tiên đốn chặt cho bà con mía có hiện tượng trổ cờ hoặc chết…”

Ông xác nhận là khi mua xong mía của bà con nông dân ở Cần thơ sẽ mua mía của Sóc Trăng, Trà Vinh nhưng với giá 220 ngàn đồng một tấn tại vườn.

“Trà Vinh và Sóc Trăng đang có hiện tượng thừa mía, riêng Sóc Trăng thì năm nào công ty cũng mua khoảng 300 ngàn tấn còn nhà máy đường Phụng Hiệp thì mua 150 ngàn tấn. Giá tại rẫy là 220 ngàn đồng một tấn…”

Trước đây vào tháng 3, tại Hội nghị Phát triển mía đường năm 2006 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, Bộ Trưởng Cao Đức Phát yêu cầu trong năm 2006 phải thâm canh các vùng trồng mía hiện có với giống tốt và trồng lại những diên tích mía đã bị phá bỏ để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của đường trong nước.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng với tình trạng lủng củng về trồng và thu mua như hiện nay, khi thừa mía khi thiếu mía, không kiểm sóat được cung cầu, thì khó thực hiện được chỉ tiêu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra về sản lượng đường mía. Đó là chưa kể người trồng mía có thể bị phá sản vì cây mía.

Hẳn nhiên bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn rõ ràng chi tiết hơn nữa cho các nhà sản xuất và người nông dân trong việc thu mua, sản xuất đường và kế hoạch trồng tỉa cây mía. Như vậy mới làm mạnh thêm được một mặt sản xuất của nền kinh tế, liên quan nhiều đến cuộc sống người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.