Những diễn biến quan trọng ở Châu Á trong một năm qua
2005.12.30
Trần Sơn Nam
Nhân ngày cuối năm, Đài Á Châu Tự Do trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về những diễn biến quan trọng ở Châu Á trong một năm qua. Đặc biệt hơn cả là ảnh hưởng mỗi ngày một lớn của những nước phát triển đều như Trung Quốc và Ấn Độ, tạo ra mầm mống xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi đó thì siêu cường quốc Mỹ tiếp tục tăng cường thế liên minh chiến lược với một số nước trong vùng Đông Nam Á.

Việt Long: Thưa ông Trần Sơn Nam, nhân dịp cuối năm, nhìn lại những diễn biến quan trọng ở Châu Á trong năm 2005 vừa qua, ông có thấy cục diện chung thay đổi nhiều không và nếu thay đổi thì do những nguyên nhân nào?
Trần Sơn Nam: Trước đây, ngay trước ngày thế kỷ 21 bắt đầu đã có người tiên tri cho rằng: thế kỷ mới là thế kỷ của Châu Á. Lời tiên tri này quả có đúng vì trong 4,5 năm vừa qua, kể cả 2005, không ai chối cãi được là với mức độ phát triển liên tục và đều đặn của 2 nước lớn ở Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cùng với một số nước nhỏ khác (gồm phần nửa dân số của cả nhân loại) ảnh hưởng của Châu Á mỗi ngày một lớn trên thị trường và chính trường quốc tế.
Đồng thời sự kiện này cũng làm cho cục diện thay đổi ngay trong mối quan hệ giữa các nước trong vùng. Vì vậy mà người ta có thể thấy được những nét lớn của một tình hình chuyển động theo những diễn biến của thời cuộc, tỉ dụ như những mầm mống xung đột âm ỉ giữa hai cường quốc lớn miền Bắc Á là Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như những móc nối để kết thành những thế liên minh chiến lược tại hai miền Trung Á và Nam Á, và để đối phó với những biến chuyển mới này những cố gắng của Mỹ trong vùng Đông Nam Á để giữ ảnh hưởng và quyền lợi của mình trong toàn khu vực Thái Bình Dương.
Việt Long: Ông vui lòng nói rõ hơn về những diễn biến trong năm qua tại ba khu vực Bắc Á, Trung Á và Nam Á mà ông vừa đề cập.
Trần Sơn Nam: Thưa, trong một năm vừa qua, ngoài tình hình tại bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan lúc nào cũng là những điểm nóng nguy hiểm, điều nổi bật về mặt ngoại giao ở miền Bắc Á là tình trạng suy sụp của mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước lớn này không phải bây giờ mới có, nhưng Nhật Bản ngày càng phải lo ngại thêm vì sự lớn mạnh của Trung Quốc về mọi mặt từ kinh tế đến quân sự và ảnh hưởng chiến lược, cùng với tinh thần quốc gia của người dân Trung Quốc hãnh diện về uy tín mới của nước họ.
Trước đây, ngay trước ngày thế kỷ 21 bắt đầu đã có người tiên tri cho rằng: thế kỷ mới là thế kỷ của Châu Á. Lời tiên tri này quả có đúng vì trong 4,5 năm vừa qua, kể cả 2005, không ai chối cãi được là với mức độ phát triển liên tục và đều đặn của 2 nước lớn ở Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cùng với một số nước nhỏ khác
Tuy không nói ra, nhưng để đối phó với tình trạng mới này, Nhật Bản bắt đầu có phản ứng, một mặt tăng cường mối quan hệ liên minh với Mỹ và một mặt khác tìm cách tự cởi trói ra khỏi thái độ thụ động chống chiến tranh đã được xác lập trong bản hiến pháp hòa bình sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt.
Việt Long: Thái độ của phía Bắc Kinh thì sao?
Trần Sơn Nam: Trung Quốc thường tuyên bố hoà hoãn và hữu nghị với Nhật, nhưng luôn luôn lên tiếng chỉ trích những sách giáo khoa của Nhật không đả động gì đến tội ác của quân đội Thiên Hoàng trong chiến tranh Nhật Hoa, và đả kích những chuyến viếng thăm đền thờ Yasukuni của Thủ Tướng Nhật Bản Koizumi.
Trung Quốc cho rằng qua hành động đó Nhật Bản muốn cổ võ tinh thần gây hấn của nhóm quân phiệt Nhật Bản chủ trương xâm lăng Trung Quốc cuối thập niên 30 thế kỷ trước. Tiếp đến là sự đụng chạm quyền lợi trong việc tìm dầu khí tại biển Đông Trung Hoa, quanh hải phận của một số đảo còn đang trong vòng tranh chấp.
Tình trạng này đã trở nên căng thẳng đến độ gần đây tại hai hội nghị quốc tế ở Nam Hàn và Kuala Lumpur, hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã từ chối không tiếp xúc tay đôi với Thủ tướng Nhật Koizumi. Nhật Bản là một cường quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ về mặt kinh tế, còn Trung Quốc thì đang vươn mình để vượt lên trên Nhật Bản, do đó mà nếu sự cạnh tranh tiếp tục thì tất cả Châu Á sẽ phải chịu hậu quả và Mỹ cũng bị đặt vào một hoàn cảnh khó xử nếu muốn giữ ổn định trong toàn vùng.
Việt Long: Thế còn tại hai miền Trung Á và Nam Á thì những biến chuyển trong một năm qua có gì đặc biệt?
Trần Sơn Nam: Trước hết ai cũng rõ miền Trung Á là cửa ngõ phía sau của cả Nga lẫn Trung Quốc, thế mà lợi dụng chiến dịch chống khủng bố toàn cầu, Mỹ điều đình được với một số nước nhỏ trong vùng Trung Á để đặt căn cứ quân sự tại đây với lý do là để hỗ trợ cho những cuộc hành quân ở Afghanistan và Iraq.
Nga và Trung Quốc lúc đầu khó tìm được lý do để chống đối việc Mỹ chen chân vào vùng này nhưng nay viện cớ là những nước nhỏ này thuộc cùng một khối trong tổ chức “6 nước tham gia hiệp ước Thượng Hải” được thành lập trước đây, bắt đầu tìm cách đẩy mạnh thế liên minh này để gián tiếp đẩy Mỹ ra khỏi vùng.
Phía Trung Quốc thì giới lãnh đạo Bắc Kinh mở ra một thế cờ mới bằng cách tìm thế liên minh với Ấn Độ miền Nam Á. Ai cũng rõ trong những thập niên trước Trung Quốc rất thân với Pakistan và ở thế đối nghịch với Ấn Độ, hai bên từng xung đột đẫm máu ở vùng biên giới. Nhưng Ấn Độ lúc này cũng đang trở thành một cuờng quốc.
Ai cũng rõ miền Trung Á là cửa ngõ phía sau của cả Nga lẫn Trung Quốc, thế mà lợi dụng chiến dịch chống khủng bố toàn cầu, Mỹ điều đình được với một số nước nhỏ trong vùng Trung Á để đặt căn cứ quân sự tại đây với lý do là để hỗ trợ cho những cuộc hành quân ở Afghanistan và Iraq.
Với một dân số 1 tỷ người gần bằng Trung Quốc và với đà tăng trưởng đều đặn từ 6% đến 7% trong cả hơn một thập niên, Ấn Độ ngày nay cũng ở vị thế ngang ngửa với Trung Quốc. Vì thế nên đầu năm nay, như để bỏ qua sự hiềm khích giữa hai nước, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đến thăm Ấn Độ và tìm cách kết thân.
Thế liên minh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nếu thực hiện được, thì tất nhiên sẽ là một thế liên minh lớn đối với toàn vùng Châu Á trong tương lai, nhưng có thực hiện được không lại là một chuyện khác. Một mặt, gần đây Mỹ cũng đã thay đổi thái độ, từ nghi ngờ đã đổi sang thân thiện, nhìn nhận Ấn Độ như một cường quốc có vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, Ấn Độ tỏ ra muốn giữ một thái độ cân bằng đối với Trung Quốc cũng như đối với siêu cường quốc Mỹ. Mặc dầu trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây ông Hồ Cẩm Đào, chủ Tịch Trung Quốc đã tuyên bố công khaì là Trung Quốc không hề cản trở ai cả, nhưng thực tế cho thấy Trung Quốc vẫn lặng lẽ tìm cách ngăn chặn sự lan tràn ảnh hưởng của Mỹ bằng cách sáp gần với Nga và Ấn Độ để phòng ngừa liên minh Mỹ-Nhật.
Việt Long: Thưa còn tình hình ở các nước Đông Nam Á thì sao thưa ông?
Trần Sơn Nam: Thưa chính vùng Đông Nam Á là vùng mà có lẽ nhà cầm quyền Trung Quốc coi là ưu tiên để gây ảnh hưởng trong những năm vừa qua. Ngay trước khi có sự rạn nứt quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thành lập khối ASEAN +3, tức là ASEAN + với Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.
Trung Quốc luôn luôn có mặt tại những buổi họp của ASEAN, chấp nhận ký vào bản thỏa hiệp gọi là “Quy Ước ứng xử” của những nước này, ký Hiệp Ước biên giới đường bộ và Thỏa Hiệp về lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ với Việt Nam. Trung Quốc thỏa thuận được với Việt Nam về khu vực đánh cá chung ở vịnh Bắc bộ, đồng thời lại còn đề nghị tìm dầu chung với Philippines và Việt Nam tại vùng biển quanh quần đảo Trường Sa còn đang vòng tranh chấp.
Nói đến đường dài thì Trung Quốc ngay từ đầu đã đề nghị một thị trường chung cho những nước trong toàn vùng Đông Á và lặng lẽ thúc đẩy Malaysia tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á để kín đáo không mời Mỹ tham dự.
Mãi cho đến lúc có đề nghị của Nhật Bản, với mục đích làm nhẹ đi ảnh hưởng của Trung Quốc, thì người ta mới thấy Trung Quốc chấp nhận ý kiến mời Ấn Độ, New Zealand và Australia tham dự. Nghĩa là trong mối quan hệ phức tạp và đa diện với Mỹ, mặc dầu cần phải giữ ổn định, Trung Quốc lúc nào cũng muốn tránh né, không muốn ảnh hưởng của Mỹ bao trùm mọi việc.
Đông Nam Á là vùng mà có lẽ nhà cầm quyền Trung Quốc coi là ưu tiên để gây ảnh hưởng trong những năm vừa qua. Ngay trước khi có sự rạn nứt quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thành lập khối ASEAN +3, tức là ASEAN + với Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.
Việt Long: Trước tình hình đó thì Hoa Kỳ có kế hoạch ra sao?
Trần Sơn Nam: Đây chính là điều Mỹ để ý đến nhiều trong thời gian gần đây. Người ta thấy Mỹ củng cố trước hết những mối quan hệ song phương cả về hai mặt kinh tế và quân sự với Philippines, Thái Lan và Singapore.
Ngoài ra Mỹ cũng bắt đầu tăng cường viện trợ và huấn luyện quân sự cho Indonesia. Riêng chỉ có trong trường hợp Việt Nam là do bối cảnh tế nhị của cả ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, không nước nào muốn đi quá xa trong thế liên kết vì ngại đụng chạm đến tình trạng ổn định tạm thời hiện nay.
Tuy vậy Mỹ cũng vẫn tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam và ký kết được một số hoạt động giới hạn, dù rằng Việt Nam vẫn phải thận trọng trông chừng anh Trung Quốc nên không mạnh dạn tiến bước xa hơn.
Nói tóm lại, năm 2005 vừa qua là năm có nhiều biến chuyển có thể làm thay đổi cục diện chung trong vùng, nhưng tất cả còn như trong vòng thử thách và cục diện có thay đổi không cũng còn tùy thuộc vào thái độ hiểu biết và tình hình nội bộ của các nước trong cuộc.
Việt Long: Cảm ơn ông Trần Sơn Nam
Những bài liên quan
- Nhật Bản coi trọng các mối quan hệ với Trung Quốc và Nam Hàn
- Bắc Kinh phản đối việc Mỹ trừng phạt các công ty TQ cung cấp thiết bị cho Iran
- Trung Quốc kết án tù chung thân một cựu Bộ trưởng về tội nhận hối lộ
- Trung Quốc kết án nhà bất đồng chính kiến Hứa Vạn Bình 12 năm tù
- Nhật Bản chuẩn thuận kế họach phát triển hệ thống hỏa tiễn phòng chung với Hoa Kỳ
- Quốc hội Trung Quốc xem xét các dự luật chống gian lận và lạm quyền
- Trung Quốc: hàng chục Linh mục và Nữ tu phản đối chính quyền tịch thu nhà thờ
- Trung Quốc: Thêm một vụ xung đột giữa nông dân với công an xảy ra tại Đông Châu
- Trung Quốc tìm cách nâng cao vị thế trong nền kinh tế toàn cầu
- Trung Quốc ra sức điều chỉnh lại học thuyết Karl Marx
- Trí thức Trung Quốc yêu cầu điều tra về vụ thảm sát dân làng ở Quảng Đông
- Vụ thảm sát đẫm máu ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
- Bắc Kinh xác nhận tin có 3 người biểu tình bị cảnh sát bắn chết
- Cảnh sát Trung Quốc phong tỏa một ngôi làng, bắn chết 10 nông dân biểu tình
- Trung Quốc gia hạn thêm 3 tháng tù giam phóng viên của tờ Straits Time
- Công an Trung Quốc nổ súng vào dân làng biểu tình ở Quảng Đông
- Bắc Kinh kêu gọi Thủ tướng Nhật ngưng các cuộc viếng thăm đền thờ Yasukuni
- Trung Quốc ra lệnh tạm đóng cửa các mỏ than nhỏ ở Hắc Long Giang
- Nhật Bản thao dợt chống khủng bố tấn công nhà máy điện hạch tâm
- Thủ tướng Trung Quốc thị sát tình trạng ô nhiễm hóa chất trên sông Tùng Hoa