Thu hoạch vụ Hè Thu trúng lớn nhưng lợi tức của nông dân không cao


2005.08.16

Nam Nguyên tường trình từ Bangkok

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã thu họach xong vụ Hè Thu, giá thu mua cao khiến nông dân bắt tay ngay gieo sạ vụ thứ ba và tìm cách đối phó với mùa nước lũ. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

FarmerRice150.jpg
Cô gái đang thu gặt lúa. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Giá lúa quanh mức 2.300 đồng một Kg một mức giá khá tốt, tuy nhiên năm nay giá phân bón xăng xầu cao, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy thắng lớn về sản lượng nhưng lợi tức bình quân vẫn chỉ ở trong mức từ 5 tới 7 triệu đồng một hécta. Theo thông tin từ miền tây, An Giang thắng lớn với mức 1 triệu tấn lúa hàng hóa trong vụ Hè Thu vừa thu họach.

Thực tế lợi tức không cao

Đây là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay ở địa phương này, các chuyên gia nông nghiệp ước tính vụ mùa vừa qua, người nông dân An Giang bình quân đạt sản lượng hơn 5 tấn rưỡi một hécta.

Tuy trúng lớn như vậy xong trên thực tế lợi tức người nông dân làm lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không gia tăng theo mức giá và sản lượng gạo xuất khẩu. Ông Trương Thanh Phong Chủ Tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, trụ sở ở TP.HCM nhìn nhận điều này:

“Tuy được giá có lãi, xong thu nhập của nông dân không đáng kể, do ruộng đồng manh mún, mỗi hộ nông dân canh tác một diện tích rất nhỏ…”

Ngoài vấn đề diện tích canh tác nhỏ, yếu tố chi phí tăng cao khiến cho nông dân thiệt thòi, khi mà giá xăng dầu luôn biến động, giá phân bón cũng vậy. Hơn nữa giá gạo tiêu thụ nội địa không gia tăng tương xứng với các mặt hàng hóa thiết yếu khác, trong khi nông dân cũng có những nhu cầu tiêu thụ của họ.

Theo các số liệu thống kê chính thức, trong 10 năm vừa qua giá hàng hóa thiết yếu gia tăng khoảng gần 57% trong khi giá lương thực chỉ tăng chưa tới 7%. Phân tích các số liệu này cho thấy lợi tức của người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sụt giảm như thế nào trên thực tế.

Cần có định hướng rõ rệt

Chính phủ cần thực hiện việc chuyển đổi giống cây trồng ở những vùng trồng lúa kém, giúp nông dân nuôi trồng thủy sản nuôi tôm nuôi cá, chỗ nào có thể chăn nuôi thì chuyển sang nuôi bò chẳng hạn. Đó là việc chính phủ thống nhất làm.

Dầu vậy, ở nhiều nơi nông dân không có chọn lựa nào khác ngoài cây lúa, nguồn lợi chính giúp họ có cái ăn cái mặc. Nếu muốn nâng cao đời sống người dân thì chính phủ cần có định hướng rõ rệt. Ông Trương Thanh Phong cho rằng cần có sự giúp đỡ nông dân ở những vùng năng suất kém chuyển đổi canh tác:

"Chính phủ cần thực hiện việc chuyển đổi giống cây trồng ở những vùng trồng lúa kém, giúp nông dân nuôi trồng thủy sản nuôi tôm nuôi cá, chỗ nào có thể chăn nuôi thì chuyển sang nuôi bò chẳng hạn. Đó là việc chính phủ thống nhất làm.”

Cho đến nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đa phần vẫn là lọai gạo thường. Các lọai gạo đặc sản không đáng kể và không giữ được khách hàng do chất lượng không ổn định, gạo thơm năm sau không giống năm trước. Được biết các tỉnh miền Tây nam bộ từng đề ra chương trình 1 triệu hécta lúa thơm chất lượng cao. Tuy nhiên khi đi vào thực tế đã vướng nhiều khó khăn không triển khai tập trung được.

Khả năng xuất khẩu nhiều hơn năm ngoái

Năm nay Việt Nam có khả năng xuất khẩu nhiều hơn 4 triệu tấn gạo với giá cao hơn năm ngoái khoảng 40 đô la một tấn. Nguyên do là vì các nước trong khu vực giảm mức xuất khẩu gạo. Điển hình như Trung Quốc giảm 300 ngàn tấn từ 1 triệu xúông mức 700 ngàn tấn, Ấn Độ và Pakistan cũng giảm tỷ lệ xuất khẩu gạo.

Trong khi đó Thái Lan, nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, duy trì chính sách can thiệp để giữ mức giá cao cho nông dân. Chính phủ Thái từ nhiều năm qua áp dụng chương trình tín dụng lúa gạo, khiến họ có thể mua dự trữ của nông dân mà không cần phải xuất ngay.

Nông dân khi vào vụ thu họach có thể ký gởi hết cho bộ nông nghiệp nhận khoảng 80% giá trị tại thời điểm bán, thông qua ngân hàng nông nghiệp. Khi giá gạo xuất khẩu cao lên, nông dân có thể ký bán ngay tại kho dự trữ hưởng phần chênh lệch và trả lại số tiền được ứng trước.

Chính phủ Thái Lan mỗi năm dành ngân khoản 1 tỷ đô la cho chương trình tín dụng nông nghiệp, ngoài ra nước nay có hệ thống kho trữ nông sản nhiều và tiên tiến. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì các nhà họach định chính sách của Việt Nam nghĩ tới một chương trình tương tự.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.