
Đoàn biểu tình của các tu sĩ Phật giáo Miến Điện được thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi vẫy chào khi họ đi ngang qua tư dinh nơi bà đang bị nhà cầm quyền quân nhân quản chế.
Lâu nay đây là một địa điểm nhạy cảm và các lực lượng vũ trang của chính quyền Rangoon canh gác kỹ lưỡng, thế nhưng vào ngày thứ bảy vừa qua họ để cho đòan chừng 2000 nhà sư biểu tình đi qua. Tin nói đòan biểu tình dừng lại bên ngòai tư dinh của bà Aung San Suu Kyi chừng 15 phút và tụng kinh cầu an. Sau khi đòan các nhà sư ra khỏi khu vực thì nhân viên an ninh lại đóng đường qua nhà lãnh tụ đối lập.
Giới quan sát nhận định việc các tu sĩ Phật giáo tham gia việc tuần hành phản đối đang gây quan ngại cho nhà cầm quyền quân nhân Rangoon.
Ước tính hôm qua có chừng 2300 nhà sư tham gia vào năm cuộc biểu tình tại Rangoon. Ở Mandalay, trung tâm Phật giáo lớn của Miến, cũng diễn ra cuộc biểu tình của chừng 1000 nhà sư.
Trong khi đó, cuộc viếng thăm Miến Điện theo kế hoạch của bộ trưởng Dầu Khí Ấn Độ vẫn không thay đổi.
Hôm nay theo dự trù thì bộ trưởng Murli Deora sẽ đến ký kết cùng đối tác Miến Điện là tướng Lun Thi các hợp đồng khai thác dầu khí giữa hai công ty quốc doanh nước tại 3 bloc trong vùng vịnh Andaman thuộc Miến Điện.
Cho tới nay, bất chấp các biện pháp cấm vận của quốc tế do Miến Điện vi phạm nhân quyền, một số nước gần xứ này vẫn tìm cách siết chặt quan hệ thương mại với Rangoon. Trong số đó ngoài láng giềng Thái Lan, còn có Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đang phát triển mạnh về kỹ nghệ nên rất cần nguồn cung cấp năng lượng.