Người dân Lebanon đang mong đợi gì?

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cuộc chiến sẽ được mở rộng hơn nữa, và có thể kéo dài ít nhất thêm 1 tháng trước khi chấm dứt. Ðó là những điểm đáng chú ý về kết quả cuộc họp khẩn cấp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Israel, kết thúc cách đây không đầy 48 giờ đồng hồ.

NidalIbrahim150.jpg
Ông Nidal Ibrahim, Giám Ðốc Ðiều Hành Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Ả Rập-Hoa Kỳ. Photo courtesy Arab American Institute.

Trong lúc Jerusalem báo trước địa bàn hoạt động quân sự sẽ được mở rộng thì tại New York, các nước thành viên của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn chưa giải quyết xong những bất đồng liên quan đến ngôn từ được sử dụng trong bản nghị quyết đầu tiên.

Nghị quyết này chỉ chú trọng đến việc đòi Israel và Hezbollah ngưng các hoạt động về quân sự, mà không nói gì đến những nguyện vọng của Chính Phủ và nhân dân Lebanon, cho dù Damacus đã nhiều lần lên tiếng nói tranh chấp đang gây bất ổn cho Trung Ðông chỉ có thể giải quyết ổn thỏa với điều kiện quân đội Israel phải rút ra khỏi lãnh thổ Lebanon, và Israel phải trả lại cho Lebanon phần đất đang chiếm đóng ở Febaa Farm.

Thế giới đang quên thân phận của chúng tôi!!! Ðó là lời kêu gọi thống thiết đi kèm theo nước mắt mà Thủ Tướng Lebanon, ông Fuad Siniora và nhân dân nước này đang kêu gào. Tại sao là một quốc gia có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đang xảy ra và cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ, nhưng Lebanon không được nói đến trong những cuộc đàm phán hòa bình? Ðó cũng chính là câu hỏi mà nhiều người muốn biết.

Khách mời tuần này của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi là ông Nidal Ibrahim, Giám Ðốc Ðiều Hành Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Ả Rập-Hoa Kỳ. Ông từng hoạt động nhiều năm trong ngành truyền thông ở Hoa Kỳ, và từng làm chủ bút tờ Jordan Times in Amman, Jordan.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, và được Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Trên tất cả và hơn tất cả, người dân Lebanon muốn thấy hòa bình, muốn buổi tối có thể ngủ yên, không sợ bom đánh trúng tòa nhà họ cư ngụ, không muốn thấy hình ảnh chiến tranh tiếp diễn trên đất nước của họ.

Mong muốn hoà bình

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông Ibrahim đã bỏ thì giờ nói chuyện với chúng tôi. Thưa ông, người dân Lebanon đang mong đợi gì?

Ông Nidal Ibrahim: Trên tất cả và hơn tất cả, người dân Lebanon muốn thấy hòa bình, muốn buổi tối có thể ngủ yên, không sợ bom đánh trúng tòa nhà họ cư ngụ, không muốn thấy hình ảnh chiến tranh tiếp diễn trên đất nước của họ.

Nguyễn Khanh: Thưa ông, thế tại sao thế giới lại quên Lebanon và người dân Lebanon?

Ông Nidal Ibrahim: Tôi không nghĩ thế giới có thể quên nước Lebanon và nhân dân Lebanon. Hiện giờ, ngay trong lúc tôi đang nói chuyện với ông, thảm họa kinh hoàng vẫn dổ xuống trên đầu người dân, không phải chỉ ở Lebanon mà còn ở cả Dải Gaza nữa.

Ðiều quan trọng là thế giới phải thấy rõ những gì đang xảy ra ở Lebanon, và phải tìm một giải pháp dài hạn chứ không thể chỉ nhắm vào một biện pháp tạm thời. Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình của vùng Trung Ðông và của cả Israel nữa.

Nguyễn Khanh: Ông cũng thấy trong bản nghị quyết do Hoa Kỳ và Pháp đồng soạn thảo, không nói gì đến Lebanon, cũng chẳng nói gì đến cả chục ngàn binh sĩ binh sĩ Israel đang có mặt ở Lebanon…

Ông Nidal Ibrahim: Điều đó hoàn toàn đúng, và đó là vấn đề cần phải sửa. Thoạt đầu Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc muốn thông qua bản nghị quyết, nhưng sau đó đồng ý thảo luận lại để sửa đổi.

Hội Ðồng Bảo An biết là phải sửa đổi các điều kiện ghi trong bản dự thảo nghị quyết, biết là phải nhận rõ sự thật đang xảy ra là binh sĩ Israel đang hiện diện trên lãnh thổ Lebanon. Tôi thấy không thể giải quyết được vấn đề nếu binh sĩ Israel tiếp tục hiện diện trên đất Lebanon.

Giải pháp ngưng bắn

LebanonWar200.jpg
Một gia đình người Lebanon ở Beirut. AFP PHOTO

Nguyễn Khanh: Theo ông liệu giải pháp ngưng bắn có thành hình không?

Ông Nidal Ibrahim: Đương nhiên phải có. Cũng như chính Phủ Lebanon, chúng tôi tin có thể đạt được giải pháp ngưng bắn và ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã lên tiếng kêu gọi ngưng bắn và vẫn hy vọng điều này sẽ diễn ra trong thời hạn sớm nhất. Chỉ khi nào ngưng bắn diễn ra, lúc đó mới có thể bắt đầu nói chuyện về giải pháp chính trị, tìm cách nào ổn thỏa nhất, hợp lý nhất.

Nguyễn Khanh: Mới sáng hôm nay, một số giới chức ở Washington vẫn bày tỏ thái độ không hài lòng với lời tuyên bố ủng hộ lực lượng Hezbollah mà Thủ Tướng Fuad Siniora của Lebanon đã đưa ra, trong khi Hezbollah không ngừng pháo kích vào các khu dân cư của Israel.

Tại sao giữa giai đoạn dầu sôi lửa bỏng như thế này, mà nhà lãnh đạo Lebanon lại đưa ra tuyên bố như vậy, liệu đó có phải là hành động khôn ngoan không?

Ông Nidal Ibrahim: Ông phải nhìn vào thực tế, phải nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Lebanon, phải nhìn thấy quốc gia Lebanon đang bị tàn phá bởi quân đội Israel và phải nhìn thấy những gì mà Israel tiếp tục muốn làm trên đất Lebanon.

Bất kể vì lý do gì và mức độ quan tâm của Israel về lực lượng Hezbollah như thế nào đi chăng nữa, chuyện đưa quân vào tàn phá một nước khác là điều không thể chấp nhận được. Thành thử ra, theo tôi, lời tuyên bố ủng hộ Hezbollah mà Thủ Tướng Siniora đưa ra bao hàm ý nghĩa chống Israel, chống những gì Israel đang làm trên lãnh thổ của Lebanon.

Nguyễn Khanh: Hình như ông không muốn trả lời câu hỏi của tôi là liệu lời tuyên bố như vậy có phải là một hành động khôn ngoan hay không?

Ông Nidal Ibrahim: Tôi không xem tuyên bố đó thật sự mang ý nghĩa ủng hộ Hezbollah, mà với những gì đang xảy ra ở Lebanon, với thực tế không ai có thể chối cãi được, Thủ Tướng Siniora đưa ra phát biểu nhằm chỉ trích Israel chứ chưa hẳn là ông Siniora ủng hộ việc làm của Hezbollah.

Nhóm Hezbollah

Bất kể vì lý do gì và mức độ quan tâm của Israel về lực lượng Hezbollah như thế nào đi chăng nữa, chuyện đưa quân vào tàn phá một nước khác là điều không thể chấp nhận được. Thành thử ra, theo tôi, lời tuyên bố ủng hộ Hezbollah mà Thủ Tướng Siniora đưa ra bao hàm ý nghĩa chống Israel, chống những gì Israel đang làm trên lãnh thổ của Lebanon.

Nguyễn Khanh: Chính Phủ Israel đã nhiều lần nói nếu Hezbollah còn hiện diện ở Lebanon và tiếp tục các vụ bắn phá thì Israel đương nhiên có quyền tự vệ. Liệu điều đó có thể hiểu là binh sĩ Israel sẽ tiếp tục đóng trên đất Lebanon không?

Ông Nidal Ibrahim: Tôi hy vọng điều này không xảy ra, nhưng cũng phải nhớ là trong quá khứ, hồi 1982 Israel từng đưa quân chiếm cứ miền Nam Lebanon trong 18 năm trời.

Tôi tin rằng thế giới đều hiểu quân sự không phải là cách giải quyết vấn đề, mà phải giải quyết bằng ngoại giao. Và trước khi một giải pháp ngoại giao có thể thành hình thì Israel phải rút hết quân về nước.

Nguyễn Khanh: Nhưng ông cũng đừng quên thế giới bây giờ đang nói đến chuyện muốn hòa bình phải giải giới Hezbollah?

Ông Nidal Ibrahim: Tôi không rõ liệu có thể giải giới Hezbollah được hay không, và giải giới như thế nào. Ðiều quan trọng nhất hiện giờ là phải ngưng bắn ngay tức khắc, đừng để có thêm người chết vì chiến tranh nữa. Ðó là lý do tại sao Lebanon, cộng đồng các quốc gia Hồi Giáo và ngay cả chúng tôi vẫn tiếp tục lên tiếng đòi phải ngưng bắn.

Nguyễn Khanh: Muốn hỏi ông là Chính Phủ cũng như nhân dân Lebanon mong muốn thấy lực lượng Hezbollah rút hết ra khỏi nước họ chứ?

Ông Nidal Ibrahim: Tôi không nghĩ nhân dân Lebanon muốn Hezbollah ra khỏi nước họ vì chúng ta không thể đơn thuần nhìn Hezbollah là một lực lượng võ trang.

Hezbollah là một đảng chính trị, là một phần trong chính quyền Lebanon, là một phần của xã hội dân sự. Có thể người này hay người khác không đồng ý với những hành động mà Hezbollah làm với Israel, nhưng đồng thời, quả là không thực tế nếu chúng ta nghĩ rằng Hezbollah sẽ biến mất.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Nidal Ibrahim.

Thông tin trên mạng:

- The Arab American Institute