Những ưu tư của phụ huynh và nhà giáo trong việc dạy học sinh trước khi vào lớp Một
2006.08.29
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Khi nhắc đến sự cải tổ của ngành giáo dục, ông Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: chỉ tiêu và bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của những người có trách nhiệm dậy dỗ lớp mầm non cho tổ quốc. Điều này cho thấy rằng do những suy nghĩ lệch lạc ngay từ lúc đầu, ngành giáo dục ở Việt Nam đã ngày càng trở nên tệ hại.
Việc nâng điểm cho học sinh để chạy theo thành tích, việc dậy thêm trước trong dịp hè không chỉ xảy ra ở các em trong lứa tuổi trung học, mà còn ngay cả với các em ở lứa tuổi mẫu giáo. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin gửi tới quí vị những ưu tư của một số phụ huynh, cùng các nhà giáo hiện đang phụ trách các lớp mầm non và lớp Một tại một số trường ở thành phố Hồ Chí Minh.
Sợ theo không kịp bạn bè
Mới vài ngày qua, chị Lệ Trâm, cư ngụ tại quận Tân Bình, trong ngày dẫn cô con gái vừa tròn 6 tuổi đi nhận lớp Một, đã hốt hoảng và lo sợ vì thấy con mình chỉ mới biết nhận mặt 24 chữ cái, chị nói:
“Con em chuẩn bị vào lớp một nên em cũng cho nó đi học thêm để biết mặt chữ, cũng vì vậy mà em lo lắm vì người ta cho con học từ lúc 4, 5 tuổi rồi. Bây giờ em mới thấy lo quá vì con người ta biết đọc biết viết làu làu hết rồi, nghe nói đa số đứa nào vô lớp một là đọc viết làu làu, trong khi đó con của em chỉ mới biết đánh vần sơ sơ thôi, không biết có theo kịp bạn bè không vì nghe nói vô trong đó cô giáo dậy rất nhanh.”
Khi hỏi thăm vì sao chị lại không bắt chước như những phụ huynh khác, chị cho hay: “Thực sự, em cũng nghe các cô ở trường mẫu giáo Mầm Non cũng nói không nên cho cháu học trước, tại vì lớp Một chỉ học viết và học đọc thôi, trong suốt một năm dài sẽ bắt kịp chương trình.
Con em chuẩn bị vào lớp một nên em cũng cho nó đi học thêm để biết mặt chữ, cũng vì vậy mà em lo lắm vì người ta cho con học từ lúc 4, 5 tuổi rồi. Bây giờ em mới thấy lo quá vì con người ta biết đọc biết viết làu làu hết rồi, nghe nói đa số đứa nào vô lớp một là đọc viết làu làu, trong khi đó con của em chỉ mới biết đánh vần sơ sơ thôi, không biết có theo kịp bạn bè không vì nghe nói vô trong đó cô giáo dậy rất nhanh.
Nhưng không hiểu tại sao người ta vẫn cứ cho con người ta học trước như vậy. Chẳng hạn như trong lớp của con em, đứa nào cũng biết đọc biết viết hết rồi, có mỗi mình con em lạc loài, nên em lo ghê lắm. Hôm nay em cho cháu đi nhận lớp, em hỏi tất cả phụ huynh, con ai cũng biết đọc biết viết hết rồi.
Vì thế, em sợ con em vô lớp nản, sợ thầy cô la mắng, nhưng biết làm sao bây giờ, em chỉ cho con em đi học trước 3 tháng, tức là trong kỳ nghỉ hè thôi. Ai cũng bảo là sao em cho con đi học trễ quá. Nhưng em nghĩ là điều đó đúng thôi mà! Đã vậy, đi học tháng hè thì ai cũng chê hết, không ai nhận cả, ai cũng nói cho đi học trễ quá.”
Một phụ huynh khác, chị Kim Anh, hiện cư ngụ ở quận 3, có con 6 tuổi đang chuẩn bị vào lớp Một, thì cũng gửi con học thêm để biết đọc và viết ngay từ khi cháu mới lên 5. Nhưng, theo chị thì không nên đặt nặng vấn đề học nhiều quá. Chị kể: “Cũng tùy gia đình, nhiều gia đình em quen biết cũng có vẻ căng thẳng lắm, cầm roi ngồi bên cạnh bắt các em học, hầu như em thấy đại đa số trứơc khi vô lớp Một đều phải cho cháu học trước…Em gửi con đi nhà trẻ nhưng gửi nguyên ngày thì cô có dậy chữ cho cháu. Còn những người khác gửi đi nhà trẻ, xong rồi về chở con vô nhà cô giáo học thêm, cái đó em thấy căng thẳng lắm.”
Trường công và trường tư
Riêng trường hợp của chị Vũ Thị Nhiệm, ở quận 10, thì lại khác, ngay từ khi con gái mới lên ba, chị đã cho con theo học trường mẫu giáo tư nhân. Nơi đây, các cô phụ trách đã dậy con chị tập viết và tập đọc ngay từ khi lên bốn, chị cho biết về những sự ích lợi của việc này:
“Từ hồi lớp mẫu giáo, là em cho cháu đi học thêm rồi. Bây giờ cháu viết được rồi, cháu đọc được rành rồi, đọc được truyện rồi. Em nghĩ là có lợi, nhưng cái hại thì ít hơn vì tất cả mọi người hầu như con người ta ai cũng biết viết biết đọc rồi mới vô lớp Một chứ không ai như xưa cả, có nghĩa là không ai mà vô lớp Một mà không biết cái gì.
Cũng có một phần nào đó vô lớp Một nó sẽ ỷ y, vì nó nghĩ là nó đã biết viết rồi, biết làm toán, biết đọc rồi, nên nó sẽ lười, không cố hết sức. Nhưng mà mình sẽ “kè” nó khi nó có tình trạng đó, phải ép nó, mặc dù nó đã biết chữ hết rồi, mình cũng bắt nó phải viết lại, phải làm lại. Nói chung, khu vực ở chung quanh em đây người nào cũng cho con đi học trước hết. Rất là hiếm trường hợp con vào lớp Một mà tay run run, không biết viết.”
Cũng theo lời chị cho biết, sở dĩ chị không cho con theo học các trường mẫu giáo của nhà nước vì: “Trường nhà nước thì không dậy chữ trước. Còn trường tư thục thì khác, nhà nước cũng không cho dậy đâu, nhưng họ dậy lén. Trong những tháng hè, nhà nước không kiểm tra thì các ngày hè, họ cho học hè khoảng hai tháng, rồi các cô giáo dậy luôn, nên con em học từ hồi 4 tuổi rồi, lúc đó là đã cho rèn nét, cho đọc “a, bờ, cờ, ô cái mũ” rồi…
Tới chừng lên lớp Lá, mới chớm thôi, là đã học tiếp theo chương trình rồi, giữa năm lớp Lá là đã dậy rồi. Nhưng nói chung là dậy lén, không công khai vì không cho dậy trước. Trường nhà nứơc thì họ không như thế, họ không dậy. Họ chỉ cho gạch thẳng, vẽ và tô mầu, làm theo sách của Bộ, của Sở đưa ra…”
Trường nhà nước thì không dậy chữ trước. Còn trường tư thục thì khác, nhà nước cũng không cho dậy đâu, nhưng họ dậy lén. Trong những tháng hè, nhà nước không kiểm tra thì các ngày hè, họ cho học hè khoảng hai tháng, rồi các cô giáo dậy luôn, nên con em học từ hồi 4 tuổi rồi, lúc đó là đã cho rèn nét, cho đọc “a, bờ, cờ, ô cái mũ” rồi…
Phương Anh cũng liên lạc với cô giáo Hạnh, hiện đang dậy lớp Lá, tức lớp dành cho các cháu lên năm, ở trường Mầm Non, thành phố Hồ Chí Minh, và được cô cho biết:
“Tụi em dậy 24 chữ cái là dậy nền tảng cho các em lên lớp Một, nhưng có nhiều phụ huynh người ta sợ con người ta lên lớp Một không biết đọc, biết viết, các trường tiểu học không chịu nhận, nên người ta cho con đi học chữ trước.
Em dậy lớp Lá nhiều năm rồi, nhận thấy là cũng chẳng nên cho con học chữ trước làm gì, bởi vì học sớm, vô lớp Một biết hết rồi nên nó sẽ chán. Có nhiều phụ huynh cũng yêu cầu dậy, nhưng em thấy là đủ rồi, chỉ những bé nào thực sự yếu lắm thì nên cho học trước thôi.”
Phải biết đọc và viết trước khi vào lớp Một
Vì sao lại có hiện tượng các trường tiểu học lại không nhận các em vào lớp Một nếu không biết đọc và viết trước như thế? Cô Lê Thị Diễm, ở quận 4, một nhà giáo dậy cấp Một suốt 32 năm qua, cho biết: “Trường cấp Một thì cũng có trường lại thích những em đã được đọc và đánh vần được rồi. Đó cũng là cái bệnh thành tích, thực sự như vậy, vì giáo viên ở đấy dậy rất là khỏe, còn nhiều giờ giấc để rèn cho những cái khác như rèn viết đẹp, hay là dậy những môn nhiệm ý.
Hầu như trường cấp Một nào cũng thích như thế cả, nhất là những trường gọi là chất lượng cao, họ lại nhận những em biết viết rồi, biết đánh vần rồi, thì ưu tiên được vào. Còn những trường không có danh tiếng gì hết, bình thường thôi thì chấp nhận dậy những em chưa nhận được mặt chữ. Thậm chí chưa được đến trường nữa.”
Cũng theo lời cô giáo Diễm cho biết, ngay từ khi các cháu lên 3, khi đến trường Mẫu giáo, sẽ được sắp xếp vào lớp Mầm, được làm quen với môi trường xung quanh. Sang năm thứ hai, các cháu lên bốn sẽ xếp vào lớp Chồi, thì các em lại tiếp tục được các cô hướng dẫn chương trình như ở lớp Mầm nhưng với chi tiết cao hơn.
Đến khi các em lên 5 tuổi, tức ở lớp Lá, thì các cô bắt đầu dậy cho các em nhận mặt 24 chữ cái để chuẩn bị lên lớp Một. Thế nhưng, phụ huynh nào cũng cho con em học thêm trước tuổi. Về điểm này, cô cho biết:
“Cái đó là tâm lý phụ huynh, cứ muốn là con mình vô lớp Một biết đọc rồi thì được khen, thấy mọi sự thoải mái dễ dàng, cho nên lúc nào cũng chỉ cho con đi học để làm sao đọc được trước khi vào lớp Một là có thích thú lắm, mặc dù nhiều khi thầy cô khuyến cáo như vậy không tốt. Họ có thể dậy ngay tại nhà, ngay tại trường học thêm, cho con viết, đọc trôi chảy trước. Thế nên, việc này cũng khó khăn cho các cô giáo lớp Một lắm."
Hầu như trường cấp Một nào cũng thích như thế cả, nhất là những trường gọi là chất lượng cao, họ lại nhận những em biết viết rồi, biết đánh vần rồi, thì ưu tiên được vào. Còn những trường không có danh tiếng gì hết, bình thường thôi thì chấp nhận dậy những em chưa nhận được mặt chữ. Thậm chí chưa được đến trường nữa.
Ý kiến của cô giáo
Để tìm hiểu xem các cô giáo dậy thêm các cháu như thế nào, Phương Anh đã liên lạc với cô giáo Sơn, dậy cấp Một 17 năm qua, và hiện đang mở lớp dậy thêm tại nhà trong mùa hè cho các em chuẩn bị vào lớp Một nhưng chưa biết đọc biết viết. Theo lời cô cho biết, sở dĩ có việc học trước như thế là vì:
“Có trường hợp cô giáo dậy không tận tâm, học sinh yếu lắm nên bị mất căn bản, viết chính tả sai, đọc không được nên sau này phụ huynh sợ nên người ta cho con đi học thêm ở ngoài. Mười phụ huynh thì cho đi học thêm cả mười, chứ không dám để con ở nhà nữa, vì cô giáo cứ thấy có đứa nhanh thì cứ dậy nhanh như vậy thôi.
Theo em, không cần phải học trước, nếu trường làm đúng và các cô giáo làm đúng bổn phận của mình là phải quan tâm riêng từng em một. Ngày xưa giáo viên tận tâm lắm, em nào mà yếu, cần phải kèm cặp thêm cho em. Còn bây giờ các cô chạy theo thành tích, em thấy có sự dối trá.
Chẳng hạn như yếu vẫn nâng điểm, 35 học sinh trong lớp thì hết 30 em hay 32 em học sinh giỏi rồi, 35 em thì hết 30 em được phần thưởng rồi, nguyên Tiểu Học là như vậy, không biết từ bao giờ người ta cứ thành cái nếp đó.
Cô giáo kèm thêm thì mình mệt, nên em đó sẽ bị đuối, ở lại lớp thì cô đó sẽ bị mang tiếng là lớp cô để học sinh yếu, nên cô phải cho các em lên lớp, thậm chí là cho giỏi luôn, thế là các em ngày càng đuối, sẽ mất căn bản, và cứ như thế lên cấp Hai, rồi cấp Hai cũng mấy chục em được phần thưởng, 40 em thì 25 hay 30 em được thưởng rồi, em nào cũng giỏi cả.
Nếu giáo viên làm tròn bổn phận, tận tụy với học sinh thì chắc chắn không cần phải học trước như thế, em dám chắc như thế!”
Trở lại với cô giáo Lê thị Diễm, với nhiều năm kinh nghiệm trong trong nghề, cô cho rằng: “Tôi thấy không có lợi nhiều vì các em được học sớm như thế, khi nó vô lớp Một, nó phải học lại những điều đó, nó chán. Tâm lý chán rồi thì quậy phá, cho nên khó khăn cho cô giáo lớp Một lắm.
Vì khi học xong lớp Một, chỉ yêu cầu là đọc , viết trôi chảy tiếng Việt, mà các em đã học trước ở lớp Mẫu Giáo rồi, nên khi vào lớp Một thì chúng nó không phải học cái gì nữa cả. Theo tôi thì cứ dậy cho đúng yêu cầu, các em ở lớp Lá chỉ cần nhận được mặt chữ thôi, vô lớp Một với sĩ số khoảng chừng 35 em trở lại, thì các em có thuận lợi hơn.
Bây giờ bên ngành giáo dục họ cũng lên tiếng vấn đề lớp Một. Các trường gọi là chất lượng cao thì chưa dậy mà các em đã biết đọc, biết viết hết rồi. Còn các trường ở vùng quê thì không được đi học đại trà, không được đến lớp Mẫu giáo, phần nữa, phụ huynh không quan tâm, hay không có trình độ để theo cải cách giáo dục mới, vì cải cách này nếu không ở trong ngành nghề thì cũng khó mà biết được, rồi buông rơi các em.
Có nhiều em xong lớp Một rồi, mà chưa đọc thông viết thạo, nhưng về thành tích thì họ cứ cho lên lớp ào ào. Hiện bây giờ cũng có chuyện xảy ra là lên đến lớp 6 rồi mà cũng đang đánh vần. Nhiều khi phụ huynh xin ở lại nhưng nhà trường vẫn cứ cho lên. Cái đó là cái rối của ngành giáo dục Việt Nam bây giờ đó.”
Quí vị vừa nghe tâm tư của một số phụ huynh và các cô giáo trước hiện tượng dậy trước cho các em đang chuẩn bị vào lớp Một. Cũng chỉ vì bệnh hình thức, chạy theo thành tích mà giờ đây chính các em ở lứa tuổi thơ dại bắt đầu đến trường cũng là nạn nhân. Ước mong một ngày không xa, tình trạng này sẽ sớm được cải thiện và chấm dứt. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Một hiệu phó đại học xin từ chức để công khai tố cáo tiêu cực
- “Chiếc máy dạy học” của thầy giáo tư nhân Nguyễn Ngọc Hùng
- Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân làm việc với các trường đại học, cao đẳng miền Trung
- Chỉ tiêu và bệnh thành tích, nguyên nhân của các tệ nạn trong ngành giáo dục
- Nhóm “The Friends” và dòng nhạc cổ điển Việt Nam
- Đạo đức sút giảm nghiêm trọng trong hàng ngũ giáo chức Việt Nam
- Lớp tiếng Việt của Hội Giáo Dục Trẻ Em vùng Hoa Thịnh Đốn
- Việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa gây nhiều khó khăn cho người dân
- Lạm dụng tình dục ở trẻ em
- Sách giáo khoa, vấn đề gây bức xúc cho các bậc phụ huynh
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 3-8-2006)
- Tân bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề ra mục tiêu cho năm học mới 2006-2007
- Ý kiến của phụ huynh trong vấn đề giáo dục hiện nay
- Gian lận thi cử đã trở thành một vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân với mục tiêu lập lại kỹ cuơng trong ngành giáo dục
- Thi tuyển đại học tại VN: 95% thí sinh có điểm dưới trung bình
- Kiến thức về lịch sử của học sinh đang ở mức báo động
- Tổ chức nhân đạo quốc tế giúp chỉnh hình miễn phí tại Việt Nam
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 20-7-2006)
- Trại họp bạn Hướng Đạo Việt Nam toàn thế giới lần thứ 8
- Khoảng 1,000 học sinh huyện Ðức Trọng có thể không có không có lớp học
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Hơi thất vọng về cách xử lý của tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
- Đợt 1 tuyển sinh đại học 2006: gian lận thời @
- Graham Holiday và trang web noodlepie.com
- Ngành giáo dục Việt Nam sẽ thật sự đổi mới sau 10 năm tới