Gia Minh, phóng viên đài RFA
Tình hình đình công nổ ra liên tiếp hồi dịp tết năm ngoái, nay lại bùng phát tại các khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế được xem là trọng điểm của phía nam như Đồng Nai, Bình Dương… Nguyên nhân đình công có gì khác? Và các cơ quan chức năng tham gia giải quyết đến đâu cho những yêu cầu của người lao động?

Hãng thông tấn AFP vào ngày đầu tuần này trích dẫn các nguồn tin trong nước cho hay trong tuần lễ trước đó có đến hằng chục ngàn công nhân thuộc những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương đã tiến hành đình công.
Theo Tiền Phong Online thì vào ngày hôm qua 14 tháng 3 mới xảy ra một vụ đình công mới nhất tại một công ty may mặc Nhật Bản. Trước đó các báo trong nước đều loan tải tin tức chừng 4000 công nhân nhà máy Green River Wood & Lumber tại Bình Dương bắt đầu đình công từ ngày 9/3 vừa qua.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết sau một ngày đình công, công nhân của Green River Wood & Lumber trở lại nhà máy để xem giải quyết từ phía chủ công ty, thế nhưng họ chỉ thấy bảng thông báo trước cổng với nội dung ‘Mời anh chị em công nhân trở lại tiếp tục làm việc trong khi chờ giải quyết’.
Tiền lương không thoả đáng
Công nhân không thỏa mãm với quyết định đó và bỏ ra về. Mãi đến ngày 13 vừa qua mới có chừng 500 công nhân trong tổng số chừng 4000 người đình công đã trở lại làm việc
Tìm hiểu về nguyên nhân các vụ đình công mới xảy ra thì lý do chính cũng là vì việc tăng lương thưởng không thỏa đáng và điều kiện làm việc chưa được cải thiện.
Lương chừng một triệu mấy một tháng nhưng có tháng chỉ mấy trăm ngàn, ăn theo sản phẩm mà.
Đó cũng là nhận định từ phía cơ quan chức năng như Liên Đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. Ông Hùynh Văn Tịnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh này phát biểu về điều đó:
Chủ yếu do vấn để tăng lương hằng năm thôi; công nhân thì đòi hỏi tăng cao hơn các dự thảo mà công ty đưa ra.
Ý kiến công nhân cho rằng mức lương tối thiểu đang được qui định cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 790 ngàn đồng tháng áp dụng cho những người mới vào làm việc là thỏa đáng thế nhưng đối với những người thâm niên từ hai năm trở lên mà vẫn theo mức đó là không hợp lý.
Tiền trợ cấp và chế độ thưởng
Một luồng ý kiến khác của công nhân tại công ty Mabuchi của Nhật Bản ở Khu công nghiệp Biên Hoà 2 thì cho rằng công ty đã không tính đúng về các chế độ thưởng, đánh giá mức độ hoàn thành công việc chưa phù hợp.
Ví dụ như tiền trợ cấp thâm niên mà chính công ty đưa ra là mỗi năm làm việc được cộng thêm 25 ngàn đồng mỗi tháng, thế nhưng nhiều công nhân làm đến năm thứ bảy rồi mà cũng chỉ được cộng thêm 12 ngàn đồng/ tháng mà thôi.
Thế rồi công nhân nghỉ ốm dù có phép vẫn bị trừ tiền thưởng cuối năm. Nhiều người còn phản ánh là chất lượng bữa ăn giữa ca mà công ty cho rất kém.
Một công nhân đang làm việc tại khu vực Đồng Nai cho biết ý kiến về tình hình lương thấy và điều kiện làm việc bấp bênh hiện nay: "Lương chừng một triệu mấy một tháng nhưng có tháng chỉ mấy trăm ngàn, ăn theo sản phẩm mà."
Ngay sau khi xảy ra các cuộc đình công thì liên đoàn lao động là cơ quan đại diện cho giới công nhân đã đến tại những nơi có vụ việc để giúp hoà giải với phía chủ. Ông Hùynh Văn Tịnh nói:
Thật ra chúng tôi đang thương lượng với công nhân và công ty; nhưng thực ra la cách tính lương giữa hai phía mà chúng tôi là người bảo vệ cho công nhân nên phải giải quyết để ổn định tại doanh nghiệp.
“Thật ra chúng tôi đang thương lượng với công nhân và công ty; nhưng thực ra la cách tính lương giữa hai phía mà chúng tôi là ngừơi bảo vệ cho công nhân nên phải giải quyết để ổn định tại doanh nghiệp.”
Theo qui định của luật Lao động tại Việt Nam hiện nay, đình công hợp pháp phải do công đoàn cơ sở đứng ra tổ chức. Và họat động này phải được thông báo trước cho phía sử dụng lao động. Cho nên tất cả những cuộc đình công tự phát như vừa qua đề bị cho là bất hợp pháp và phía chủ có quyền sa thải những ngừơi bị cho là vi phạm luật đó.
Liên đoàn Lao động
Thông tin mới nhất từ Thời báo Kinh tế Việt Nam trên mạng cho hay thì vào ngày 13 tháng 3 vừa qua phó tổng giám đốc Công ty Green River Wood & Lumber ký thông báo nêu rằng việc công nhân bỏ xưởng từ ngày 9 đến 13 tháng 3 không phải là việc đình công đòi hỏi quyền lợi mà là một hành vi tự ý bỏ việc.
Viên chức thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai thì việc thành lập các công đoàn cơ sở tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và ngay cả những công ty trong nước vẫn chưa thực hiện được.
Đồng Nai có kế họach nâng cao công đoàn cơ sở từ năm 2006, nhất là trong năm 2007 để bảo đảm nơi có công đoàn cơ sở là đại diện được cho quyền lợi của người lao động.
Lao động tại Việt Nam hiện nay cũng đang dịch chuyển theo hướng cơ chế thị trường là cung cầu quyết định. Người lao động bây giờ dù là lao động công nghiệp giản đơn cũng đang có thêm cơ hội để chọn nơi làm việc khi mà nhu cầu ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy là các đơn vị sản xuất phải đối đầu với tình trạng khan hiếm lao động khi mà công nhân có thể sẵn sàng bỏ đi để đến làm việc một nơi có điều kiện hơn.
Ngoài việc nhận ra yếu tố cung cầu, người lao động hiện nay cũng phần nào nhận thức được quyền lợi khi tham gia lao động và biết được sức mạnh đoàn kết khi cùng nhau đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của mình.
Báo Tuổi Trẻ vừa trích bài trên tờ Yomiuri Shimbun số ra ngày 14 tháng 3 nhận định là Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh là lao động giá rẻ.