Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Tháng trước, mọi người bàng hoàng trước tin quân khủng bố ra tay phá hoại ở Anh Quốc. Tin này được mọi người chú ý hơn hơn sau khi Luân Ðôn thông báo đường dây khủng bố có liên hệ với Al-queda ở Iraq và quy tụ nhiều bác sĩ.

Ngay tức khắc, có dư luận cho rằng giới trí thức Hồi Giáo đã nhập cuộc và nếu đúng, đây sẽ là một hiểm họa của thế giới, một thách thức cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang được thực hiện ở nhiều quốc gia.
Nguyễn Khanh phỏng vấn ông Mahan Abedin, một chuyên gia của Anh Quốc về Trung Ðông Ông Abedin hiện đang sinh sống ở Luân Ðôn, Chủ Biên Tạp Chí Terroism Monitor đồng thời cũng là Giám Ðốc Viện Nghiên Cứu Về Khủng Bố Toàn Cầu.
Nguyễn Khanh: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin đặt ra với ông là ông có ngạc nhiên trước tin quân khủng bố ra tay phá hoại ở Anh Quốc cách đây vài tuần hay không?
Ông Mahan Abedin: Tôi có ngạc nhiên về chuyện đó không? Câu trả lời là không.
Lý do là vì trong một thời gian dài, các viên chức đặc trách an ninh Anh Quốc đã báo động rằng hiểm họa khủng bố vẫn còn ngay ở trong nước Anh, đồng thời cũng phải nhớ là ngày mùng 7 tháng Bảy năm 2005 là ngày bọn khủng bố đánh bom ở nhiều tuyến đường xe điện và xe buýt trong thủ đô Luân Ðôn, do đó, càng đến ngày đó thì mọi người càng lo ngại, vì bọn khủng bố có thể lợi dụng ngày chúng gọi là ngày kỷ niệm để ra tay phá hoại tiếp.
Chính vì đã đề phòng kỹ như vậy mà các ý đồ phá hoại của bọn khủng bố đã bị phá vỡ. Thành ra chuyện khủng bố ra tay phá hoại là điều đáng tiếc, nhưng ngạc nhiên thì không.
Nguyễn Khanh: Nhưng ông đừng quên lần này báo cáo cho thấy phần lớn những người bị bắt giữ, hay nói đúng hơn đại đa số những người bị bắt giữ đều là bác sĩ, là thành phần trí thức, được xã hội quý trọng…
Ông Mahan Abedin: Về điểm này thì đúng. Nếu nói về thành phần tham gia phá hoại thì đúng, rõ ràng đó là điều khiến mọi người phải ngạc nhiên. Thông thường khi nói về thành phần tham gia khủng bố, chúng ta thấy chúng là những người có học thức, nhưng học cao đến như vậy thì hầu như không có mấy.
Trước đây, chúng ta không thấy trong thành phần khủng bố chẳng có mấy kẻ là bác sĩ, và thông thường ai cũng nghĩ rằng những người trí thức này có một đời sống rất ổn định nếu không muốn nói là cao hơn mực sống của một người bình thường, thành ra ai cũng ngạc nhiên khi nghe tin này.
Một điểm gây ngạc nhiên khác là lần này, tất cả những viên bác sĩ hoạt động trong đường dây phá hoại đều là người đến từ Trung Ðông, tức là họ không sinh trưởng ở Anh hoặc lớn lên ở Anh. Tôi nói điều này vì nếu nhnì lại vụ khủng bố xảy ra ở Luân Ðôn hôm mùng 7 tháng Bảy năm 2005, chúng ta thấy tất cả những kẻ phá hoại đều lớn lên ở Anh Quốc. Khác biệt này là điều cần phải lưu ý.
Nguyễn Khanh: Tại sao lại có chuyện bác sĩ trở thành khủng bố? Ai cũng bảo học tới bác sĩ là phải thông minh, khôn ngoan, thế theo ông thì tại sao họ lại làm chuyện không ai có thể ngờ?
Ông Mahan Abedin: Đó là câu hỏi khó có thể trả lời được. Tại sao họ lại làm điều điên rồ này? Những gì đã thúc đẩy họ làm chuyện không ai tưởng tượng nổi? Một vài viên chức điều tra bảo với tôi là họ thuộc đường dây khủng bố quốc tế Al-queda, và chúng ta đang chờ đợi kết quả cuộc điều tra xem đường dây của họ rộng lớn đến mức nào.
Cũng có người bảo họ bị thúc đẩy bởi chủ thuyết Ả Rập chống lại Tây Phương. Nhưng nếu ông hỏi ý kiến riêng của tôi thì theo tôi, Iraq có liên quan khá chặt chẽ với vụ phá hoại này.
Nguyễn Khanh: Tại sao ông nói vậy?
Ông Mahan Abedin: Tôi nói thế vì hai tên bác sĩ đầu não của đường dây khủng bố mới Anh Quốc bị phá vỡ thì một người mang quốc tịch Iraq, một người gốc Jordan, và ai cũng biết người Jordan thường hay chia sẻ quan điểm chính trị với người Iraq, đặc biệt nhất là trong những năm gần đây khi cuộc chiến ở Iraq bùng nổ, nhiều bác sĩ người Iraq chạy sang Jordan lánh nạn và làm việc ở đó. Tôi cũng nghĩ là việc Hoa Kỳ và Anh chiếm đóng Iraq cũng là một lý do thúc đẩy họ làm điều này.
Nguyễn Khanh: Ông vừa bảo Iraq là một trong những lý do khiến những người thuộc thành phần trí thức tham gia hoạt động khủng bố. Ðó có phải là điều chúng ta phải lo sợ không?
Ông Mahan Abedin: Chúng ta phải nhìn vấn đề ở một góc cạnh rộng hơn. Hiem họa khủng bố có thể gây nên bởi bất cừ thành phần nào, bất cứ cá nhân nào, chứ không nhất thiết phải là người có học thức hay không có học thức.
Chúng ta phải biết là không khó cho quân khủng bố ra tay hành động, cũng chẳng khó để chúng đe dọa mọi người, vì chúng có thể đe dọa xã hội bằng đủ mọi cách. Nhất là trong giai đoạn tình hình Trung Ðông đang căng thẳng như hiện giờ, khủng bố là một hiểm họa cho tất cả chúng ta.
Nguyễn Khanh: Liệu chuyện đã xảy ra ở Anh có thể xảy ra ở Mỹ không?
Ông Mahan Abedin: Theo tôi nghĩ, an ninh ở Mỹ chặt hơn, thành ra khủng bố khó có thể ra tay hành động ngay trên đất Mỹ. Ðồng thời Hoa Kỳ không phải đối phó với những trở ngại xuất phát từ các cộng đồng người Hồi Giáo, trong khi điều này lại xảy ra tại Âu Châu.
Về lý thuyết, chúng ta cũng chưa thấy xuất hiện thành phần khủng bố là những kẻ lớn lên hay sinh trưởng ngay ở nước Mỹ, trong khi ở Âu Châu thì đã có rồi. Ðe dọa thì lúc nào cũng có, nhưng mức độ đe dọa do quân khủng bố gây nên ở Châu Âu lớn hơn ở Mỹ nhiều lắm.
Nguyễn Khanh: Còn ở Châu Á thì sao?
Ông Mahan Abedin: Ở Châu Á thì tình hình lại hoàn toàn khác. Bất kể là ở Thái Lan, Indonesia hay Philippines, ở đó không có những cộng đồng Hồi Giáo nhập cư, mà chỉ có những người bản xứ theo Ðạo Hồi. Thành phần khủng bố ở Châu Á không giống như thành phần đang gây hiểm họa ở Mỹ hay Âu Châu.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Mahan Abedin.