Lễ Tạ Ơn Thầy Cô của Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston

0:00 / 0:00

Hiền Vy, thông tín viên đài RFA

Đầu thế kỷ thứ 16, nhiều người dân nước Anh đã phải rời bỏ quê hương, di dân qua châu Mỹ để tránh chế độ hà khắc của Anh Hoàng lúc bấy giờ. Trong những năm tháng đầu tiên, thiên tai và bệnh dịch đã làm nhiều người mạng vong. Năm 1621 là năm đầu tiên những di dân này được mùa và sống hạnh phúc. Họ đã cùng với thổ dân tại vùng đất mới họp lại để ăn mừng và tạ ơn Thượng Đế.

ChildrenThanksgivingparty200.jpg
Các em nhỏ mặc trang phục truyền thống của thổ dân da đỏ trong bữa tiệc Thanksgiving hôm 26-11-2003 tại trường Lycee Francais, New York. AFP PHOTO

Truyền thống Lễ Tạ Ơn bắt đầu từ đó. Năm 1940, Tổng Thống Mỹ Roosevelt đã chính thức chọn ngày Thứ Năm, cuối tháng 11 là ngày quốc lễ cho Hoa Kỳ, Đó là Lễ Tạ Ơn, để dân chúng có dịp ăn mừng thành quả trong năm cũng như để tưởng nhớ đến công lao của những người đã hy sinh cho đất nước, cho cộng đồng xã hội.

Cùng tâm trạng như những di dân ngày xưa, người Việt bỏ xứ ra đi tìm tự do cũng tiếp nhận truyền thống Lễ Tạ Ơn.

Trong mùa Tạ Ơn, ngoài sinh hoạt có tính cách tôn giáo, người Việt tại Houston cũng có các sinh hoạt từ thiện để giúp người nghèo khó, tuy nhiên có lẽ đặc biệt hơn cả, là Lễ Tạ Ơn Thầy Cô của trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston, tiểu bang Texas.

Phối hợp truyền thống Lễ Tạ Ơn của Văn Hóa Hoa Kỳ, với tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của Văn Hóa Việt Nam, hội Phụ Huynh Học Sinh của Trường Việt Ngữ Hùng Vương cũng có truyền thống tổ chức ngày Lễ Tạ Ơn Thầy Cô vào dịp này.

Cách đây trên 20 năm, một số người trẻ yêu tiếng Việt, yêu Văn Hóa Việt, đã cùng nhau thành lập Trường Việt Ngữ Hùng Vương, vì lo ngại tiếng Mẹ có thể bị quên lãng, như lời cô hiệu trưởng Bùi Thúy Phượng:

“Trường Việt Ngữ Hùng Vương được thành lập năm 1986 do một số anh chị em sinh viên trẻ thiện nguyện, các anh chị sinh viên này nghĩ tới vấn đề bảo tồn văn hóa và truyền thống của người ViệtNam. Tất cả các thầy cô đều làm thiện nguyện, chúng tôi nghĩ đến tương lai thế hệ trẻ ViệtNam, nên hợp lại với nhau để hoạt động trường.”

Năm nay, trường Hùng Vương sinh hoạt tại Đại Học Cộng Đồng với trên 300 học sinh, được chia làm 18 lớp, và có gần 50 giáo viên và phụ giáo. Các học sinh học xong chương trình của trường, thường ở lại làm phụ giáo và sau đó, có em trở thành giáo viên, như thầy Nguyễn Đình Quốc Bảo:

“Em là thầy giáo của trường Việt Ngữ Hùng Vương. Em đã học trường Hùng Vương từ lúc 7 tuổi, bây giờ em 22 tuổi. Lúc đầu thì bố mẹ bắt đi học, nhưng khi đến học thì thấy vui, cũng thích. Em muốn giúp cộng đồng Việt Nam của mình, muốn giúp mấy trẻ em đi học giống em và học tiếng VietNam, để biết nguồn.”

Trong buổi tiệc cảm tạ thầy cô, Ông Cao Bá Tiến, hội trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh cho biết về quá trình sinh hoạt của Hội:

“ Trường Hùng Vương thành lập từ năm 1986, nhưng đến 5 năm sau thì các phụ huynh ngồi lại có qui củ hơn và bắt đầu có truyền thống này. Hội phụ huynh phụ giúp cho thầy cô trong trường Hùng Vương những sinh hoạt như là Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Những việc đó có thể giúp các em trở lại những phong tục cổ truyền của ViệtNam ngày xưa.

Buổi lễ này gọi là Lễ Tạ Ơn Thầy Cô. Đến nước Mỹ, thấy phong tục Lễ Tạ Ơn rất hay, nên chúng tôi mượn dịp này để cảm tạ thầy cô vì các thầy cô của trường Việt Ngữ Hùng Vương họ tự nguyện hết. Chúng tôi tỏ lòng cảm tạ họ, đã bỏ thì giờ suốt một năm dạy dỗ con em của chúng tôi”

Và ông Quí Trần, cũng là thành viên trong Hội Phụ Huynh thì nhắc đến tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo:

“Người Việt Nam vốn có tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo. Đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chúng ta cần phải giữ gìn, nhất là ở hải ngoại. Để cám ơn thầy cô cũng là trách nhiệm và bổn phận của Hội Phụ Huynh Học sinh để tri ân và khích lệ tinh thần của thầy cô.”

Cô Lai Tuyết Lan, một cựu hội trưởng của hội phụ huynh học sinh, đã trở lại giúp Hội mỗi năm trong việc tổ chức Ngày Cảm Tạ Thầy Cô:

“Sự gắn bó của các anh chị đã làm em trở lại mỗi năm để giúp chương trình hôm nay. Nó thành một truyền thống của Trường Việt Ngữ Hùng Vương là dùng ngày Lễ Thanksgiving để mà cảm tạ Thầy Cô. Đây là một cơ hội để cho phụ huynh và các em có dịp để cám ơn Thầy Cô, để ủng hộ tinh thần của Thầy Cô để thầy cô tiếp tục dạy các em.”

Ông Tiến cho rằng, Thầy Cô trường Việt Ngữ là những chiến sĩ đang bảo tồn Văn Hóa Việt: "Những người bảo tồn văn hóa ViệtNam là các thầy cô ở đây, họ đã bỏ ra rất nhiều công sức trong suốt hơn 21 năm nay để dạy cho trường Hùng Vương này. Họ là những người mà chúng tôi rất là cảm phục, rất là cảm tạ."

Với ông Quí Trần thì đó là bổn phận và trách nhiệm của mọi người: "Đối với chúng tôi, việc phụ giúp nhà trường để mà bảo tồn Văn Hóa Việt là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam sống ở nước ngoài phải có. Tiếng Việt còn, thì người Việt còn. Vì vậy nên bất cứ ở nơi đâu thì chúng ta cũng phải giữ gìn được cái ngôn ngữ Mẹ đẻ của chúng ta."

Cô Hiệu trưởng khiêm nhường cho rằng chỉ mong học sinh biết nói tiếng Việt để nói chuyện với ông bà cha mẹ và học thêm một chút về Văn Hóa Việt Nam:

“Ước muốn của chúng tôi rất là đơn giản, chỉ mong rằng các em nói được tiếng Việt, hiểu được tiếng Việt để có thể liên lạc với phụ huynh. Các em cũng học về ca múa hát và đàn, những nhạc cụ cổ truyền như đàn Tranh, đàn Tỳ Bà. Hiện tại thì chúng tôi cũng vừa mới thành lập đoàn Lân ca trường nữa. Chúng tôi cố gắng trong khả năng để truyền đạt những gì mà có truyền thống văn hóa Việt Nam đến thế hệ tương lai.”

Trong buổi Lễ Tạ Ơn Thầy Cô năm nay, bà nội của một học sinh đã lên ngỏ lời cảm tạ: "Kính thưa quí thầy cô, chúng tôi rất vui mừng là các cháu qua đây, các cháu sinh ra tại quê hương thứ hai này, mà các cháu vẫn nhớ về nguồn cội, vẫn giữ được nền văn hóa Việt, biết đọc, biết viết chữ Việt là nhờ công lao vô cùng to lớn của quí thầy cô.

Quí thầy cô là những người có tấm lòng vàng để bảo tồn văn hóa Việt. Quí thầy cô đến trường vào những ngày Chủ Nhật để giảng dạy cho các cháu nhớ về nguồn cội, giữ gìn văn hóa Việt … Thật là một điều vô cùng quí giá, chúng tôi không biết nói gì hơn. Xin chân thành cảm ơn quí thầy cô.”

Và các học sinh cũng đã lên sân khấu để cám ơn Thầy Cô bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh

Dù xa quê hương, người Việt Nam tại hải ngoại luôn luôn muốn bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của Văn Hóa Việt để tìm cách phối hợp với Văn Hóa nước người. Nếu truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo đang phai mờ trong nền giáo dục quốc nội, như một số nhà phê bình xã hội đang than phiền, thì tại Houston, truyền thống này vẫn vững mạnh, trong Trường Việt Ngữ Hùng Vương.

Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas